Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Khuyến cáo khi sử dụng các loại thuốc trong đơn thuốc tự điều trị Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội

(SGTT) – Gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện những đơn thuốc tự điều trị Covid-19 tại nhà, không rõ nguồn gốc. Một số hướng dẫn sử dụng thuốc lan truyền không có cơ sở khoa học, điều này có thể gây ra các tác dụng phụ, thậm chí nguy hiểm đến sức khỏe của người sử dụng. Dưới đây là công dụng cũng như khuyến cáo khi sử dụng các loại thuốc được liệt kê nhiều trong các đơn thuốc trên mạng xã hội.

Hiện nay, trên mạng xã hội đang lan truyền về đơn thuốc dùng để điều trị Covid-19. Đơn thuốc được nhiều người chia sẻ rộng rãi để tự sử dụng tại nhà, tuy nhiên hiệu quả đến đâu thì không ai có thể kiểm chứng. Các thành phần trong toa thuốc gồm có: Paracetamol 500mg, Siro ho (Methorphan), Azithromycin 500 mg, Methylprednisolone 16mg, Vitamin C 500mg và súc họng bằng dung dịch chứa Chlorhexidin hay Povidon.

Một đơn thuốc được cho có thể điều trị khỏi Covid-19 đang lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Dưới đây là đánh giá của từng loại thuốc với công dụng, liều lượng cụ thể; từ đó người dùng có thể nắm rõ hơn cách sử dụng để tránh lạm dụng thuốc, dùng sai hoặc nhầm lẫn trong quá trình điều trị bệnh.

1. Paracetamol

Thuốc Paracetamol còn có tên gọi khác là Acetaminophen. Công dụng của paracetamol là giúp giảm đau và hạ sốt. Nếu bệnh nhân bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và có biểu hiện sốt và đau nhức cơ, Paracetamol là một lựa chọn tốt để giúp giảm các triệu chứng trên. Bệnh nhân có thể mua thuốc Paracetamol ở các tiệm thuốc mà không cần đơn của bác sĩ.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều dạng bào chế như dạng viên nén, dạng gói, viên sủi, dạng lỏng, viên đặt. Hàm lượng thông thường được sử dụng của Paracetamol là 10-15 mg/kg, 4 – 6 giờ/lần, lưu ý không nên dùng Paracetamol quá năm lần và không quá 75 mg/kg trong vòng 24 giờ. Liều dùng Paracetamol dạng viên đặt hậu môn được khuyến cáo trong khoảng 10-20 mg/kg/liều, mỗi 4-6 giờ khi cần thiết; không quá 5 lần và 75 mg/kg trong vòng 24 giờ.

Bệnh nhân không nên dùng quá 4g paracetamol trong ngày vì có thể gây ngộ độc gan cấp tính. Tác dụng giảm đau của Paracetamol có hiệu quả trong 30-60 phút sau khi dùng và tác dụng của thuốc kéo dài trong 3-4 giờ.

2. Azithromycin

Thuốc Azithromycin là kháng sinh thuộc nhóm macrolid, được sử dụng để điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn. Viên uống Azithromycin sẽ không có tác dụng đối với Covid-19 do virus Corona gây ra. Việc lạm dụng hoặc dùng sai chỉ định Azithromycin và các loại kháng sinh khác đều có thể dẫn đến hiện tượng vi khuẩn đề kháng kháng sinh. Việc sử dụng thuốc Azithromycin kéo dài hoặc lặp lại có thể dẫn đến nhiễm nấm miệng, nấm âm đạo và nhiều tác dụng phụ khác. Thuốc Azithromycin chỉ được kê cho tình trạng nhiễm khuẩn hiện tại, không được dùng để phòng ngừa bệnh.

Virus gây bệnh cảm có thể dẫn tới làm suy yếu hệ miễn dịch qua đó tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công. Một số bệnh nhân bị nhiễm trùng hô hấp sau khi nhiễm virus sẽ được bác sĩ chuẩn đoán và có phác đồ điều trị bằng kháng sinh thích hợp cho từng bệnh nhân. Azithromycin là thuốc kế đơn, bệnh nhân cần sự thăm khám của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc. Bạn không nên tự ý mua hoặc tự sử dụng thuốc mà không có sự tư vấn của nhân viên y tế.

Azithromycin là loại thuốc cần được bác sĩ kê đơn.
3. Methylprednisolone

Thuốc Methylprednisolone thuộc nhóm kháng viêm corticoid được sử dụng rất phổ biến để điều trị nhiều bệnh khác nhau. Corticoid bản chất là một loại hormon của cơ thể (cortisol).

Thuốc methylprednisolone được dùng để điều trị các bệnh lý như viêm xương khớp, các bất thường về máu, một số phản ứng dị ứng nguy hiểm, một số bệnh ung thư, bệnh về mắt, bệnh về da, thận, đường ruột…

Thuốc methylprednisolone có tác dụng ức chế hệ thống miễn dịch của cơ thể, qua đó giúp giảm các triệu chứng khó chịu như sưng, đau và dị ứng. Tuy nhiên thuốc cũng làm cơ thể giảm đề kháng với các loại nhiễm trùng. Vì vậy, bệnh nhân dễ bị vi khuẩn tấn công hơn hoặc làm nặng thêm các bệnh nhiễm trùng đang mắc phải.

Methylprednisolone là thuốc kê đơn và có rất nhiều tác dụng phụ không mong muốn nếu bệnh nhân tự sử dụng không đúng cách. Trong điều trị Covid-19 đối với các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ thì Methylprednisolon không phải là lựa chọn tốt. Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc methylprednisolone bao gồm: đau đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, thay đổi khẩu vị, tăng tiết mồ hôi…

Đối với các bệnh nhân bị nhiều triệu chứng nặng do Covid-19, các bác sĩ sẽ cân nhắc chọn loại Cortisol và liều lượng thuốc thích hợp theo mức độ, tình trạng bệnh và khả năng đáp ứng điều trị của từng người bệnh. Không tự ý tăng liều hoặc sử dụng lâu hơn so với hướng dẫn của bác sĩ. Vì nếu dùng sai cách, tình trạng bệnh có thể không cải thiện nhiều mà nguy cơ xảy ra tác dụng phụ cao hơn. Liều lượng thuốc methylprednisolone nên được giảm dần trước khi dừng hẳn.

Methylprednisolone là thuốc kê đơn và có rất nhiều tác tụng phụ không mong muốn nếu bệnh nhân tự sử dụng không đúng cách.
4. Siro ho với thành phần chính là Dextromethorphan

Ho có thể là biểu hiện của bệnh lý đường hô hấp nhưng cũng có thể là biểu hiện của bệnh lý khác, như trào ngược dạ dày thực quản, suy tim. Chúng ta cần phân biệt rõ ho khan (không có đờm) và ho có đờm để sử dụng thuốc chính xác.

Dextromethorphan có tác dụng làm giảm kích thích ho trên hệ thần kinh trung ương và được chỉ định đề điệu trị ho khan. Thuốc không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi do nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng có thể gặp.

Thuốc được bán trên thị trường ở dạng viên nén hoặc siro. Hàm lượng của thuốc cũng khá đa dạng với viên nén 10 – 60mg hoặc siro với nồng độ dextromethorphan 5mg/5ml; 7,5mg/5ml; 30mg/5ml… Thuốc có thể dùng trước ăn hoặc sau ăn, nếu bạn cảm thấy kích ứng đường tiêu hóa, nên sử dụng thuốc sau bữa ăn.

Liều dùng thông thường của dextromethorphan đối với người lớn (và trẻ em trên 12 tuổi) là 10 – 20mg mỗi 4 giờ hoặc 20-30mg mỗi 6-8 giờ, tối đa 120mg/ngày. Trẻ em dưới 6 tuổi: 5mg mỗi 4 giờ, không vượt quá 6 liều trong 24 giờ, tối đa 30mg/ngày. Trẻ em dưới 12 tuổi: 10mg mỗi 4 giờ, không vượt quá 6 liều trong 24 giờ, tối đa 60mg/ngày.

Trong trường hợp bệnh nhân ho có đờm thì nên tránh sử dụng Dextromethorphan vào ban đêm vì thuốc sẽ ức chế cơn ho và cản trở việc loại thải đờm ra ngoài, trường hợp nặng có thể dẫn tới ngạt thở. Các nhóm thuốc có chứa tinh dầu hoặc thành phần hóa học như Acetylcystein, Ambroxol sẽ có tác dụng long đờm và giảm cơn ho hiệu quả hơn.

Tiến sĩ Tạ Thanh Sơn, Viện công nghệ dược sinh học, Đại học Marburg (Đức).
5. Vitamin C

Vitamin C không được xếp vào nhóm thuốc biệt dược nên bạn không cần đơn bác sĩ để mua thuốc. Các nghiên cứu y học cho thấy, vitamin C có vai trò quan trọng với sự hoạt động của xương, cơ bắp, mạch máu và các mô liên kết. Việc bổ sung đầy đủ loại vitamin này giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh do thiếu hụt vitamin C.

Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về tác dụng của loại vitamin này trong điều trị virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, vitamin C có thể giúp điều trị mệt mỏi do cúm hoặc sau bệnh, tăng sức đề kháng cơ thể, mau lành vết thương.

Vitamin C –  loại vitamin tan trong nước, rất ít rủi ro bị ngộ độc do quá liều. Nhu cầu vitamin C ở các nhóm tuổi khác nhau cũng có sự khác biệt. Trẻ em dưới 6 tháng cần khoảng 25mg/ngày. Trẻ từ 6 tháng tới 6 tuổi cần 30mg/ngày. Trẻ từ 7 tới 9 tuổi có nhu cầu khoảng 35mg/ngày. Người trưởng thành cần 70mg/ngày.

6. Nước súc miệng Chlorhexidin hay Povidon

Dung dịch nước súc miệng chứa Povidon 1,25% được khuyến cáo để điều trị dự phòng trong trường hợp bị phơi nhiễm. Các loại nước súc miệng có chứa cồn và tinh dầu (Listerine®…), dung dịch nước muối khoảng 5% hoặc bằng trà xanh cũng sẽ giúp giảm tải lượng virus ở những người bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng sẽ thường mắc phải tình trạng nghẹt mũi, khó thở. Trong trường hợp này, người bệnh chỉ cần dùng thuốc uống dạng viên có chứa Norpseudoephedrine hay dạng xịt có chứa Xylometazelin hoặc Oxymetazolin.

Người dùng cần lưu ý tránh sử dụng quá 5-7 ngày. Dùng thuốc nhóm này trong một thời gian dài sẽ gây hiện tượng lờn và phụ thuộc thuốc. Việc dùng các loại xịt hay viên uống có chứa tinh dầu cũng rất tốt. Một số biện pháp hỗ trợ điều trị: nghỉ ngơi, uống nhiều nước và hít thở không khí trong lành sẽ giúp cho bệnh nhân nhanh hồi phục nhanh.

Tiến sĩ Tạ Thanh Sơn

Viện công nghệ dược sinh học, Đại học Marburg, CHLB Đức

Video: Minh Thảo

Sài Gòn Tiếp Thị thông qua chuyên mục “Thắc mắc mùa dịch” sẽ là cầu nối để bác sĩ, chuyên gia y tế giải đáp các thắc mắc từ bạn đọc một cách nhanh chóng và chính xác. Bạn đọc có câu hỏi cần giải đáp hãy bình luận (comment) ngay dưới các bài viết thuộc chuyên mục này hoặc gửi mail về cho chúng tôi qua email admin@sgtiepthi.vn, hoặc gửi câu hỏi qua fanpage của báo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tiền Giang: Hạn mặn làm nông dân trồng rau lo mất...

0
(SGTT) - Hiện nay, tình hình sản xuất cây trồng ở nhiều khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Bến...

Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẵn sàng thông xe...

0
(SGTT) - Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo dài gần 79km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận đã...

Nhà hàng, quán ăn tự tin sẽ ‘hốt bạc’ dịp 30-4...

0
(SGTT) - Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay kéo dài 5 ngày là cơ hội “hốt bạc” cho các chuỗi kinh doanh...

Đầu tư để xử lý nước ở ĐBSCL cần gấp hơn

0
(SGTT) - Mỗi khi mùa hạn mặn bắt đầu xuất hiện, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào quá trình chuyển đổi quản...

Mẹ rùa Malaysia vượt biển đến Côn Đảo đẻ trứng

0
(SGTT) - Ngày 22-4, một rùa mẹ đeo thẻ quốc gia Malaysia đã bơi vào bãi Cát Lớn tại hòn Bảy Cạnh, thuộc Vườn...

Ẩm thực hiện đại qua ‘góc nhìn’ đầu bếp Huỳnh Quang...

0
(SGTT) - Chọn phong vị ẩm thực hiện đại, đầu bếp Huỳnh Quang Viên đến từ Quảng Ngãi đã có buổi chia sẻ kiến...

Kết nối