Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Khi giảng viên luật làm đầu bếp

Ẩm thựcDuyên ẩm thựcKhi giảng viên luật làm đầu bếp
(SGTT) - Yêu bếp, nấu ăn giỏi, chị Phạm Thị Minh Anh, giảng viên luật tại TPHCM bắt đầu học bếp chuyên nghiệp và khởi nghiệp kinh doanh món ăn nhà làm online. Mùa cao điểm tết, số đơn hàng chị nhận được lên đến 600 phần chỉ trong 5 ngày.

Chị Minh Anh hiện đang là Giảng viên Luật và Tư vấn pháp luật tại TPHCM. Có niềm đam mê lớn với ẩm thực và biệt tài chụp ảnh món ăn đẹp mắt, chị tốt nghiệp xuất sắc khóa học Bếp Á chuyên nghiệp và mở bán đồ ăn online trên trang cá nhân của mình. Thực đơn của chị rất phong phú, hầu hết là món ăn thuần Việt, món ăn đãi tiệc gia đình, món ăn bổ dưỡng cho người lớn tuổi. Đối với chị, một người làm nghề luật vào bếp không chỉ là đam mê, mà còn là gia vị giúp cân bằng cuộc sống sau áp lực trong công việc chuyên môn.

Từ biết nấu ăn đến nấu ăn ngon

“Tôi hay hay nấu ăn, rồi chụp ảnh, chia sẻ món ăn đó cho bạn bè, học trò của mình cùng thưởng thức. Chỉ là những món ăn đơn giản trong bữa cơm gia đình, vài món ăn vặt, hoặc nhận lời nấu giúp bạn bè vài món ăn ngon để đãi khách, cúng giỗ. Nhận món ăn do mình tặng hoài thì bạn bè cũng ngại nên động viên mình mở bán để người nấu và người ăn cùng vui,” chị kể về cơ duyên với nghề bếp.

Sau đó, chị bắt đầu theo học Bếp Á chuyên nghiệp của Trường Hướng nghiệp Pháp Việt, do đầu bếp Võ Quốc sáng lập. Tại đây, chị đã được các đầu bếp thành danh truyền lại những kinh nghiệm lựa chọn và sơ chế nguyên liệu; cách tạo ra hương vị đặc biệt cho món ăn, cách nấu nước dùng sao cho ngon, ngọt, thơm; thời điểm nêm nếm từng loại gia vị; hay bí quyết dùng rễ ngò, dùng đầu tôm khi nấu các món lẩu và cách trình bày món ăn.

Chị Minh Anh theo học khóa bếp chuyên nghiệp tại Trường Hướng nghiệp Pháp Việt. Ảnh: NVCC

Chia sẻ thêm, hai người thầy mà chị tâm đắc nhất, góp phần lớn cho sự thành công của mình là Master Chef Đỗ Quang Long và Master Chef Võ Quốc. Chị được truyền cảm hứng tình yêu bếp từ thầy Long, học được ở thầy tính kỷ luật, chỉn chu, óc hài hước, khiến gian bếp nóng nực luôn tràn ngập tiếng cười. Ở thầy Quốc, ngoài kiến thức chuyên môn, chị còn học được nhiều kinh nghiệm tổ chức bếp; sự quyết đoán, tỉ mỉ và cẩn trọng trong kinh doanh ngành ẩm thực.

Năm 2020, chị tận dụng diện tích trong căn hộ chung cư mở rộng một gian bếp để nấu những món ăn ngon chia sẻ cho mọi người, thu hút nhiều nhiều thực khách.Món ăn từ bếp của mình hầu hết là các món ăn rất đỗi quen thuộc với mọi gia đình, nhưng được chăm chút, kỹ lưỡng như nấu ăn cho người thân. Do đó việc lựa chọn nguyên liệu đầu vào, tận dụng tối đa các sản phẩm tự nhiên, đến quy trình chế biến đều tỉ mỉ và nghiêm túc - chắc do bệnh nghề nghiệp của một người làm nghề luật”, đầu bếp Minh Anh hài hước chia sẻ. Gia đình chị là người gốc Bắc, chị cũng có thời gian dài làm giảng viên tại Cần Thơ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nay có người bạn đời là người miền Trung nên chị có kinh nghiệm nấu được món ăn của nhiều vùng miền.

Thu hút thực khách qua hình ảnh “ngon mắt”

Đều bếp Minh Anh chia sẻ về yếu tố tạo nên thành công: “Kinh nghiệm của mình cho thấy hình ảnh quyết định trên 80% việc chọn mua sản phẩm của khách hàng. Hình ảnh món ăn trực quan, sinh động sẽ lôi cuốn và thu hút khách hàng.

Mình yêu thích chụp ảnh và rất thích chụp ảnh món ăn. Theo mình, với những người không chuyên, không nhất thiết phải có một thiết bị tối tân, đắt tiền vì hiện nay điện thoại di động có rất nhiều nhiều tiện ích, hoàn toàn có thể giúp mình chụp một bức ảnh đẹp. Hãy tìm hiểu một số nguyên tắc cơ bản trong nhiếp ảnh và chụp dưới ánh sáng tự nhiên. Ảnh càng đơn giản, thô mộc, càng gần gũi, càng đẹp. Hơn nữa, khi mình trực tiếp nấu ăn, hiểu được tinh túy của món ăn là gì, sẽ thổi hồn cho những bức ảnh sống động hơn”.

Món ăn quen thuộc mà kỳ công

Kể về những món ăn ngon của bếp mình, chị kể ngay về món dưa cải, món ăn rất bình dân, đơn giản nhưng ở bếp chị lại có hương vị hoàn toàn khác biệt. “Dưa cải chua là món ăn rất đỗi bình thường, nhưng bếp mình lại chăm chút lắm. Phải lựa chọn thật kỹ nguyên liệu, nhất định phải rửa sạch từng lá rồi đem phơi, sau đó thái nhỏ và rửa lại lần nữa. Cái cảm giác ngắm nhìn mớ dưa cải phơi mình ngoài nắng đem đến cho mình nhiều suy nghĩ rất thú vị. Điều đặc biệt là mình muối dưa bằng nước mía thay cho đường và chắc chắn không dùng chất tạo màu. Dưa mình muối rất giòn, thơm, có thể kết hợp dễ dàng với nhiều món ăn khác trong bữa ăn hằng ngày”, chị Minh Anh hào hứng mô tả về món dưa cải chua đặc biệt của bếp mình.

Dưa cải chua. Ảnh: NVCC

Hoặc như món lẩu Thái Tomyum, được chị tự tin rằng “nếu ăn một lần sẽ không muốn ăn lẩu Thái ở nơi khác nữa” là công thức riêng mà chị kết hợp từ các nguyên liệu tự nhiên, không sử dụng gia vị công nghiệp bán sẵn, nên hương vị đậm đà, độc đáo khác biệt.

Hay như món mắm chưng hột vịt muối, là món ăn đắt hàng nhất của bếp chị, được pha trộn từ 4 loại mắm của xứ mắm Châu Đốc. Biết rằng nhiều người không thích hoặc rất e ngại ăn mắm, nên món mắm chưng của chị không quá dậy mùi mắm, nhưng vẫn rất béo, thơm, không quá ngọt, cũng không quá mặn, phù hợp với khẩu vị người Sài Gòn.

Mắm chưng. Ảnh: NVCC

“Có nhiều món ăn từ bếp mình (mắm chưng, chả trứng, chả đùm, cá kho, vịt nấu chao…) đến với bạn bè và khách hàng đón nhận cùng lời khen tặng: “Ôi đúng vị Ngoại em, Mẹ em nấu ngày trước” hoặc “Lâu lắm rồi em mới ăn được cái vị này”. Có lẽ thời đại công nghiệp, sự tiện lợi của món ăn nhanh làm cho người ta thiếu vắng hương vị bữa cơm nhà ngày xưa. Tự nhiên mình cũng thấy vui vui vì đem lại những hồi ức quý giá cho mọi người”, chị chia sẻ niềm vui khi làm bếp.

Thêm gia vị cho cuộc sống từ căn bếp

Chia sẻ về những thành công nhỏ trong sự nghiệp làm bếp, chị kể, có đợt chị nấu gần 50 phần lẩu Thái trong hai ngày cuối tuần, hoặc dịp Tết Dương lịch, chị nhận giao 200 phần mắm chưng trứng muối đến thực khách sành ăn khắp Sài Gòn. Trong mùa Tết Nguyên đán này, chị ra mắt thực đơn gần 50 món ngon, rất được khách hàng ủng hộ.

Khi được hỏi về một kỷ niệm ấn tượng nhất trong nghề bếp, chị kể về lần thực khách đặt ba món ăn, nhưng lại chỉ chấp nhận trả tiền hai món vì món còn lại…không ngon. Chị rất bất ngờ. Càng bất ngờ hơn khi sau đó chị được vị khách đặc biệt này mời đến nhà, hướng dẫn nấu món ăn bị chê ấy sao cho ngon. Đến lúc này chị mới biết là vị khách đặc biệt này cũng là một đầu bếp chuyên nghiệp, quý mến người tay ngang mà mê bếp nên kết nối, chỉ dạy thêm để hoàn thiện tay nghề.

Hơn hai năm làm bếp chuyên nghiệp, chị thấm thía nghề bếp là một công việc tuy thú vị nhưng rất vất vả, hy sinh thầm lặng. “Đây là nghề nghiệp luôn đòi hỏi sự sáng tạo và học hỏi không ngừng. Mình thích những công việc như thế. Nhưng khó khăn lớn nhất đối với một người đa đoan như mình là thời gian. Do đó, cần sắp xếp khoa học giữa công tác chuyên môn và đam mê trái ngành”, nữ giảng viên - đầu bếp chia sẻ.

Công việc chính của đầu bếp Minh Anh là giảng viên Luật. Ảnh: NVCC

Là một nhà giáo, chị ấp ủ sẽ triển khai chương trình “Dạy nấu ăn miễn phí cho sinh viên” nhằm giúp các bạn có thể tự nấu những bữa ăn ngon cho gia đình hoặc khởi nghiệp từ nghề bếp, kiếm thêm thu nhập trang trải việc học. Trong năm 2023, dự án này sẽ được triển khai thực hiện.

Yến Nhi