(SGTT) – Với mục tiêu cùng doanh nghiệp tìm kiếm phương pháp cân bằng giữa việc kinh doanh và tạo tác động tích cực cho môi trường và xã hội, Quỹ Sống mới đây đã tổ chức hội thảo “Tạo giá trị chung thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) như thế nào?” tại TPHCM.
- Hợp tác chống buôn bán động vật hoang dã và ứng phó biến đổi khí hậu tại ĐBSCL
- Nâng cao nhận thức cộng đồng về tác động của biến đổi khí hậu qua triển lãm ảnh
Sự kiện có sự tham gia của gần 70 đại diện doanh nghiệp, tổ chức, chuyên gia và cơ quan báo chí. Mô hình kinh doanh tạo tác động tích cực cho xã hội đang ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm, nhất là từ sau đại dịch Covid-19 và hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 năm 2021.
Việc tích hợp các mục tiêu xã hội – môi trường vào chiến lược kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp vừa đạt được mục tiêu lợi nhuận, vừa có động lực phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến môi trường kinh doanh.
Hội thảo là một diễn đàn mở cho các doanh nghiệp, tổ chức và các chuyên gia cùng ngồi lại thảo luận, chia sẻ kiến thức, phương pháp thực hành mô hình “Tạo giá trị chung – CSV” trong kinh doanh.
Về tầm quan trọng của việc thực hành mô hình CSV, Thạc sĩ Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều), Chủ tịch Quỹ Sống, chia sẻ “Trước nay chúng ta quen với khái niệm CSR về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. CSV là một mô hình mới và cần được nhận thức đúng đắn để các doanh nghiệp có thể đạt được những mục tiêu kinh doanh vừa có ích lợi và giá trị cho xã hội, trong tương quan phát triển bền vững. Với phương pháp chung tay, Quỹ Sống sẵn sàng đồng hành cùng các doanh nghiệp để phát triển thực hành CSV”.
Tại sự kiện, các diễn giả đến từ nhiều lĩnh vực đã cùng ngồi lại thảo luận những nội dung liên quan đến việc thực hành CSV trong tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp.
Chia sẻ về những tác động của BĐKH lên hoạt động sản xuất kinh doanh, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Chuyên gia về BĐKH, cho biết “Với kịch bản ngày càng khốc liệt của BĐKH, những hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ ngày một dày đặc hơn. Tình trạng này sẽ tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến không chỉ tình hình sản xuất, kinh doanh mà còn ảnh hưởng đến tình hình xã hội”.
Trước nhận thức về những tác động của BĐKH ngày càng tăng của công chúng và doanh nghiệp, xu hướng đầu tư vào những dự án phát triển bền vững ghi nhận những chuyển biến tích cực. “Sau hội nghị COP26, các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước rất nhiều thách thức đồng thời cũng là cơ hội. Việc các định chế tài chính thế giới đặt ra các tiêu chuẩn về đầu tư xanh sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển mình theo hướng phát triển bền vững”, Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc Tư Vấn Ernst & Young Việt Nam, nhận định.
Trong khuôn khổ của hội thảo, chương trình Hạnh Phúc Xanh thuộc Quỹ Sống cũng chính thức khởi động chiến dịch “Trồng Rừng Giữ Nước 2022” của dự án Giao hưởng rừng xanh Ninh Thuận với mục tiêu trồng mới 50ha rừng tại Thuận Nam và Tân Giang. Chiến dịch năm nay sẽ không thể thành công nếu không có sự đóng góp, hỗ trợ từ những cá nhân, tổ chức, chính quyền địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp.
Tính đến thời điểm này, Quỹ Sống đã nhận được sự cam kết đồng hành của Grab, HP Việt Nam, Nuplex Resin Việt Nam, Siemens Gamesa, Ong mật Tracy Bee, Roche Việt Nam, Cỏ Mềm Homelab, ECCO and COLEHAAN (TBS Retail) và Dear, Klairs.
Những chia sẻ từ các chuyên gia, nhà khoa học, và doanh nhân về chủ đề CSV tại hội thảo đã giúp cho người tham dự có cái nhìn tổng quan cũng như các cách tiếp cận về thực hành CSV trong xu hướng phát triển bền vững.
CSR là viết tắt của cụm từ Corporate Social Responsibility (tạm dịch: Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp) là cam kết của doanh nghiệp đối với đạo đức kinh doanh và đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động và gia đình họ, cộng đồng địa phương và xã hội nói chung. |
Đinh Nam