Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024

Hợp tác chống buôn bán động vật hoang dã và ứng phó biến đổi khí hậu tại ĐBSCL

(SGTT) – Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khởi động dự án mới về chống buôn bán động vật hoang dã trái phép và ký thỏa thuận hợp tác về ứng phó biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Vừa qua, với sự tham dự của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, USAID và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lễ khởi động “Dự án bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp” nhằm hỗ trợ Việt Nam kiểm soát tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép đang diễn ra ngày một nghiêm trọng.

Dự án được thực hiện trong 5 năm với ngân sách 15 triệu đô la Mỹ nhằm mục tiêu tăng cường năng lực lãnh đạo của Việt Nam trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã thông qua thúc đẩy cam kết của các lãnh đạo cấp trung ương và địa phương, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật và giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép.

“Theo dự báo của các chuyên gia, với tốc độ như hiện nay thì các loài động vật nguy cấp nhất và mang tính biểu tượng nhất của thế giới như tê giác, voi, tê tê và hổ sẽ biến mất khỏi hành tinh của chúng ta trong vòng vài thập kỷ tới. Thông qua dự án mới này, USAID sẽ hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép và bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp”, bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam, phát biểu tại sự kiện.

Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thực hiện hiệu quả dự án sẽ góp phần giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật và thể hiện cam kết cao nhất của Chính phủ Việt Nam trong việc chống buôn bán động vật hoang dã, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và USAID cùng bấm nút khởi động Dự án bảo vệ các loại động vật nguy cấp. Ảnh: USAID

Việt Nam vẫn là một trung tâm toàn cầu của các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật và là quốc gia trung chuyển, nguồn và điểm đến trong chuỗi cung ứng của nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Dự án mới sẽ tập trung bảo vệ các loài động vật đang có nguy cơ bị buôn bán quốc tế vào Việt Nam như tê giác Châu Phi, voi Châu Phi và Châu Á, tê tê, cũng như các loài động vật thường xuyên bị săn bắt và buôn bán trong nước và quốc tế như linh trưởng, hoẵng và các loài mèo lớn. Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF Mỹ) là đơn vị thực hiện dự án phối hợp cùng tổ chức TRAFFIC và Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV).

Cũng tại sự kiện khởi động dự án, USAID và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mở ra một chương mới trong hợp tác về các vấn đề môi trường giữa hai cơ quan. Giám đốc USAID Việt Nam Yastishock và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đã ký thỏa thuận đối tác song phương đầu tiên (gọi là Thỏa thuận tài trợ khung có giới hạn phạm vi) giữa USAID và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2022-2027.

Với ngân sách dự trù lên tới 50 triệu đô la, thông qua thỏa thuận này, USAID sẽ hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm phát thải khí mêtan trong nông nghiệp, tăng cường khả năng chống chịu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương tại ĐBSCL, thúc đẩy các giải pháp dựa vào tự nhiên và xây dựng các chính sách về chống chịu với khí hậu và phát thải thấp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman cùng chứng kiến lễ ký thoả thuận. Phát biểu tại lễ ký, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cho rằng, giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu phải là một nỗ lực tập thể và nỗ lực này cần bao trùm tất cả các lĩnh vực, từ tăng cường khả năng chống chịu với môi trường đến giảm phát thải và bảo tồn đa dạng sinh học.

“Tôi cũng biểu dương USAID và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sự hợp tác trong chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Mỹ tự hào là đối tác của Việt Nam trong nỗ lực này”, Thứ trưởng Sherman nhấn mạnh.

Đinh Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim sau 2...

0
Sau 2 năm vắng bóng, sáng 7-3, bốn cá thể sếu đầu đỏ đã về Vườn quốc gia Tràm Chim, bay lượn và đậu...

Cò về rồi sẽ lại ra đi?

0
(SGTT) - Đã lâu lắm, tính ra cũng gần mười năm tôi mới được thấy cò về làng ở quê nhà Hà Tĩnh nhiều...

Năm rồng nói chuyện rắn bay

0
(SGTT) - Những tiếng rào rào kéo dài từ dưới mái tranh lan nhanh về phía những ngọn cây ở cuối góc vườn. Trời...

Học sinh lên tiếng vì động vật hoang dã

0
(SGTT) - Thuyết trình, viết, vẽ và diễn kịch với nội dung hướng đến bảo vệ các loại động vật hoang dã nguy cấp...

Đà Nẵng tiêu hủy gần 10 tấn động vật hoang dã...

0
(SGTT) - Dự kiến trong 2 ngày 28 và 29-12-2023, Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng và các cơ quan liên...

Rùa xanh nặng 80kg mắc cạn ở Côn Đảo được cứu...

0
(SGTT) - Sáng ngày 27-12, tại khu vực bãi Lò Vôi, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo (thành viên chương trình Sáng...

Kết nối