(SGTT) – Dù đã ở độ tuổi 70, ông Nguyễn Văn Thạ hiện đang sinh sống ở TPHCM vẫn làm cho người yêu thích trekking ngưỡng mộ vì tinh thần thể thao cùng niềm đam mê vận động của mình.
- Núi Đại Bình: điểm trekking mới của giới xê dịch
- Cụ ông 78 tuổi từ Pháp sang Đà Lạt thi chạy địa hình
- Độc giả Lê Dân Nam: U70 về hưu cất bước chu du khắp nước Việt
“Học hỏi từ các bạn trẻ”
Đã về hưu được gần 10 năm nay, ông Nguyễn Văn Thạ ngày ngày vẫn duy trì thói quen đi bộ gần nhà để dưỡng sức cho những chuyến đi dài cùng cộng đồng yêu thích trekking. Ông cho biết mình là người thích đi du lịch, mặc dù có nhiều lựa chọn cho tuổi già, ông đã đến với trekking vì thích hòa mình vào cảnh thiên nhiên hoang sơ, yên tĩnh, có cơ hội hít thở không khí trong lành và biết được nhiều điều mới lạ bên cạnh rèn luyện sức khỏe, giữ tinh thần lạc quan.
“Ngoài ra, tôi chọn trekking vì mong muốn được tiếp xúc với các bạn trẻ để học hỏi thêm vì các bạn trẻ giờ hay lắm, cũng đông người trẻ đam mê trekking như tôi”, ông nói thêm.
Ông Thạ cho biết mình thường đi theo nhóm do một bạn đứng ra tổ chức trong thời gian từ hai đến bốn ngày, cũng có chuyến đi hai vợ chồng tự thực hiện, đi cùng con gái hoặc những chuyến đi ngẫu hứng một mình.
Ông nhấn mạnh “Trước năm 2017 tôi không thích đi đến nơi cảnh rừng núi hoang vu vì đã từng sống ở đó trong những năm đất nước có chiến tranh, tuy vậy sau một thời gian thực hành thiền định (thiền Anapanasati), cơ thể tôi tự thích ăn thực vật và hòa vào thiên nhiên. Hiện tại nhóm tôi tham gia đi chung đa số là nhóm thiền và mọi người đều ăn chay”.
Tính đến nay, ông Thạ đã đi qua nhiều nơi khác nhau với tổng số km đáng nể ở mỗi địa điểm như đèo Ngoạn Mục, thác Thiên Thai khoảng hai ngày với 15km, vườn quốc gia Bạch Mã ở Huế một ngày 15km, núi Dinh ở Đồng Nai hai ngày khoảng 20km, núi Đá Chồng ở Quảng Ninh một ngày khoảng 20km, cung đường Tà Năng – Phan Dũng tổng 35km, Mũi Đôi điểm cực Đông ở Khánh Hòa khoảng 16km trong vòng hai ngày…
Theo ông Thạ, dù di chuyển nhiều địa điểm liên tục ở tuổi hưu trí, nhưng ông vẫn chưa gặp khó khăn gì, ngược lại tinh thần luôn hứng khởi và vui vẻ. Ông tiết lộ một trong những nguyên do khiến ông đủ sức khỏe chinh phục tất cả con đường chính là chế độ ăn và thực hiện thiền định.
“Có lẽ tôi may mắn được đất trời ban cho mình một chút sức khỏe dẻo dai, đi mà không biết mệt. Từ 2017, tôi thích ăn theo chế độ thiền thực vật, rau củ quả và các loại hạt, ít khi ăn thịt động vật và thực hiện thiền định mỗi ngày một tiếng đồng hồ. Khi có thời gian thì tôi ra công viên đi bộ khoảng một tiếng, đã ba năm nay tôi không dùng thuốc tây và không mắc bệnh nặng”, ông Thạ cười nói.
Nhớ đồng đội trên đường đi
Nhắc về một kỷ niệm trong hành trình trekking, ông Thạ thở dài tâm sự trên chuyến đi Tà Năng – Phan Dũng, cung đường được nhiều phượt thủ, dân trekking đánh giá là cung đường đi bộ đẹp nhất Việt Nam, đã có lúc ông nhớ về con đường hành quân thuở bom đạn của mình. Ông cho biết mình từng là người lính của quân đội nhân dân Việt Nam, nhập ngũ năm 1970.
“Tà Năng – Phan Dũng có tổng chiều dài 35km, có đoạn khó đi hơn cả đường Trường Sơn, lúc đi làm tôi liên tưởng đến 50 năm về trước khi vẫn còn là chàng trai trẻ xẻ dọc Trường Sơn. Điều khác biệt là hôm nay tôi đi với tâm trạng vui tươi, thoải mái, thưởng thức xen lẫn sự ngậm ngùi, lòng buồn man mác khi tưởng nhớ các đồng đội đã phải hy sinh trên đường Trường Sơn sau loạt bom B52 rải thảm”, ông trải lòng.
Chia sẻ một số kinh nghiệm trước khi trekking, ông Thạ cho hay người tham gia phải tập thích nghi với điều kiện sống đơn giản như ăn ngủ nghỉ kiểu “dã chiến”, sức khỏe đủ bền bỉ để đi đường dài. Những vật dụng cần thiết khi trekking như ba lô vải, giày và dép chuyên leo núi hoặc có độ bám cao, không dễ trơn trượt, gậy chống, đồ vệ sinh cá nhân, quần áo chống nắng mưa tối giản gọn nhẹ.
Nhờ tham gia các chuyến đi thường xuyên, ông Thạ nhận thấy sức khỏe mình dẻo dai, bền bỉ hơn mỗi ngày. “Tôi tăng ý chí và nghị lực lên rất nhiều khi gặp một thử thách khó và cũng cảm thấy tự hào khi vượt qua chính mình để ngắm nhìn cảnh đẹp của thiên nhiên cùng không khí sảng khoái trong lành. Tôi nguyện cầu cho mình có thật nhiều sức khỏe để đi đến nơi mình yêu thích về sau”, ông tâm sự.
Là người có thành tích đáng nể in dấu chân trên nhiều chặng đường lớn nhỏ, ông Nguyễn Văn Thạ cũng dành lời khuyên đối với những bạn trẻ đang bắt đầu hoặc chần chừ tìm hiểu một bộ môn mới.
Ông bộc bạch “Thời đại bây giờ đã là thế giới phẳng, các bạn trẻ rất thuận lợi tiếp cận nhiều thông tin qua đó tìm cho mình một giải pháp phù hợp để rèn luyện với bản thân. Đối với tôi, mãi đến lúc gần về nghỉ hưu mới có cơ hội tìm hiểu các thông tin và quan tâm đến sức khỏe thì quá muộn, vì vậy các bạn trẻ hãy chú trọng nhiều hơn đến hơi thở của mình vì Đức Phật cũng từng dạy tài sản lớn nhất của đời người là sức khỏe”.
Ông Thạ cho biết dự định sắp tới sẽ chinh phục đèo Mẻ Pia, chiêm ngưỡng dốc 14 khoanh ở Cao Bằng và leo lên ba núi cao nhất ở Việt Nam như Fansipan, Pusilung, Putaleng cùng thám hiểm hang Tiên Sơn Đoòng trong thời gian gần nhất.
An Phú