Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Chưa hy vọng có khách quốc tế du lịch thuần túy thời điểm này!

Những ngày này, thông tin Quảng Nam đón hai chuyến charter (thuê chuyến) chở hàng trăm khách du lịch quốc tế vào hai ngày 17-11 và 18-11 gây chú ý với người dân địa phương, đặc biệt đối với người kinh doanh du lịch.

Gây chú ý vì đây sẽ là các chuyến bay thí điểm đón khách quốc tế đầu tiên đến Quảng Nam theo quy trình khép kín sau khi được Chính phủ phê duyệt, bên cạnh Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Kiên Giang.

Nhưng gây chú ý nhiều hơn cả là thông tin đối tượng khách quốc tế đi trên hai chuyến bay này. Có tờ báo cho biết hành khách trên các chuyến bay là khách du lịch Mỹ. Có tờ báo lại thông tin đây là khách du lịch Hàn Quốc.

Thông tin khách Mỹ hay khách Hàn Quốc thực sự gây chú ý trong giới du lịch. Nếu thực sự hầu hết là khách từ hai thị trường này (người nước ngoài) là một tín hiệu rất mừng, đem lại cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp du lịch sau gần 2 năm không phục vụ khách quốc tế (không tính khách đến Việt Nam theo hình thức giải cứu, công vụ và cách ly).

Đặc biệt, các doanh nghiệp tại Quảng Nam mừng hơn cả vì đây chính là đối tượng khách chính mà họ muốn phục vụ – khách quốc tế trải nghiệm dịch vụ du lịch khép kín.

Theo thông tin tìm hiểu từ các bên, bao gồm công ty cung cấp dịch vụ điểm đến (hay còn gọi là land tour) và chính quyền sở tại, hành khách trên các chuyến bay này đa số là người có hộ chiếu nước ngoài, đến từ Hàn Quốc.

Đại diện công ty du lịch nói trên cũng cho biết thêm những khách này mua gói tour bao gồm máy bay và lưu trú cách ly 7 ngày tại các khách sạn được chỉ định tại Quảng Nam. Bên cạnh đó, công ty cũng cung cấp thêm các dịch vụ option (không bao gồm trong tour) để khách lựa chọn như chơi golf, casino, tham quan Hội An hoặc Mỹ Sơn theo quy trình khép kín.

Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi “trà dư tửu hậu” hôm 15-11, một số doanh nhân nhận định hơn phân nửa khách trên các chuyến bay này là người Việt Nam có hộ chiếu nước ngoài về quê ăn Tết. Họ bay từ Mỹ, nối chuyến tại Hàn Quốc để về Việt Nam, và một phần khác là Việt kiều từ Hàn Quốc. Số còn lại là người nước ngoài thực sự nhưng theo hình thức công vụ.

Một doanh nhân là giám đốc công ty chuyên khách inbound (khách quốc tế vào Việt Nam) khẳng định hiện nay chưa thể có khách du lịch quốc tế đúng nghĩa như mong muốn. Tức là khách du lịch bay đến Việt Nam, cách ly tại khách sạn 7 ngày, sau đó là tham gia tour du lịch khép kín hoặc khách chơi golf và tham gia casino trong các khu phức hợp khép kín, sau đó bay về nước.

Theo phân tích của vị doanh nhân trên, có hai lý do hiện chưa thể đón đối tượng khách này. Thứ nhất, một số quốc gia bắt buộc công dân của mình phải cách ly tại nơi lưu trú ngay sau khi trở về (đi du lịch) từ các quốc gia khác, bao gồm Việt Nam. Điều này khiến khách còn ngại ngần đến Việt Nam.

Thứ hai, du khách đến Việt Nam phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 50.000 đô la. Đây là một gánh nặng tài chính cho các công ty cung cấp dịch vụ du lịch ở nước ngoài cũng như ở Việt Nam.

Chưa kể, có một lý do nhận được sự đồng tình của nhiều doanh nhân là tình hình dịch bệnh tại các quốc gia trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp với các biến chủng mới và cũ.

Vì vậy, có thể thấy rằng, trong thời gian ngắn sắp tới đối tượng khách chính trên các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam sẽ vẫn là người theo diện hồi hương hay đi công vụ và sẽ được gắn thêm danh nghĩa khách du lịch quốc tế đến Việt Nam dưới hình thức “hộ chiếu vắc-xin” và “bong bóng du lịch”.

Một số doanh nghiệp và địa phương đang xúc tiến phục vụ đối tượng khách này cũng xem đây là cơ hội để phục hồi dần mảng kinh tế du lịch.

Tuy nhiên, họ biết rằng thời gian ngắn sắp tới Việt Nam sẽ chủ yếu đón khách có hộ chiếu nước ngoài theo hình thức hồi hương hoặc công vụ chứ chưa thể có khách du lịch quốc tế thuần túy để có thể truyền thông đúng và có giải pháp phòng chống dịch phù hợp.

Nhân Tâm

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề