(SGTT) - Hiện nay, theo hướng dẫn mới của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), khách quốc tế đến Việt Nam phải có visa (thị thực), trừ khách bay đến Phú Quốc, nên sẽ khó để các doanh nghiệp lữ hành chuyên đón khách inbound chào khách vào Việt Nam.
Không chỉ chuyện visa mà chính sách chống dịch khác nhau ở các địa phương, khó xin cấp phép chuyến bay... cũng là những trở ngại lớn với các doanh nghiệp lữ hành muốn đón khách quốc tế đến Việt Nam.
- Chính phủ đồng ý thí điểm đón khách quốc tế đến 5 tỉnh từ tháng 11
- Hàng không, lữ hành gửi kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế trước 15-11
- Phú Quốc đón khách quốc tế: Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải
- Phú Quốc đón khách quốc tế từ 20-11, du khách được vui chơi ở 7 địa điểm
Cần thêm hướng dẫn cụ thể
Theo chia sẻ của bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Lữ hành Pegas Misr Việt Nam - đơn vị chuyên đón khách quốc tế (chủ yếu thị trường Nga) vào Việt Nam (inbound), Bộ VHTTDL ra văn bản hướng dẫn đón khách quốc tế là tín hiệu đáng mừng cho thị trường du lịch, từng bước khởi sắc, mở cửa từ từ trong mùa dịch.
Tuy nhiên, theo bà Thu, thực tế doanh nghiệp lữ hành vẫn còn nhiều khó khăn khi triển khai. Bà Thu dẫn chứng rằng, trước đây khách du lịch Nga vào Việt Nam thì được miễn thị thực nhưng nay, theo hướng dẫn mới, khách phải có visa, chỉ miễn cho khách quốc tế đến Phú Quốc.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang, cho biết thêm Nghị quyết 80 của Chính phủ quy định đối với trường hợp người nước ngoài nhập cảnh vào Phú Quốc được miễn thị thực nhập cảnh, trong khi du khách đến các địa phương khác phải xin thị thực và thời hạn không quá 15 ngày tạo nên sự trở ngại trong thu hút khách đến.
Bà Thu cho biết thêm, ngay như việc miễn visa cho khách đến Phú Quốc nhưng doanh nghiệp cũng băn khoăn là không biết Chính phủ có miễn thị thực cho khách vào đất liền hay không; vì tâm lý khách trước đây thường thích mua sắm (shopping) ở TPHCM hay muốn đi tour miền Tây hoặc đi vịnh Hạ Long… 2 ngày để tìm hiểu và khám phá đời sống của người dân Việt Nam.
Ngoài ra, cũng theo bà Thu, giai đoạn này, khách quốc tế khi đến Việt Nam phải ở khu cách ly một tuần. Sau khoảng thời gian đó, nếu xét nghiệm lại và cho ra kết quả âm tính với Covid-19, khách mới được đi tour du lịch dạng khép kín, tham quan các điểm đến “được phép mở cửa” chứ cũng không thể ra ngoài.
“Cẩn thận để hạn chế khả năng khách lây cho cộng đồng hoặc ngược lại là đúng nhưng với doanh nghiệp lữ hành thì sẽ gặp khó, không bán được nhiều như trước đây, dẫn tới không đủ khách cho chuyến bay”, bà Thu cho biết.
Bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc Công ty du lịch Asian Trails, một trong những doanh nghiệp lữ hành chuyên đón khách từ thị trường châu Âu vào Việt Nam, cũng cho biết sau khi có hướng dẫn của Bộ VHTTDL, các doanh nghiệp đang tiếp tục chờ hướng dẫn chi tiết của ngành du lịch địa phương. Hiện nay mỗi địa phương có chính sách phòng chống dịch khác nhau khiến doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại.
Bên cạnh đó, theo hướng dẫn tạm thời về thí điểm đón khách quốc tế của Bộ VHTTDL, đối với du khách là F0 sẽ được đưa đến cơ sở chữa bệnh, chi phí điều trị được chi trả bởi bảo hiểm tối thiểu 50.000 đô la Mỹ. Tuy nhiên, trong quá trình đón đoàn du lịch nếu doanh nghiệp phát hiện một du khách là F0 thì tất cả thành viên trong đoàn là F1.
“Như vậy, việc cách ly F1, chi phí điều trị là do doanh nghiệp chi trả hay được Nhà nước hỗ trợ thế nào thì hiện doanh nghiệp chưa biết cụ thể”, bà Thủy Tiên nói. Mặt khác, theo bà Tiên, quan điểm của du khách nước ngoài là có bệnh Covid-19 hay không chứ không phân biệt là F0, F1 như Việt Nam nên còn nhiều vướng mắc.
Khó đón khách ngay cả thị trường nội địa
Bà Thủy Tiên khẳng định, hiện tại doanh nghiệp vẫn chưa đón khách quốc tế ngay được vì các lý do như thị trường xa cần có thời gian để bán sản phẩm; tin tức tình hình dịch bệnh ở châu Á vẫn tiêu cực, Viêt Nam chưa được đưa vào danh sách xanh nên khách còn ngần ngại, nhất là khi quay về phải bị cách ly.
Các tỉnh mở thí điểm vào tháng 11 này chỉ phục vụ cho thị trường charter không phù hợp các thị trường khác vì không có chuyến bay.
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Image Travel & Events - công ty du lịch chuyên inbound giờ chuyển sang làm nội địa và sự kiện cho khách trong nước, cũng thừa nhận, khách du lịch trong nước triển khai tour còn khó khăn với các chính sách thì rất khó đón khách quốc tế.
Theo ông Toản, khách quốc tế đã tiêm đủ 2 mũi, có hộ chiếu vắc-xin là thỏa mãn thỏa thuận giữa Việt Nam và quốc gia được phép đưa khách vào rồi nhưng vẫn còn phải chờ “quy trình” thì quá khó cho công ty lữ hành. Để thu hút khách quốc tế, theo ông Toản, phải “bỏ luôn cái lọc F0” mới làm du lịch được.
Bà Thủy Tiên cũng cho biết, chúng ta xác định sống chung với Covid để phục hồi kinh tế thì nên có sách lược phù hợp. “Đúng là ai bệnh thì ‘xử lý’ người đấy, không cần truy vết cách ly F1, F2 làm gì”, bà Tiên đề xuất. Thực tế cho thấy đã tiêm ngừa thì nếu bị phơi nhiễm cũng không bị nặng và nguy hiểm.
“Trước khi đến Việt Nam, khách cũng đã xét nghiệm PCR và có hộ chiếu vắc-xin nên chúng ta có thể tính toán việc bỏ khái niệm F1 chứ không thì khó hút khách vào thời điểm này, ngay cả thị trường nội địa”, bà Tiên khẳng định.
Với Pegas, bà Thu cho biết phải sang cuối tháng 12 mới hy vọng có “le lói” đối với thị trường đón khách quốc tế đến Việt Nam. Ở giai đoạn thí điểm đợt 1, theo bà Thu, khó có thể đưa khách về Việt Nam vì thời gian gấp và cũng để đại lý ở Nga tiếp cận thông tin nhằm quảng bá điểm đến.
Bước sang giai đoạn 2, một phần vì có thêm thời gian để đối tác có thể quảng bá, phần nữa là chờ Chính phủ có nới lỏng thêm quy định đón khách quốc tế.
Giấy phép bay xin… hơn 2 tháng vẫn chưa có
Trao đổi thêm với Sài Gòn Tiếp Thị, bà Thu cho biết, từ ngày 6-9-2021, Pegas cũng đã gửi hồ sơ lên Cục hàng không Việt Nam để xin giấy phép bay charter (từ Nga đến Phú Quốc – PV) cho 2 công ty bay (Pegas Ply và Nordwind Airlines) nhưng đến giờ giấy phép cũng chưa có.
“Pegas gửi hồ sơ ngày 6-9-2021, xin giấy phép bay ngày 1-11-2021 đến 30-3-2022 nhưng đến bây giờ vẫn chưa thể có giấy phép bay”, bà Thu nói và cho biết, chủ trương là một vấn đề nhưng mỗi ngành lại áp dụng một kiểu khác.
Theo bà Thu, quy trình càng ngắn, gọn, dễ hiểu thì khách dễ dàng “vào”. Hiện nay, “để đón khách quốc tế chỉ khai thác ở hai hình thức là charter hoặc thương mại nhưng thương mại thì cũng chưa thấy hoạt động còn charter thì xin giấy phép cũng còn phải chờ nên cũng rõ ràng là rất khó”, bà Thu nói.
Theo bà Thu, Cục hàng không Việt Nam cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp để có thể cấp phép bay nhưng đơn vị này cũng không thể cấp được khi Chính phủ chưa có hướng dẫn cụ thể.
“Hiện nay chỉ mới có hướng dẫn thực hiện của Bộ VHTTDL còn hướng dẫn hàng không chưa thấy, không biết đã có chưa hay không cần phải có. Thành ra, Cục hàng không khó có thể cấp phép ngay vì phải phụ thuộc vào hướng dẫn của Bộ GTVT chứ không phải thực hiện theo hướng dẫn của Bộ VHTTDL”, bà Thu nói thêm.
Theo các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, họ muốn bán hàng, muốn đưa khách quốc tế về Việt Nam nhưng đến bây giờ, visa không được miễn 15 ngày như trước đây; tiếp nữa là khách phải cách ly tại cơ sở lưu trú một tuần trong khi họ đã đáp ứng đủ điều kiện đầu vào. Sau đó được đi lại nhưng chỉ được đến những điểm mà địa phương cho phép đón khách chứ không được tự do khám phá.
Chưa kể, việc chậm cấp giấy phép bay cho các chuyến charter cũng khiến doanh nghiệp lữ hành khó triển khai bán hàng, khó có thể đưa khách quốc tế vào Việt Nam sớm hơn.
“Việt Nam cũng không phải là quốc gia duy nhất mở cửa đón khách quốc tế vì hiện nay nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia, Singapore, Nhật, Philippine... cũng đã mở cửa đón khách”, ông Toản của Image Travel & Event nói và cho biết, nếu chính sách của Việt Nam không thông thoáng sẽ dễ bị mất khách bởi các thị trường xung quanh.
Nguyễn Nam
Theo nguồn tin của Sài Gòn Tiếp Thị, ngày 20-11 tới đây, Phú Quốc sẽ đón khoảng 200 khách du lịch đến từ Hàn Quốc do hãng hàng không Vietjet phối hợp với tập đoàn Vingroup và Công ty TNHH Du lịch Marketing Highland, có trụ sở tại Khánh Hòa, tổ chức, tour có thời gian 5 ngày 4 đêm.
Đại diện Vietjet cho biết, hãng này cũng chỉ mới được cấp giấy phép khai thác charter Hà Quốc - Phú Quốc vào ngày 13-11 sau khoảng thời gian khá dài chờ đợi. |