Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Chọn đi nhanh để phát triển rộng trong nghề bếp

(SGTT) – Anh Lê Trang Duy Khang (sinh năm 1996), Bếp trưởng Khétt Food & Beer (TPHCM), chọn cho mình con đường đi nhanh, trải nghiệm nhiều từ những ngày đầu theo nghề để tích lũy kinh nghiệm. Bên cạnh niềm đam mê, tính cách năng động và linh hoạt ứng biến đã giúp anh gặt hái được nhiều thành công trong ẩm thực.

Xuất phát từ ngành học Quản lý nhà hàng – Dịch vụ ăn uống, anh Duy Khang chủ động nắm bắt cơ hội để được học nghề và kiêm nhiệm qua nhiều vị trí trong bếp nói riêng và ngành ẩm thực nói chung. Sự nhiệt huyết và tinh thần học hỏi không ngừng, tư duy nhạy bén giúp anh có cơ duyên giữ nhiều vị trí chuyên môn cao, quản lý và điều hành trong các tập đoàn dịch vụ ẩm thực cũng như nhà hàng, dù tuổi nghề còn trẻ.

Chủ động tìm cơ hội học nghề, thêm nhiệt huyết và sự linh hoạt là chìa khóa giúp anh theo đuổi nghề bếp. Ảnh: NVCC

Chủ động tìm cơ hội học nghề

Đầu bếp Lê Trang Duy Khang sinh ra và lớn lên tại Tây Ninh. Năm 2014, anh Duy Khang khi đó còn là sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ – Kinh tế TPHCM, chuyên ngành Quản lý nhà hàng – Dịch vụ ăn uống. Anh cho biết, thời điểm đó nghề bếp chưa thực sự nổi bật trên thị trường.

Trong những năm đầu đi học, anh có cơ hội nhận vị trí thực tập sinh quản lý nhà hàng nhưng lại đề xuất tham gia thực tập vị trí phụ bếp để tìm cho bản thân cơ hội học hỏi chuyên nghiệp ở một Resort 4 sao tại Bình Dương.

Tại đây, với sự điều hành và hướng dẫn tận tình của người bếp trưởng giàu kinh nghiệm, anh bén duyên cùng căn bếp. Đây cũng là người thầy đã dẫn anh đi những bước đầu trong nghề, truyền cảm hứng cho anh trong sự nghiệp chảo lửa.

Không chờ đợi cơ hội học hỏi, anh chủ động tìm cho mình con đường học tập. “Thực tập được 3 tháng xong là tôi quyết định đi học nghề bếp chuyên nghiệp. Tôi đăng ký học khóa Bếp trưởng Điều hành tại trường Hướng Nghiệp Á Âu. Cứ vậy, buổi sáng tôi đi học quản lý nhà hàng, buổi chiều đi học ở trường Á Âu, tối về lại đi làm ở nhà hàng”, anh chia sẻ.

Nhờ sự nâng đỡ của người thầy bếp trưởng, năm đó, anh nhanh chóng được nhận vào vị trí phụ bếp tại nhà hàng Vietnam Fusion ở trung tâm quận 1, TPHCM. Với phân khúc khách hàng và quy trình khác biệt, nhiều thử thách, anh càng nhận thấy bản thân được tôi luyện và rèn giũa tay nghề. Đây cũng là nơi làm việc cho anh niềm cảm hứng theo đuổi phong cách ẩm thực Fusion: thổi hồn cho món ăn truyền thống Việt Nam theo hướng hiện đại.

Mâm cơm nhà đậm vị truyền thống do đầu bếp Duy Khang chế biến. Ảnh: NVCC

Anh chia sẻ, “món tủ” của anh là những món ăn từ mâm cơm gia đình – cái nôi nuôi dưỡng và đưa anh tiếp xúc đầu tiên với những món ngon dân dã, đậm đà truyền thống. Khi chọn ẩm thực Fusion, anh nhận thấy đây là con đường phù hợp giúp bản thân tìm tòi, học hỏi văn hóa, phong cách chế biến, nguyên vật liệu đặc trưng của từng vùng miền, từng quốc gia để kết hợp với nhau một cách phù hợp và khoa học, nâng tầm món ăn.

Một lần tham gia sự kiện Mekong Chef, giới thiệu các món từ cá tra đến bạn bè quốc tế tại Cần Thơ, anh có dịp được gặp gỡ một đầu bếp đã 60 tuổi là đầu bếp tay ngang, lựa chọn từ bỏ công việc ổn định để kinh doanh ăn uống. Người đầu bếp ấy đã nỗ lực không ngừng và đoạt được danh hiệu Quán quân cuộc thi ẩm thực Chiếc Thìa Vàng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Sau khi lắng nghe chú chia sẻ về các món ăn, nguyên vật liệu đặc sắc, anh như được tiếp thêm ngọn lửa yêu nghề, thêm sức mạnh để quyết tâm đi xa hơn với nghề bếp.

Anh Khang tại sự kiện Mekong Chef năm 2018. Ảnh: NVCC

Đi nhanh để phát triển rộng

Chỉ sau một năm kiêm nhiệm hai vị trí phụ bếp, năm 2015, anh mạnh dạn ứng tuyển vào vị trí bếp chính tại Nhà hàng buffet lẩu Hotpot Story. Từ sự khác biệt lớn giữa quy trình bếp nhà hàng gọi món với buffet lẩu, anh nhanh chóng tích lũy nhiều kinh nghiệm mới trong nghề như quy trình bếp buffet, kiểm soát nguyên liệu, linh hoạt cân đối thời gian làm việc, cách phân công các vị trí phù hợp và đa nhiệm trong bếp…

Năm 2016, cũng là thời điểm hoàn thành khóa học bếp trưởng điều hành, anh nhận thấy bản thân đã được trang bị đủ kiến thức cho vị trí mới. “Tôi ứng tuyển vào làm vị trí trưởng ca ở công ty cổ phần Niso và vị trí này gần giống với công việc giám sát bếp. Tôi được giao phụ trách một nhóm nhân sự cho hai thương hiệu Nam An Morden Vietnamese Cuisine; Runam d’Or Nhà thờ Đức Bà”, anh kể. Hai năm làm việc tại đây cho anh cơ hội làm việc và học hỏi kinh nghiệm từ hai bếp trưởng người Ý hay gặp gỡ đầu bếp 2 sao Michelin qua các hoạt động từ thiện.

Mỗi món ăn do anh Duy Khang chế biến như một “câu chuyện” ẩm thực sinh động gửi đến thực khách. Ảnh: NVCC

Với tinh thần đi nhanh để phát triển rộng, anh lại tìm kiếm và gặp được cơ hội kinh qua các vị trí trợ lý ẩm thực cho tập đoàn về dịch vụ ăn uống Tôn Phan; Bếp trưởng cho nhà hàng Họp Food & Beer và Spice Garden Authentic Vietnamese Cuisine, trong vòng hai năm từ 2018 đến 2020.

Sau thời gian gần 6 năm tích lũy kinh nghiệm, năm 2020, anh trở về quê nhà Tây Ninh để khởi nghiệp với nhà hàng bistro có tên Tiệm Mì Tròn Tròn. “Khi mở tiệm mì, tôi muốn mang ẩm thực Fusion về cho thực khách quê nhà thưởng thức. Tuy nhiên, do lần đầu khởi nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như gặp đại dịch, tôi phải dừng hoạt động nhà hàng”, anh nhớ lại thời điểm khó khăn. Đại dịch ảnh hưởng đến ngành dịch vụ ăn uống, anh vẫn quyết tâm giữ lửa đam mê bằng cách mở thêm tiệm kem thủ công, bán online trong khu vực và kiêm nhiệm kinh doanh thêm cửa hàng gia vị nhập khẩu.

Nhờ sự nhạy bén, tháo vát, anh được nhiều bạn bè đồng nghiệp tin tưởng, quý mến, giúp kết nối để nhận những dự án setup nhà hàng cũng như trở lại vị trí Bếp trưởng tại Nhà hàng và cà phê V7V7 (Tây Ninh) từ năm 2020 đến 2022. Hiện tại, anh đang giữ vị trí Bếp trưởng Khétt Food & Beer (quận Bình Tân, TPHCM) và nhận các dự án setup nhà hàng.

Đầu bếp Duy Khang chia sẻ “Dù đi nhanh, nhưng tôi thấy mình lựa chọn đúng đắn. Càng theo nghề, tôi càng thấy nghề bếp không chỉ đơn thuần là người đứng ở bếp chế biến món ăn, mà đó là lĩnh vực rộng mở, yêu cầu người đầu bếp phải rèn luyện nhiều kỹ năng để đi xa hơn”.

Ngoài ra, anh còn gặt hái được nhiều danh hiệu trong các cuộc thi ẩm thực lớn như Á Quân The Future Chef năm 2019 do tập đoàn Nguyễn Hoàng và Đại học Hoa Sen tổ chức; Á Quân Mekong Chef – cuộc thi giới thiệu sản phẩm cá tra với bạn bè quốc tế; tham gia huấn luyện đầu bếp trẻ tham gia thi đấu quốc tế.

Bếp trưởng Duy Khang (áo xám) tham gia nhóm huấn luyện thí sinh đi thi Đầu bếp trẻ Tài năng đạt toàn đội 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng. Ảnh: NVCC

Tài năng và năng động, song đầu bếp Duy Khang chưa nhận mình là người thành công trong nghề. “Để tự đánh giá bản thân đã thành công hay chưa thì tôi thấy hiện tại chưa được gọi là thành công. Tôi nghĩ thành công không phải là đích đến của mình, mà giá trị bản thân mang lại cho sự phát triển của quê hương đất nước”, anh nói.

Hiện tại anh không ngừng học hỏi, tiếp thu thêm kinh nghiệm để một lần nữa mang lại màu sắc mới về ngành F&B tại quê hương Tây Ninh. Xa hơn, anh mong muốn có thể mở một một nhà hàng phát triển những món ăn sử dụng những nguyên liệu làng nghề truyền thống tại Tây Ninh.

Yến Nhi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nữ đầu bếp người Nigeria và hành trình ‘hái sao’ Michelin...

0
(SGTT) – Mang triết lý ẩm thực Tây Phi ứng dụng vào nhà hàng Chishuru ở giữa lòng thành phố Luân Đôn (Anh Quốc),...

Nghe đầu bếp nữ kể chuyện nghề nhân ngày Quốc tế...

0
(SGTT) - Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trò chuyện với một số nữ đầu bếp...

Gặp gỡ bếp trưởng người Việt của tập toàn đa quốc...

0
(SGTT) – Kinh qua nhiều vị trí trong ngành bếp hơn 20 năm, đầu bếp Trịnh Minh Thành vẫn nhớ ngày đầu khó khăn...

Chuyên gia ẩm thực Pháp và câu chuyện ‘nước mắm chai...

0
(SGTT) - Benoît Chaigneau, chuyên gia ẩm thực Pháp, người sáng lập ra thương hiệu “nước mắm chú Ben”, đã có buổi trò chuyện...

Nghệ nhân Kiều Oanh với khao khát đưa cờ Việt Nam...

0
(SGTT) - Tình yêu với bánh đã đưa Nghệ nhân Ẩm thực Lê Thị Kiều Oanh chinh phục những thành tựu trong nghề bếp....

Giảng viên Ngô Đình Trưởng: Người ‘thổi hồn’ cho những chiếc...

0
(SGTT) – “Mỗi chiếc bánh kem là một nghệ thuật, người làm bánh cũng như nghệ sĩ. Vậy nên mỗi khi đặt tay làm...

Kết nối