Thứ Tư, Tháng Năm 8, 2024

Câu chuyện về những “đơn hàng đặc biệt” ấm áp tình người

(SGTT) – Vốn là nhân viên quản lý mảng công nghệ thông tin (IT) tại một công ty đa quốc gia, anh Trần Đức Thắng (42 tuổi) ngụ tại quận Tân Phú, TPHCM đã hết mình tham gia thiện nguyện trong nhiều năm nay.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TPHCM, anh đã vận động bà con quyên góp quỹ để gửi gạo giúp đỡ gia đình khó khăn. Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, anh Thắng đã có những chia sẻ chân tình xoay quanh câu chuyện những “đơn hàng đặc biệt” của mình.

Từ ngày giãn cách xã hội, cuộc sống của anh Thắng bắt đầu có nhiều thay đổi. Hầu hết anh dành thời gian làm việc tại nhà. Nhờ vậy, anh Thắng đã có những cách ủng hộ từ thiện khác hẳn ngày thường của mình.

Anh không còn trực tiếp đến trao cho người nhận mà đã thay đổi theo cách gián tiếp theo khuyến khích của Chính phủ – thông qua các chú giao hàng. Từ đó, câu chuyện về những “đơn hàng đặc biệt” ấm áp tình người xuất hiện. Dưới đây là đoạn video phỏng vấn anh Thắng được Sài Gòn Tiếp Thị ghi nhận.

SGTT: Chào anh Thắng, cơ duyên nào khiến anh bắt đầu việc làm từ thiện qua những “đơn hàng đặc biệt” và tại sao anh lại chọn phương thức thực hiện như vậy?

Anh Trần Đức ThắngTừ đầu dịch đến nay, nhờ người thân bạn bè hỗ trợ mà quỹ “Vì những khó khăn quanh mình” của tôi luôn có tiền. Tôi đã cộng tác với chương trình “Bạn của trẻ em đường phố” để tìm đến và trao gạo, mì cho những người dân nhập cư, lao động tự do mà con em họ không có điều kiện đến trường.

Các cháu phải học trong các trung tâm tình thương ở các quận ven thành phố như trường Bình An ở quận 8, trung tâm Phát huy Bình Triệu, trung tâm Bình Thọ Thủ Đức, trung tâm Thủ Thiêm, trường Lasan quận 7… Họ là những người dân chạy ăn từng bữa, sau lưng là những đứa trẻ kém may mắn cần lương thực.

Tuy nhiên, chương trình “Bạn của trẻ em đường phố” cũng không thể biết hết được tất cả các em, vì ngoài kia trên đường phố vẫn còn rất nhiều người khó khăn đang cần. Sáng hôm đó, khi nhận được đồ ăn từ mẹ anh ở quận 10 chuyển sang, tôi đã hỏi thăm một anh chạy Grab. Qua cách nói chuyện, tôi thấy anh chạy Grab này là người thật thà nên nghĩ đây là người mình đang tìm và gửi gắm.

Quả thật, anh chạy Grab đã không phụ lòng tin tưởng và giao 30 phần gạo đến những người đang cần đó là bác bảo vệ, chị lao công, đồng nghiệp ít cuốc chạy hơn và cả những người ve chai đang gặp khó khăn… Hôm sau, tôi cũng giúp anh giao thêm 2 đơn hàng đặc biệt khác: đó là 70 phần gạo cho một khu phố ở quận 8 và một chú sửa xe lề đường ở quận 3. 

Có lẽ, anh Grab ấy sẽ là cánh tay nối dài của quỹ ”Vì những khó khăn quanh mình” đến với những người khốn cùng cho đến hết mùa dịch này.  

Anh Thắng có gặp khó khăn gì trong công việc thiện nguyện của mình không?

Chụp từ công việc từ thiện của anh Thắng trong tháng 6. Ảnh: NVCC

À, sau nhiều năm trên con đường giúp đỡ những người xung quanh, tôi luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ rất nhiều anh chị em gần xa, từ người thân trong gia đình, từ những người xa lạ cả ở nước ngoài… Có nhiều người rất dễ thương, cứ lâu lâu lại chuyển khoản cho anh chỉ với lời nhắn:”Nhờ anh gửi đến những nơi cần” hoặc “Giúp ai cũng được” hoặc “Chị gửi em 1,8 triệu, chị góp quỹ 1,5 triệu, em giữ lại 300 ngàn tiền xăng xe đi lại nghen”.

Có thể nói nhờ sự quan tâm và hậu thuẫn của rất nhiều bạn bè, người thân đồng nghiệp nên việc thiện nguyện của nhóm “Peter Lo” (một nhóm từ thiện do anh Thắng và bạn bè lập – PV) tụi anh luôn diễn ra suôn sẻ và tốt đẹp.

Theo anh nghĩ, điều mà anh nhận lại được từ công việc thiện nguyện của mình là gì? 

Chụp từ công việc từ thiện của anh Thắng trong tháng 6. Ảnh: NVCC

Tôi luôn hướng đến những đứa trẻ không may mắn, đặc biệt là những trẻ em mong ước được đến trường. Vì thế, tôi luôn cố gắng hỗ trợ các trường hợp này, nhất là các em hoàn thành cấp 1 và bước vào cấp 2 trường công nhưng lại thiếu học phí.

Khi tìm đến hỗ trợ lương thực và đóng học phí, niềm vui lớn nhất là khi nhận được những tờ giấy khen cuối năm của các em. Những nơi tôi hỗ trợ như mái ấm Mai Tâm, trường tình thương La san quận 7, có em đã vào đại học, có em lập gia đình và thoát nghèo, vì với các em chỉ có tri thức là con đường duy nhất giúp các em đổi thay đời mình.

Sắp tới dự định của anh là gì? Anh có kế hoạch mở rộng công việc từ thiện hay không? 

Chắc chắn rồi, hiện nay nhóm “Peter Lo“ của tôi đang hỗ trợ hàng tháng cho mái ấm Mai Tâm Thủ Đức và nhà tạm lánh Mai Tiến ở Đồng Nai. Tôi vẫn lưu ý đến các trung tâm trẻ ở trên để hỗ trợ học phí và lương thực cho các em mỗi khi cần, cũng như tìm đến những hoàn cảnh khó khăn mà anh cùng bạn gặp trên đường. 

Xin cảm ơn anh Thắng đã dành thời gian trò chuyện với Sài Gòn Tiếp Thị. Chúc anh nhiều sức khỏe và giúp đỡ nhiều mảnh đời khó khăn hơn nữa, nhất là trong mùa dịch bệnh Covid-19 này.

Quỳnh Như

Chương trình “Saigon Times – Nối vòng tay lớn” với chủ đề “Đồng hành chống dịch” được phát động vào ngày 2-6-2021. Với vai trò là cầu nối, Kinh tế Sài Gòn tiếp tục kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm để cùng chia sẻ khó khăn với cộng đồng. Chương trình sẽ nhận hiện kim, vật phẩm từ các tổ chức, cá nhân đóng góp và sau đó sẽ trao tặng lại cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân gặp khó khăn trong các vùng dịch tại TPHCM cũng như các tỉnh thành khác trên cả nước. Xem chi tiết tại đây.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Khách quốc tế trải nghiệm tour đi chợ, nấu ăn tặng...

0
(SGTT) – Một doanh nghiệp du lịch tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam tiên phong thực hiện loại hình tour dành cho...

Người trẻ ‘biến hình’ cho những dòng kênh đen

5
(SGTT) - Đắm mình vào những dòng nước đen kịt, đầy rác rưởi hôi thối ở TPHCM, những bạn trẻ trong nhóm Sài Gòn...

Ghé quán ốc được Michelin gợi ý ở TPHCM

0
(SGTT) - Dù nằm khuất trong con hẻm đường Nguyễn Trãi, quận 1, nhưng tiệm ốc Đào lại là điểm đến quen thuộc của...

Bữa sáng Sài Gòn: Đổi vị với món ốc của dì...

0
(SGTT) - Ngoài các món phở, hủ tiếu, bánh canh... thực khách hãy thử đổi vị bữa sáng bằng một chầu ốc gồm nhiều...

Nhiều người ngại sinh con: ‘báo động đỏ’ cho nguồn cung...

0
(SGTT) - Tỷ lệ sinh bắt đầu giảm trong bối cảnh dân số ngày một già đi khiến các nhà lãnh đạo lo ngại...

Bữa sáng Sài Gòn: Quán bún riêu 50 năm giữ vị...

0
(SGTT) - Từ gánh bún bán dạo ở khu vực chợ Bến Thành hơn 50 năm trước, bà Mai Thị Liên duy trì hương...

Kết nối