Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Bán lẻ xoay xở đủ cách để cung và cầu gặp nhau an toàn

Tình hình thực tế cho thấy các khu chợ, trung tâm thương mại đang trở thành nơi có nguy cơ lây nhiễm cao trong bối cảnh dịch bệnh. Việc các đơn vị bán lẻ tìm ra một phương thức giao dịch an toàn đang là điều cần thiết cho nhu cầu của người dân cũng như duy trì ổn định hoạt động kinh doanh của chính mình. 

Dịch bệnh khiến hơn 100 chợ và 60 siêu thị, siêu thị mini tại TPHCM phải tạm đóng cửa trong thời gian qua. Việc đảm bảo thông suốt các kênh hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân đang là bài toán hóc búa cho các hệ thống phân phối, bán lẻ. Tuy nhiên, trong tình thế khó khăn này nhiều phương thức giao dịch mới cũng được các đơn vị bán lẻ áp dụng giúp cho cung và cầu gặp nhau một cách an toàn và ổn định hơn.

Đi siêu thị chỉ ngồi giãn cách

Đến siêu thị Co.opmart Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) sáng 6-7, chị Bảo Khánh hiện là nội trợ, bất ngờ được nhân viên siêu thị này bố trí một chỗ ngồi cố định và chỉ cần lên danh sách mua hàng dựa trên danh mục hàng hóa được nhân viên cung cấp.

Chị Khánh cho biết, đi siêu thị hiện nay tâm lý khách hàng thường lo lắng vì tiếp xúc với nhiều người cùng mua sắm, tiếp xúc nhiều bề mặt hơn dẫn đến nhiều nguy cơ lây nhiễm. Việc có nhân viên tư vấn và gom hàng hộ như hiện nay, khách chỉ ngồi chờ khoảng 20 phút là nhận hàng và thanh toán đang tạo cảm giác yên tâm hơn.

Khách hàng tại Co.op Mart Hoàng Văn Thụ (Tân Bình) được bố trí ngồi giãn cách chờ nhân viên giao hàng mình đã chọn. Ảnh: Lâm Vũ

“Với phương thức mua sắm như hiện tại, điều thuận tiện là tôi không mất nhiều thời gian chờ đợi giao hàng như mua online, mà lại không phải lo tiếp xúc nhiều người khi đến mua trực tiếp”, chị Khánh chia sẻ

Theo đại diện Saigon Co.op, mô hình “Pick & Ship” này đang được thí điểm tại nhiều siêu thị Co.opmart TPHCM. Trong đó, các siêu thị đầu tiên triển khai là ở Hoàng Văn Thụ (Tân Bình), Nguyễn Bình (huyện Nhà Bè), Hùng Vương (quận 5), Đỗ Văn Dậy (Hóc Môn), Tô Ký (quận 12), Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) và Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp)…

Theo cách này, khách hàng đến mua sắm tại siêu thị không thể tiếp xúc trực tiếp với nhau như khi mua sắm tự do trước đây, ước tính giảm 80-90% nguy cơ lây nhiễm chéo. Đồng thời khách hàng được siêu thị phục vụ tận nơi và hạn chế gần như tuyệt đối tụ tập đông người tại các quầy thu ngân.

Một nhân viên siêu thị cho biết khách hàng được bố trí ngồi tại các khu vực sảnh thoáng, có thể chờ nhận hàng ngay tại chỗ hoặc về nhà đợi hàng giao đến. Trong khi đó, nhân viên siêu thị được sắp xếp lịch làm việc chéo ca, nhân viên khu tự chọn và sảnh cũng không được tiếp xúc trực tiếp.

“Đây là ngày thứ 2 siêu thị áp dụng hình thức mua sắm này nên khách hàng cũng bắt đầu quen dần. Sắp tới số lượng siêu thị Co.opmart, Co.opXtra… tham gia mô hình này dự kiến tiếp tục tăng để nâng cao mức độ phòng chống dịch”, vị đại diện nhấn mạnh.

Chợ truyền thống bán hàng qua mạng xã hội

Thực tế, hiện nay TPHCM đã có đến 104 chợ truyền thống cùng 60 siêu thị, siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi đang đóng cửa vì liên quan đến ca nhiễm Covid-19. Các chợ còn lại hoạt động cầm chừng, thu hẹp gian hàng, lượng khách thưa thớt.

Do đó, nhiều tiểu thương đã nghĩ ra cách bán hàng online tạm thời và ban quản lý các chợ cũng chủ động hỗ trợ người bán tiêu thụ hàng hóa, thực phẩm qua các kênh trực tuyến.

Nhiều ngày nay, Ban quản lý chợ Phùng Hưng (quận 5, TPHCM) liên tục đăng tải thông tin liên lạc của ban quản lý, tiểu thương từng ngành hàng lên trang mạng xã hội của chợ để giúp khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin.

Theo thông báo của Ban quản lý chợ Phùng Hưng, hiện nay lượng khách tại chợ giảm mạnh. Ngày 3-7, số người mua chỉ đạt 40% so với ngày trước dịch, những ngày cuối tuần qua hách chỉ tăng thêm 10%. Nhằm đảm bảo an toàn cho thương nhân và khách hàng đi chợ cũng như thực hiện tốt chỉ thị 10 của UBND TPHCM, ban quản lý chợ đã vận động toàn bộ thương nhân và khách hàng mua bán các loại hàng hoá thực phẩm bằng hình thức online.

Ban quản lý chợ Phùng Hưng lập fanpage hỗ trợ tiểu thương bán hàng trong bối cảnh bị đóng cửa.

Người dân có thể đi chợ qua số điện thoại của tiểu thương, ban quản lý chợ. Thực phẩm được giao đến tận nhà bằng tài xế công nghệ và xe ôm tại chợ mà ban quản lý đã đăng tải thông tin, số điện thoại…

Ban quản lý chợ cũng thông tin, đã có hàng trăm tiểu thương đăng ký tham gia. Hàng hóa tại các kênh online được bán ra đều đặn mỗi ngày, khách hàng chủ yếu là khách mua quen của các tiểu thương tại chợ. Người mua chỉ cần ở nhà gọi điện, đặt số lượng thực phẩm, thương nhân sẽ đóng hàng và giao trực tiếp.

Theo ghi nhận ban đầu của ban quản lý chợ, các tiểu thương cũng bắt đầu làm quen với bán hàng qua mạng xã hội. Ban đầu lượng khách còn ít, nhưng khi thao tác quen trên mạng xã hội thì lượng khách cũng tăng lên.  Với tình cảnh bắt buộc như hiện nay, Ban quản lý chợ phải chủ động tìm ra phương thức cho tiểu thương có thu nhập duy trì cuộc sống còn hơn là nghỉ bán hẳn.

Dọn hàng từ sạp chợ lên sàn thương mại điện tử

Tiểu thương ở các chợ đóng cửa đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi lượng hàng nhập về không biết bao giờ mới thanh khoản. Do vậy, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cùng Hiệp hội Quảng cáo đã đưa ra ý tưởng và gửi đề xuất lên Sở Công Thương thành phố giải pháp xây dựng kênh bán hàng thương mại điện tử cho chợ truyền thống.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch, Trưởng văn phòng đại diện Vecom tại TPHCM cho biết, hiện nay chợ truyền thống phải đóng cửa ngày một nhiều, nhưng mua hàng ở chợ vẫn là thói quen của nhiều người. Do đó, hiệp hội đã cùng các đơn vị liên quan đưa ra các giải pháp để có thể hỗ trợ được tiểu thương kịp thời.

“Hiệp hội sẽ hỗ trợ các tiểu thương thay đổi cách bán hàng và vận hành theo phương thức mới một cách đơn giản và hiệu quả nhất như xây dựng dữ liệu nhà cung cấp, số điện thoại, mặt hàng, giá cả, hình ảnh để người mua lựa chọn. Ngoài ra, sẽ giúp tiểu thương kết nối, sử dụng điện thoại thông minh liên kết với các đơn vị vận chuyển, các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ ứng dụng cùng tham gia”, ông Dũng cho biết.

Trước mắt, các hiệp hội sẽ phối hợp với lãnh đạo địa phương, ban quản lý các chợ được chọn thí điểm tập huấn cho tiểu thương kỹ năng cơ bản để bán hàng trên môi trường số. Một trong những giải pháp để các tiểu thương có thể hỗ trợ lẫn nhau là thành lập ra các tổ kết hợp hàng hoá theo thực đơn, như gia vị, rau, thịt, cá… để người mua dễ dàng chọn lựa.

Ông Dũng cho rằng đây là một công việc rất khó thực hiện đòi hỏi sự kết hợp, đồng lòng của tất cả đơn vị liên quan từ phòng kinh tế quận, ban quản lý chợ, các hiệp hội, Sở Công Thương TPHCM.

Bán hàng lưu động theo đơn

Mới đây, Sở Công Thương TPHCM cũng đề nghị UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện có điểm phong tỏa hoặc chợ chưa hoạt động lại chủ động liên hệ các hệ thống bán lẻ để triển khai bán hàng lưu động, bán hàng đồng giá hoặc bán hàng đăng ký trước.

Đại diện hệ thống Satra cho biết, đã từng triển khai bán hàng lưu động ở một số ấp bị phong tỏa trên địa bàn huyện Hóc Môn thời điểm Chỉ thị 10 vừa được ban hành. Tuy nhiên, sau khi một số nhân viên bị lây nhiễm chéo, doanh nghiệp quyết định ngừng bán hàng lưu động và chuyển qua nhận đơn hàng báo trước.

Hiện tại, các địa phương có thể gom đơn hàng từ người dân và gửi về Satra trước 15:00 mỗi ngày. Sáng hôm sau, nhà bán lẻ này sẽ chuyển hàng đến điểm tập kết, người dân sau đó được chia khung giờ để đến lấy hàng.

Theo vị này, hình thức này đảm bảo an toàn hơn cho cả người dân lẫn đội ngũ bán hàng. Bởi lẽ, nếu không có sự điều phối tốt mà để tập trung đông người ở các điểm bán hàng lưu động thì rủi ro sẽ rất lớn. Doanh số bán theo hình thức này cũng tùy thời điểm, có ngày đến 20-30 triệu đồng.

Tương tự, đại diện Công ty Saigon Food, Công ty Ba Huân cho biết đơn vị sẵn sàng tham gia các chuyến bán hàng lưu động đến các khu công nghiệp, khu dân cư. Tuy vậy, cần bàn tay kết nối bởi đơn vị chỉ làm việc trực tiếp với đơn vị đứng ra tổ chức, hàng sẽ được giao xuống địa điểm cần, còn lại khâu phân phát, bán ra là trách nhiệm của đơn vị tổ chức.

Như vậy, bên cạnh đẩy mạnh các hình thức bán hàng trực tuyến, kênh bán lẻ hiện đại đang nỗ lực tìm kiếm các mô hình mới để có thể đảm bảo cung ứng hàng hóa xuyên suốt và an toàn cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh. Đó cũng có thể là phương cách họ xoay xở để tồn tại trong bối cảnh dịch bệnh khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn.

V.Dũng

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thế giới xung quanh ngôi chợ du lịch lớn nhất Đà...

0
(SGTT) – Chợ Hàn – Ngôi chợ truyền thống lâu đời tại Đà Nẵng, đang là điểm đến được nhiều du khách quốc tế...

Thơm lừng góc chợ Gò Vấp gánh súp cua cô Liên,...

0
(SGTT) - Nếu có dịp đi ngang chợ Gò Vấp và ghé nơi đây mua sắm, ẩm thực là một trong những điều mà...

Ô nhiễm có chu kỳ sao để dân phải chịu?

0
(SGTT) - Không phải lần đầu, tình trạng ô nhiễm bụi đỏ ở dự án Sân bay Long Thành và rác dồn ứ trên...

Nhu cầu bán hàng online tăng, lớp dạy livestream hút khách

0
(SGTT) - Những năm gần đây, hình thức bán hàng thông qua phát sóng trực tiếp (livestream) đang là xu hướng mới của ngành...

Cách người Thái làm thời trang ‘bền vững’ không chỉ ‘xanh’...

0
(SGTT) - Các sản phẩm thời trang và phong cách sống của Thái Lan được biết đến bởi nguyên liệu thô đa dạng và...

Bếp trưởng Ngọc Nhi bày cách làm mâm tiệc từ bào...

0
(SGTT) - Chọn những loại thực phẩm nhập khẩu cao cấp như bào ngư Hàn Quốc, sò điệp Nhật, ốc Bulot, Bếp trưởng Ngọc...

Kết nối