Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024

Xem rùa biển đẻ trứng tại Côn Đảo qua lời kể của phóng viên quốc tế

(SGTTO) – Patrick Scott, cây bút du lịch của tờ South China Morning Post chia sẻ chuyến đi ngắm rùa biển đẻ trứng tại Vườn quốc gia Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) như một hoạt động thú vị nhưng đồng thời cũng yêu cầu sự cẩn trọng của du khách tham gia.

Côn Đảo là nơi sinh sống của nhiều loài rùa biển. Ảnh: Patrick Scott

Tham gia một đoàn du khách với số lượng 40 người gồm 3 nhóm và 8 tình nguyện viên, anh Patrick Scott đã có cơ hội ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên tại Côn Đảo và đặc biệt, trải nghiệm tour một đêm quan sát quá trình rùa đẻ trứng, làm tổ và trở về biển khơi.

Côn Đảo được giới thiệu như một điểm đến mang tính lịch sử với những di tích chiến tranh và có phần kém phát triển hơn so với những điểm du lịch ven biển khác ở Việt Nam như vịnh Hạ Long hay Nha Trang. Tuy nhiên, từ năm 2018, khi tàu cao tốc bắt đầu hoạt động, số lượng khách sạn và homestay tại đây đã tăng từ 45 lên 137 và tiếp tục tăng. Hiện nay, bên cạnh kế hoạch mở rộng sân bay Côn Đảo, vườn quốc gia cũng có 19 khu vực được chỉ định cho việc phát triển nghỉ dưỡng trên nhiều hòn đảo nhỏ, trong đó có 2 khu nằm trên hòn Bảy Cạnh.

Côn Đảo là nơi sinh sống của nhiều loài rùa biển tại Việt Nam cũng như Đông Nam Á, đặc biệt là đồi mồi và rùa đồi mồi dứa. Trong 3 thập kỷ kể từ khi Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo thành lập trạm bảo tồn rùa biển đầu tiên, các viên kiểm lâm đã ghi nhận khoảng 9.300 rùa mẹ xuất hiện, hơn 27.000 ổ trứng và hơn 1,9 triệu rùa con được thả về biển. Ước tính tỉ lệ rùa con có thể tránh được những kẻ săn mồi, lưới đánh cá, ô nhiễm và những kẻ săn trộm để hoàn toàn trưởng thành chỉ là 1/1.000.

Du khách tìm hiểu về quá trình đẻ trứng của rùa biển. Ảnh: Patrick Scott

Tour xem rùa đẻ trứng chỉ là một phần nhỏ của ngành dịch vụ tại Côn Đảo, một phần vì vườn quốc gia giới hạn số lượng khách qua đêm tại 5 trạm trên các đảo nhỏ. Các chương trình du lịch này được tổ chức bởi chính vườn quốc gia và một số công ty du lịch, phần lớn phục vụ du khách nội địa.

Khoảng 15:00, từ bến tàu Côn Sơn, anh Patrick Scott mất khoảng 20 phút di chuyển bằng tàu cao tốc đến hòn Bảy Cạnh, lặn ống thở và ngắm nhìn những bãi san hô rực rỡ sắc màu. Sau đó, 40 người đi xe máy đến bãi đá, đi dọc theo con đường xuyên qua khu rừng ngập mặn với hệ thống rễ cây phức tạp để đến trạm kiểm lâm. Mặc dù 40 người nhưng chỉ có 24 người được ở lại nhằm đảm bảo việc bảo vệ môi trường sống của loài rùa biển.

Vui chơi tại Côn Đảo. Ảnh: Patrick Scott

Trạm kiểm lâm gồm những ngôi nhà xi măng được xây như những mái hiên ngoài trời với vài chục chiếc võng làm chỗ ngủ và 2 nhà vệ sinh. Nơi đây sử dụng năng lượng mặt trời cùng dịch vụ di động để phục vụ đời sống thường nhật của kiểm lâm viên cũng như du khách.

Đi về phía bãi biển, du khách sẽ nhìn thấy một bãi cát rộng bằng một sân bóng chuyền được rào lại, bên trong là các cọc gỗ được cắm thành hàng trên những cái hố. Mỗi đêm và sáng, kiểm lâm viên sẽ thu thập trứng rùa mới để từ các tổ trứng rùa mẹ đào gần bờ biển và đặt chúng vào các hố này để bảo vệ trong hai tháng ấp trứng. Những chiếc hố này gần như đã được lấp đầy hết, chiếc bảng gần nhất ghi: Tổ 694, ngày 27-6, 92 trứng.

Trạm kiểm lâm gồm những ngôi nhà xi măng được xây như những mái hiên ngoài trời với vài chục chiếc võng làm chỗ ngủ và 2 nhà vệ sinh. Ảnh: Patrick Scott

Sau bữa tối, anh Patrick Scott cùng những người đồng hành tập trung trên bãi biển và nhìn xuống những con rùa đang dần nổi lên. Khoảng 21:30, nấp phía dưới những tán cây, họ nhìn thấy một con đồi mồi dứa xuất hiện. Một kiểm lâm viên thắp ngọn đèn trắng trên cát để chiếu sáng khi rùa mẹ đẻ trứng.

Tuy nhiên, sau đó, rùa mẹ – vẫn đang trong quá trình đẻ trứng – đã cố gắng đi về phía biển dù trông nó có vẻ rất đau đớn. Rùa mẹ chỉ đẻ 54 quả trứng vào lỗ và hơn chục trứng khác trên đường xuống nước. Hướng dẫn viên nói rằng đây là lần đầu tiên trong 9 năm đi tour, cô ấy thấy một con rùa phản ứng như vậy.

Trao đổi tình huống này với Patrick Scott, ông Mark Hamann – một chuyên gia về rùa biển tại Đại học James Cook (Úc) đoán rằng có thể nhân viên kiểm lâm đã “vô tình chạm vào bộ phận sinh sản hoặc chân sau của rùa mẹ khi đang thu thập trứng và khiến nó hoảng sợ”. Rõ ràng, dù rùa biển không dễ bị dọa khi đang làm tổ nhưng việc thu thập trứng cũng đòi hỏi sự cẩn thận trong suốt quá trình.

Thả rùa con về biển. Ảnh: Patrick Scott

Sau khi mặt trời mọc khoảng một tiếng, trong cơn mưa nhẹ, Patrick Scott quan sát những nhân viên kiểm lâm mang theo khoảng nửa tá rùa con nở trong 24 tiếng trước đến bãi biển. Thả rùa con vào ban ngày không phải một là một chuyện lý tưởng vì ánh sáng có thể làm chúng mất phương hướng. Tuy nhiên, nhân viên kiểm lâm sẽ đặt giỏ cách mặt nước khoảng vài mét để đảm bảo chúng có thể về với biển một cách an toàn.

Thuý An

Theo South China Morning Post

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Loạt giải pháp kéo sếu đầu đỏ về Tràm Chim

0
(SGTT) – Vườn quốc gia Tràm Chim đang thực hiện nhiều biện pháp liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học,...

5 lý do thúc đẩy khách Việt chọn du lịch bền...

0
Các ưu đãi tài chính và trải nghiệm khi du lịch bền vững là hai yếu tố hàng đầu thúc đẩy khách Việt chọn...

Chuyện về anh họa sĩ ‘điên’ biến phế liệu thành tác...

0
(SGTT) - Thổi hồn vào những phế liệu bỏ đi bằng cả niềm đam mê và kiến thức, hoạ sĩ Nguyễn Quốc Dân đã...

Khám phá góc xanh nơi lăng Gia Long ở Huế

0
(SGTT) - Lăng Gia Long (Thiên Thọ Lăng) được thiết kế hài hòa với cảnh quan xung quanh, giúp du khách vừa có thể...

Trải nghiệm xanh tại vườn rau hữu cơ trên đảo Hòn...

0
(SGTT) - Marriott Resort and Spa Hon Tre Island vừa cho ra mắt M Valley - khu vườn rau hữu cơ mang đến cho...

Nâng cao vai trò của người thu gom ve chai trong...

0
(SGTT) - Sáng 8-3, tại thành phố Hội An, đã diễn ra cuộc họp tham vấn về sự đóng góp của lực lượng lao...

Kết nối