(SGTTO) – Vào khoảng tháng Sáu đến tháng Tám hàng năm, Vườn quốc gia Côn Đảo, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thường có chương trình nhận tình nguyện viên đến hỗ trợ công tác hộ sinh cho rùa biển. Để hiểu hơn về công việc bảo tồn này, Sài Gòn Tiếp Thị Online giới thiệu với bạn đọc nhật ký của một tình nguyện viên năm 2018.
Năm 21 tuổi, đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chị Nguyễn Nguyên Nhi (TPHCM) tình cờ biết đến chương trình tình nguyện bảo vệ rùa biển nên gửi hồ sơ đăng ký. Tháng 8-2018, hồ sơ của chị vượt qua nhiều ứng viên khác để được duyệt.
Theo tài liệu giới thiệu chương trình tình nguyện viên mùa hè tham gia bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo, vùng biển Côn Đảo là sinh cảnh đẻ trứng của rùa xanh (hay còn gọi vích) và đồi mồi. Nơi đây có 18 bãi biển có rùa lên đẻ trứng, một số bãi đẻ có diện tích lớn ở hòn Bảy Cạnh, hòn Cau, hòn Tre Lớn, hòn Tài... Hàng năm từ tháng 4 đến tháng 11, hơn 400 rùa mẹ lên các bãi cát thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo để làm tổ, đẻ trứng, có trên 150.000 rùa con được cứu hộ và thả về biển, tỉ lệ trứng nở thành công đạt đến 87%. Vào mùa cao điểm, một số bãi biển ở hòn Bảy Cạnh, hòn Tre lớn, mỗi đêm có 10-20 rùa mẹ lên làm tổ.
Từ năm 1994, Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã thực hiện bảo tồn rùa biển nhằm nghiên cứu đặc tính sinh thái học của rùa biển thông qua hoạt động đeo thẻ, đeo máy định vị vệ tinh; bảo vệ các tổ trứng; xây dựng trại giống...
Chương trình do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp Vườn quốc gia Côn Đảo tổ chức với nhiều đợt, mỗi đợt kéo dài khoảng 10 ngày.
Để trở thành tình nguyện viên, các ứng viên cần trả lời các câu hỏi kiến thức về rùa biển, đề xuất kế hoạch truyền thông hoặc gây quỹ sau khi tham gia chương trình. “Phía vườn quốc gia có danh sách 10 câu hỏi về rùa biển. Tôi lên mạng tìm hiểu, tình cờ biết có cuốn cẩm nang cung cấp kiến thức về rùa biển khá chi tiết", chị Nhi nhớ lại.
Theo chị Nhi, bí quyết để trúng tuyển có thể tùy thuộc vào sự phù hợp về tinh thần tham gia và ý tưởng hỗ trợ công tác tuyên truyền thể hiện qua bản đăng ký. Sau khoảng hai tuần gửi hồ sơ, chị nhận được thông báo trúng tuyển.
Chuyến đi kéo dài 12 ngày, từ ngày 3-8-2018 với 13 tình nguyện viên. Chi phí cho chuyến đi do tình nguyện viên tự túc chi trả, theo chị Nhi là khoảng 5 triệu đồng. Chị đến sân bay Côn Sơn của Côn Đảo ngày 3-8 và đã ghi lại những ngày làm hộ sinh cho rùa biển qua những tấm ảnh:
Chương trình tình nguyện viên bảo tồn rùa biển năm 2020 áp dụng cho công dân Việt Nam từ 21-48 tuổi quan tâm đến bảo tồn các loài động vật hoang dã và bảo vệ môi trường. Do nhu cầu tham gia của tình nguyện viên ngày càng tăng, năm 2020, IUCN và Vườn quốc gia Côn Đảo đã thống nhất tăng số lượng tình nguyện viên lên 5 đợt và mỗi đợt tối đa 20 người. Năm 2020, chương trình diễn ra trong 5 đợt: từ 20-6 đến 29-6; 28-6 đến 7-7; 6-7 đến 15-7; 14-7 đến 23-7; 22-7 đến 31-7.
Yến Nhi ghi