Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Về thăm làng rau hơn 400 năm tuổi ở Quảng Nam

(SGTT) - Trở lại làng rau Trà Quế lần thứ tư, cảnh vật đã có quá nhiều thay đổi, bởi chuyến đi gần nhất của tôi là vào năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Chỉ là những thửa rau xanh thôi, có gì để bao nhiêu người tìm đến? 
Ảnh: Khuê Việt Trường

Trà Quế nghĩa là gì? Một người bạn đồng hành hỏi tôi như vậy? Câu trả lời không khó, bởi bất cứ một địa danh nào cũng có những câu chuyện, chính những câu chuyện đó làm cho người tìm đến nhớ về.

Vài trăm năm trước, bên dòng sông Cổ Cò có một làng rau, rộng đến 40ha, với tên gọi là Như Quế. Có thể do thổ nhưỡng ở đây tạo ra mùi vị rau, và cũng có thể vào thuở xa xưa đó, để cho cây rau tươi tốt, người ta lấy rong từ dòng sông Cổ Cò ủ lót, mà không dùng các loại phân khác. Thói quen trồng rau thành quen cho mãi đến bây giờ, cho nên lá rau ở đây nhỏ, nhưng mùi thơm đặc trưng.

Ảnh: Khuê Việt Trường

Chuyện cũng nói là vào thế kỷ 17, một vị vua triều Nguyễn ghé qua, vua nếm thử các loại rau, và trong đó có loại rau thơm lạ, thế là vua đặt tên cho nơi này là Trà Quế. Với người dân, cách gọi thân thương của miền đất này là "Làng quê Trà Quế", còn khách du lịch gọi là làng rau.

Đến Trà Quế là òa vỡ, là học cách trồng rau của người nông dân, là thoát ra khỏi những muộn phiền.

Chỉ là những thửa rau xanh thôi mà có gì để bao nhiêu người tìm đến? Bởi những người du khách vốn sống ở đô thị, ở những nơi các ngôi nhà cao vời, ở đó là những con đường với những dòng xe cộ không ngớt lao nhanh; ở đó thiếu mùi thơm cây cỏ, chẳng thể nhón chân trần để bước chân mảnh đất mềm, thích thú tự tay mình cắm những cây con cho một khởi đầu tái sinh.

Ảnh: Khuê Việt Trường

Người ta bảo Trà Quế có tới 40 loại rau, riêng loại rau thơm có đến 20 loại. Ở cạnh làng rau, có những quán ăn, bán món chẳng cao sang, chỉ là bánh xèo, thịt heo luộc cuốn bánh tráng hay gà luộc... và tất nhiên món để ăn với các món ăn đó chính là rau Trà Quế.

Cái hay của người làm du lịch là lay vào trong cảm giác du khách sự tận hưởng mà chỉ nơi chốn của mình mới có.

Cái ấn tượng của du khách là ăn những món ăn rất riêng. Họ ra cánh đồng rau, lần đầu tiên học cách cầm cuốc để xới vỡ đất. Họ được hướng dẫn để cắm những cây con cho một khởi đầu.

Họ gánh nước để tưới cây, chỉ là công việc thường ngày của người nông dân, nhưng là đặc saản của cuộc hành trình. Và họ được ăn rau của làng rau nổi danh này.

Ảnh: Khuê Việt Trường

Đến Trà Quế, ở nơi mà màu xang ngập tràn, rón rén chân đi len vào từng ô rau xanh, gặp công việc thường nhật của người nông dân, có thể chụp ảnh cùng, và cũng có thể ngắt cọng rau đang lên xanh, nếm thử xem có đúng là thơm mùi quế.

Chỉ là tìm đến, và có thể là trở lại. Trong xoay chuyển của đất trời, Trà Quế cứ tiếp tục gieo trồng để hàng ngày cung cấp loại rau rất riêng của mình cho mọi nơi chốn. Trà Quế còn là nơi chốn của khám phá một nghề rất đặc trưng - nghề trồng rau.

Làng rau Trà Quế có tuổi đời hơn 400 năm ở TP. Hội An (Quảng Nam), được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 4-2022.Việc vinh danh làng rau có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy di sản nghề trồng rau Trà Quế, giúp cộng đồng địa phương nâng cao ý thức tôn trọng, tham gia gìn giữ và dựa vào di sản để phát triển du lịch.

Khuê Việt Trường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối