(SGTT) - Nếu đến vùng Tây Bắc của Đà Nẵng (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang), bạn sẽ nghe câu ca truyền thống từ bao đời: "Ốc bươu Bàu Nghè, nước chè Phú Thượng". Người dân Quảng Nam - Đà Nẵng ngày xưa có thói quen giải khát bằng cách uống nước lá chè xanh, và loại ngon nhất vẫn là chè xanh Phú Thượng.
- Bản đồ ẩm thực: Về An Giang nhớ ghé thăm vương quốc mắm Châu Đốc
- Bản đồ ẩm thực: Độc đáo lẩu thả Phan Thiết
- Bản đồ ẩm thực: Thổi hồn thơ ca món nem hơn 60 năm tuổi
Hiện nay, Bàu Nghè được khai thác bởi làng nghề trồng sen, nuôi cá. Ngoài các loài cá mới đưa vào Bàu Nghè nuôi bởi các chương trình khuyến ngư, Bàu Nghè vẫn là nơi sinh sống các loài cá và nhuyễn thể như rô, diếc, trê, tràu, ốc bươu, ếch...
Với bàn tay khéo léo của các bà mẹ quê Bàu Nghè, con ốc bươu có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Mỗi món đều có hương vị đặc trưng riêng, như canh ốc hoặc ốc xào sả, ớt, nghệ, hoặc um ốc với chuối chát (chuối hột)... Tuy nhiên, món mì Quảng ốc bươu là món ăn đặc biệt nhất.
Cách làm món ăn này, các bà mẹ quê thường ngâm ốc với nước vo gạo qua một đêm để nhả sạch chất bẩn. Sau đó, đem chà vỏ ốc để loại rêu bám. Tiếp đến, dùng dao khứa bỏ phần cuối vỏ ốc, luộc vài phút rồi đổ ra rổ ráo nước.
Để món ăn đậm đà, dĩ nhiên các mẹ đem ốc ướp với ít gia vị như sả, ớt, tiêu, dầu phộng và um nhẹ cùng củ nén. Cuối cùng, cho nước sôi với lượng vừa phải vào cùng thơm, cà chua, măng nấu khoảng 15 phút là đã có nồi nước nhưn ốc bươu.
Khi thưởng thức, các mẹ cho rau sống như búp chuối, xà lách, tần ô, ngò, cải non vào tô, trải thêm lớp mì Quảng rồi chan nước nhun vào cùng. Không quên rải thêm ít đậu phộng rang giã nhuyễn, bánh tráng nướng bóp nhỏ kèm ít ớt cho ai ăn cay.
Thành phẩm tô mì Quảng ốc bươi trông bắt mắt với màu ngà của thịt ốc bươu, màu xanh của rau sống, màu trắng của mì, màu đỏ của cà chua, màu vàng của thơm. Song song đó là hương thơm ngào ngạt tỏa lên từ tô mì khiến thực khách không thể đợi thêm lâu.
Tiên Sa