(SGTT) – Ngoài những điểm du lịch miệt vườn sông nước, Đồng Tháp còn lấy lòng du khách phương xa bởi món nem chua Lai Vung nổi tiếng đã đi vào những câu thơ, ca dao.
Có dịp về Đồng Tháp, ắt hẳn bạn sẽ nghe người dân nơi đây thưởng tặng những câu thơ, ca dao khi nói về món nem chua Lai Vung. Có thể kể đến như “Lai Vung là xứ lạ lùng, nem chua mà ngọt, thơm nồng mà say” hay “Ai về Đồng Tháp mà xem, Lai Vung con gái gói nem xắt bì”.
Điều này cho thấy, không chỉ người dân Lai Vung nói riêng mà người dân Đồng Tháp nói chung cũng rất tự hào về món nem này. Không mang theo mình những điển tích xa xưa, nem Lai Vung có nguồn gốc từ một người phụ nữ sống ở ấp Tân Khánh, Lai Vung tạo nên mà người dân hay gọi với tên trìu mến – bà Tư Mặn.
Cách đây cũng hơn 60 năm, món nem này bà Tư Mặn làm ra cốt chỉ để dùng trong các bữa tiệc của người dân địa phương. Thế nhưng, với hương vị thơm ngon, nhiều người đã học nghề và từ đó làng nghề nem chua Lai Vung cũng vì thế mà phát triển theo.
Theo đó, cách làm nem tuy khá đơn giản nhưng nó vẫn có những nguyên tắc riêng mà người thợ nấu cần phải lưu ý. Thứ nhất, thịt heo chọn phần đùi hoặc mông heo và ưu tiên heo tươi mới mổ, thịt còn ấm. Sau khi lọc bỏ gân thì lấy phần nạc để làm món nem chua. Nguyên liệu tiếp theo không thể thiếu là bì heo để món ăn có thêm độ giòn dai, sần sật.
Về tẩm ướp gia vị, những hộ dân ở làng nghề sẽ có công thức riêng nhưng vẫn bảo đảm một số thành phần như hạt tiêu, tỏi, đường và ớt xanh để tạo nên vị ngọt dịu xen lẫn vị chua. Khác với nem chua ở một số địa phương khác dùng ớt đỏ, người dân làm nem chua Lai Vung chỉ dùng ớt xanh bởi ngoài sắc xanh bắt mắt thì loại ớt này còn có hương thơm cay nồng đặc trưng.
Theo một số người làm món này, một chiếc nem chua Lai Vung ngon là khi nó bảo đảm tỷ lệ 8 phần thịt heo, 2 phần bì. Mặt trên của nem thường gói thêm lá chùm ruột hay lá vông non để tạo độ chua tự nhiên cho nem. Thêm vào một trái ớt xanh và lát tỏi là có thể đem đi gói. Theo đó, nguyên liệu để gói nem thường là lá chuối, chọn loại lá mỏng, rửa sạch, phơi khô rồi mới đem đi gói.
Ngày nay, tuy hương vị của nem chua có một chút thay đổi do thợ nấu thay lá vông (khó kiếm) bằng lá tằm ruột và dùng dây nylon buộc thay lá chuối dễ kiếm hơn. Thịt và bì heo cũng không giã thủ công mà dùng máy xay nhưng nem chua Lai Vung vẫn là món quà vặt nổi tiếng ở Đồng Tháp.
Bản đồ ẩm thực Việt Nam là chuyên mục mà Sài Gòn Tiếp Thị mong muốn truyền tải đến những du khách trong và ngoài nước các món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực vùng miền do đầu bếp và người sành ăn địa phương giới thiệu. Thông qua đó, mọi người vừa thăm thú danh lam thắng cảnh vừa thưởng thức những món ăn ngon, khó quên. Mọi hình ảnh món ăn đặc trưng của các địa phương do bạn sở hữu có thể gửi về cộng tác với Sài Gòn Tiếp Thị tại địa chỉ e-mail: ducduy@thesaigontimes.vn
Phúc An – Phùng My