Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Trưa nay ăn gì: Sài Gòn những ngày mưa bất chợt, lại thèm vị bánh khọt miền Tây

(SGTTO) - Bánh khọt miền Tây được đổ cùng nước cốt dừa béo thơm, nhân tôm thịt mằn mặn và đậu xanh bùi bùi. Chấm miếng bánh khọt với nước mắm chua ngọt sẽ cảm nhận hết vị đặc trưng từ nguyên liệu vùng sông nước Nam Bộ, kèm ít rau sống là ăn hoài mà không thấy ngán.

Xuất xứ bánh khọt là ở miền Trung, tựa bánh căn. Nhưng bánh căn thì không có màu vàng từ nghệ và nước cốt dừa, được ăn kèm nhân hải sản như tôm hay mực và chấm mắm nêm, mắm đậu phộng... Còn bánh khọt được làm từ bột gạo chứ không có thêm cơm nguội như bánh căn. Bánh khọt có hình dáng giống bánh căn, nhưng bánh khọt được chiên với dầu trên khuôn kim loại, đem lại độ giòn, thơm hơn hẳn và không bị khô. Bánh khọt rất dễ làm và dễ ăn nên đã có mặt ở hầu hết nhiều vùng miền. Nhưng nổi tiếng hơn cả vẫn là bánh khọt miền Tây, với chén mắm chua ngọt đặc trưng cùng nhiều loại rau ăn kèm đồng quê, dân dã.

Đổi bữa ăn bánh khọt miền Tây giòn rụm. Ảnh: Kat Huỳnh.

Theo truyền thống, bột bánh gồm gạo xay thành bột ướt. Miền Tây là xứ dừa, nên người dân nơi đây thường kết hợp dừa với nhiều món ăn để tăng hương vị, độ béo. Bánh khọt cũng không ngoại lệ. Dừa già lấy cơm nạo, vắt lấy nước cốt dừa, trộn cùng với bột sẽ giúp bánh khọt giòn hơn và đem lại vị beo béo đặc trưng. Bột gạo khi kết hợp với nước cốt dừa thì như tỏa sáng hơn, thơm ngậy mà ăn không ngán. Song bí quyết của các chị, các mẹ là phải để bột xay qua đêm thì bột mới ngon và bánh thì giòn, không bị chai. Một số nơi còn cho thêm chút cơm nguội xay nhuyễn để bánh giòn hơn.

Để trông bắt mắt, hỗn hợp được cho thêm bột nghệ vàng và hành lá. Bột bánh khọt cũng có thể dùng làm bánh xèo, chỉ khác nhau ở cách tạo hình. Khi đổ, người làm bánh phải quết dầu vào khuôn trước, để bánh không bị dính mà còn giòn hơn, cũng cần chú ý để lửa vừa để tránh làm khét đế bánh và bên trong bột vẫn ướt. Như vậy thì bánh làm ra mới giòn rụm ngoài rìa, bên trong mềm mịn, chín vừa. Nhân bánh cũng có nhiều biến tấu tùy mỗi vùng khác nhau và khẩu vị người ăn, như nhân tôm, mực, thịt xay, trứng hay nhân chay với đậu xanh, hạt sen để bánh thêm béo, bùi thơm ngon hơn.

Bánh vừa bưng ra còn nóng hổi, cuốn cùng với bánh tráng, lá cải bẹ xanh, rau xà lách, rau thơm hay chỉ đơn giản là chiếc bánh khọt vàng ươm, chấm vào nước mắm chua ngọt cay cay cũng đủ đánh thức vị giác. Mùi thơm của nhân, vị béo nước cốt dừa, vỏ bánh giòn rụm kết hợp nước chấm đúng vị, khiến người ta ăn hoài mà không chán.

Với từ khóa “bánh khọt” trên các ứng dụng đặt thức ăn trực tuyến như GrabFood, Baemin, Now… bạn dễ dàng có được một phần bánh thơm ngon giao tận nơi. Theo đó, một phần bánh khọt có giá bán khoảng 30.000-100.000 đồng. Một số quán bán món bánh này được nhiều người đặt là bánh khọt Cô Ba Vũng Tàu (quận 3), bánh khọt Moon (quận Gò Vấp), bếp Trưởng quán (quận 7), Nam bộ quán (quận 11), bánh xèo Ăn là ghiền (quận 1)…

Bánh khọt có thể dùng ăn chơi hay ăn thay cơm. Những ngày trời mưa, ăn đĩa bánh khọt giòn rụm thì thấy khoan khoái và rất ngon miệng. Bạn cũng có thể tìm mua khuôn bánh khọt và bột bánh khọt làm sẵn ở các chợ, trang thương mại điện tử để tự tay đổ bánh khọt chiêu đãi cả nhà. 

Yến Nhi- Quỳnh Anh tổng hợp

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối