Chủ Nhật, Tháng Năm 12, 2024

Trưa nay ăn gì: mộc mạc như bánh căn miền Trung

(SGTTO) – Bánh căn có nguyên liệu chính từ bột gạo, trộn với chút cơm nguội xay nhuyễn để tạo nên lớp vỏ bánh giòn. Bánh căn được nướng trên khuôn đất nung chứ không chiên trong khuôn kim loại như bánh khọt. Món bánh dân dã này phổ biến ở vùng Nam Trung Bộ, sau đó rộng ra cả các vùng lân cận vì sự mộc mạc và dễ kết hợp món ăn kèm.

Bánh căn miền Trung với nhân trứng cút, mực, ăn kèm nước mắm đậu phộng. Ảnh: Yến Nhi

Bánh căn có nguồn gốc từ Phan Rang, Ninh Thuận do người dân tộc Chăm chế biến. Nguyên liệu chính để làm bánh căn là bột gạo, pha với chút cơm nguội xay nhuyễn. Gạo cũng là nguồn lương thực chính của người Việt, nên bánh căn có thể ăn chơi hoặc ăn no. Nhờ sự đơn giản, dễ thưởng thức, bánh căn nổi tiếng khắp nơi và được biến tấu thành nhiều phong cách. Hiện có các “thương hiệu” bánh căn được ưa chuộng là bánh căn Phan Thiết, Phan Rang, Vũng Tàu, Đà Lạt…

Bánh căn Đà Lạt ăn cùng xíu mại.

Nhìn sơ qua, bánh căn miền Trung có hình dáng và nguyên liệu khá giống bánh khọt miền Tây. Song bánh khọt được tạo màu vàng (bột nghệ), thêm hành lá và được chiên với dầu hoặc mỡ trên khuôn kim loại. Còn bánh căn thì chỉ đơn thuần là hỗn hợp bột gạo trắng và cơm nguội, thêm chút muối và nướng trên khuôn bằng đất nung. Bởi ở vùng Phan Rang có loại gốm, đất nung Bầu Trúc khá nổi tiếng.

Theo những người bán món bánh này, hỗn hợp bột làm bánh căn cần được pha không quá loãng hoặc quá đặc. Bánh căn muốn đạt chuẩn phải được nướng trên than hồng. Khi khuôn bánh nóng già, người làm bánh đổ bột đầy chừng nửa khuôn tròn, thêm nhân bánh, đậy nắp chờ bánh chín. Nếu lửa quá lớn bánh sẽ cháy mà vẫn sống bên trong, nếu lửa nhỏ bánh bị chai, không thể giòn được.

Nhân bánh căn cũng rất đa dạng: trứng cút, mực, tôm, thịt bằm, bò, gà… tùy địa phương và chủ quán. Nhưng thường thấy nhất là nhân tôm, mực, hoặc đơn giản là bánh căn bột không. Bánh chín sẽ tỏa mùi thơm lẫn mùi xem xém của bột gạo nướng. Lúc này, người đổ bánh phải nhanh tay nạy bánh ra khỏi khuôn, phết một lớp mỡ hành cho thơm rồi mới mang đến bàn cho khách.

Món này phải được dùng khi còn nóng hổi, vừa ra khỏi lò. Món bánh mất đi một nửa hương vị nếu không ăn cùng các loại rau sống như cải xanh, xà lách, rau hung quế, diếp cá, xoài chua bào sợi… Một phần bánh căn sẽ gồm 5 – 10 bánh, ăn kèm rau sống và chén nước chấm đặc biệt. Trong bánh căn Phan Rang thường được ăn với nước cá kho (thường là cá nục, cá cơm hoặc mắm nêm). Một số nơi khác còn ăn bánh căn với nước thịt, sốt cà chua hay mắm đậu (nước mắm chua ngọt nấu với đậu phộng xay nhuyễn). Bánh căn Đà Lạt thì có nhân trứng hoặc không nhân, ăn kèm với nước thịt xíu mại ấm nóng, lừng danh địa phương này. Để đáp ứng nhu cầu của thực khách mọi miền, món bánh căn nay còn được ăn cùng nước mắm tỏi ớt, chua ngọt quen thuộc.

Bánh căn lấy gốc là tự nhiên, lành tính, ít dầu mỡ. Từ bột gạo chỉ nêm chút muối, trứng, tôm, mực tươi nướng cùng bánh đến các loại rau và nước chấm đều quen thuộc và được chế biến dùng ngay. Ăn bánh căn không chỉ cảm nhận bằng vị giác mà thị giác và khứu cũng được kích thích nhờ màu sắc bắt mắt của đa dạng nguyên liệu và mùi thơm lừng khi bánh nướng trên khuôn đất nung.

Từng cặp bánh nóng hổi, giòn bên ngoài, mềm bên trong, thêm chút mỡ hành thơm thơm. Khi ăn kèm thêm miếng xoài chua, miếng rau sống và chấm thật đẫm thứ nước chấm hài hòa ấy. Bấy nhiêu thôi cũng đủ tạo nên một món ăn tròn vị, độc đáo nhưng vẫn mang trong mình nét mộc mạc vốn có của mảnh đất miền Trung – nơi “khai sinh” món bánh căn.

Hiện có nhiều hàng quán bán bánh căn có kết nối với các ứng dụng đặt thức ăn trực tuyến. Chỉ với từ khóa tìm kiếm “bánh căn”, bạn sẽ dễ dàng đặt mua để thưởng thức. Một phần bánh căn có giá bán khoảng 40.000-70.000 đồng. Một số quán bán bánh căn nổi tiếng là Đặc sản Nha Trang 79 (quận Bình Thạnh), Đặc sản Phan Rang 2 Phượng (quận 10), Bánh căn quán tui (quận Gò Vấp), Đặc sản Phan Rang (quận 4), Món ngon Nha Trang – Khoái (quận 3)…

Món bánh căn tuy làm không khó, nhưng lại cần tìm mua đúng khuôn đất và thời gian tập tành đổ bánh cho quen tay. Nhưng nếu bạn muốn tự tay làm bánh căn thử tài bếp núc, bánh căn nhà làm vẫn thơm ngon và nóng hổi như ngoài hàng với công thức gợi ý dưới đây:

Khuôn bánh căn bạn có thể tìm trên các trang thương mại điện tử Lazada, Shoppee với từ khóa “khuôn bánh căn bằng đất”. Khuôn không có nắp có giá tham khảo 109.000 đồng. Khuôn có nắp giá khoảng 400.000 đồng. Tuy nhiên, khuôn đất có giá trị sử dụng lâu dài nên bạn cũng có thể mua để dành trong gian bếp.

Yến Nhi tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Chọn thịt gà, tôm làm điểm nhấn cho mâm tiệc trưa...

0
(SGTT) – Thịt gà và tôm là hai loại thực phẩm quen thuộc trong bữa cơm gia đình hay mâm tiệc. Hôm nay, chúng...

Trưa nay ăn gì: Nhanh gọn với salad sò điệp Nhật...

0
(SGTT) – Trong nhóm hải sản chế biến món salad, thịt sò điệp là nguyên liệu tạo nên sự thích thú cho thực khách...

Trưa nay ăn gì: Đổi vị cùng bánh canh cua ăn...

0
(SGTT) – Ngoài bánh canh cua truyền thống, nhiều quán bánh canh đã có thêm sự biến tấu khi thêm bào ngư. Qua đó,...

Mâm tiệc cuối tuần với mẹt dê 5 món

0
(SGTT) – Khác những mâm tiệc với các món ăn đựng riêng biệt, mẹt là vật dụng giúp mâm tiệc thêm bắt mắt khi...

Trưa cuối tuần thử lẩu vịt om măng

0
(SGTT) – Với vị chua thanh đặc trưng từ măng, hòa quyện cùng vị ngọt thịt vịt, lẩu vịt om măng hứa hẹn mang...

Trưa nay ăn gì: Bánh củ cải chiên cho bữa trưa...

0
(SGTT) – Là món ăn bắt nguồn từ văn hóa ẩm thực Trung Hoa, bánh củ cải ở TPHCM được bày bán từ xe...

Kết nối