Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Trưa nay ăn gì: Một thoáng Bắc bộ cùng chân giò heo nấu kiểu giả cầy

(SGTT) – Trong kho tàng ẩm thực miền Bắc, giò heo nấu giả cầy là một món ăn tạo nên dấu ấn khó phai trong lòng thực khách. Ngày nay, món ăn dân dã này không chỉ xuất hiện ở các hàng quán thông thường mà còn được đưa vào thực đơn ở các nhà hàng sang trọng.

Bữa trưa giữa tuần đã gần đến, chuyên mục Trưa nay ăn gì sẽ giới thiệu đến bạn đọc một món ăn được chế biến từ chân giò heo với các gia vị, nguyên liệu gần gũi, bình dị, thường thấy trong các bữa cơm gia đình Việt, đó là món chân giò heo nấu giả cầy.

Sở dĩ, món ăn có tên độc đáo như vậy bởi do những người thợ nấu lành nghề đã biến tấu thực phẩm, dùng thịt heo để thay thế cho thịt chó với cách nấu đặc trưng, phù hợp cho những ai không dùng loại thịt này.

Để làm món ăn này, khâu chọn lựa nguyên liệu và sơ chế giò heo rất quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến thành phẩm món ăn và độ ngon miệng. Cụ thể, chân giò heo là có màu trắng hồng; da và thịt dính nhau; riêng phần mỡ chạm vào thấy độ chắc chắn, không dính tay. Đặc biệt, thịt và xương không được lỏng lẻo bởi đó là dấu hiệu nhận biết thịt đã cũ.

Tiếp đến, giò heo sẽ được đem thui để tạo nên độ giòn, thấm đều gia vị hơn khi chế biến. Nếu ngày trước, người ta thường rất vất vả ở khâu này khi thui bằng rơm, rồi phải lót thịt trên bã mía thì hiện nay có thể dùng khò lửa, quấn chân giò qua lớp giấy bạc và thui đến khi da chuyển màu vàng nâu. Sau đó, chỉ việc rửa lại với nước lọc và chặt khúc vừa ăn.

Ngoài cách nấu giả cầy, giò heo còn được chế biến theo kiểu kho tiêu, kho sả ớt, hầm thuốc bắc, nướng lá mắc mật hay món ăn bán chạy ở các hàng quán, giò heo chiên muối...

Thú vị hơn khi các nguyên liệu, gia vị còn lại tùy thuộc vào thực khách ưa thích phong vị miền Bắc hay miền Nam mà hàng quán chọn nấu và phục vụ. Cụ thể, giò heo giả cầy hương vị Bắc sẽ dùng củ riềng, mẻ để tạo độ thơm, chua nhẹ cho món ăn, còn giò heo giả cầy nấu kiểu miền Nam nghiêng một chút về vị ngọt với sả, đường hay nước cốt dừa cho thêm độ béo ngậy.

Tuần tự theo các bước chế biến như sơ chế nguyên liệu, ướp giò heo, nấu giò heo là mọi người sẽ có một nồi chân giò heo giả cầy thơm ngon, hấp dẫn. Đặc biệt, nước dùng của món ăn phù hợp nhất khi thưởng thức cùng bún tươi, bánh mì hay cơm trắng tùy thích.

Khi có thực khách gọi món, hàng quán sẽ chuẩn bị giò heo đã nấu cho vào niêu, dọn lên kèm đĩa bún tươi, đĩa rau ăn kèm gồm rau thơm các loại, lá mơ, tắc, gừng, sả và không thể thiếu là chén mắm tôm điểm vài lát ớt. Với những ai bụng yếu hay không quen mắm tôm thì nên dặn quán ăn thay thế bằng chén nước mắm mặn, cũng rất là tròn vị.

Theo các đầu bếp chuyên nghiệp nhận định, giò heo nấu giả cầy ngon là khi giò heo chín vừa phải (không mềm, nát); chân giò thì giòn dai. Rồi khi thưởng thức, các tầng hương vị chua của mẻ, cay nồng của riềng, thơm của sả như hòa quyện trong từng thớ thịt heo. Mong rằng, với gợi ý một món ăn vùng miền đặc trưng Bắc bộ, bữa trưa của mọi người sẽ thêm phần thú vị hơn.

Gia Hân tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối