(SGTT) – Bánh ướt là loại bánh được làm từ bột gạo, xuất hiện trong nhiều món ăn vùng miền tại Việt Nam. Theo đó, ở Đà Lạt (Lâm Đồng), chúng được các hàng quán kết hợp cùng thịt và lòng gà để tạo nên món ăn hấp dẫn du khách ghé thăm.
- Trưa nay ăn gì: Mâm cơm dân dã với bò hầm rau củ và thịt heo rang riềng
- Trưa nay ăn gì: Đặc sắc lẩu heo rừng nuôi cho bữa trưa cuối tuần thêm thú vị
- Trưa nay ăn gì: Lôi cuốn món mì nổi tiếng Singapore, tưởng lạ mà quen
Trước khi tìm hiểu về bánh ướt lòng gà cho bữa trưa nay thì mọi người sẽ đôi chút bất ngờ khi loại bánh này là đặc sản của một số tỉnh, thành. Có thể kể đến như bánh ướt thịt nướng tự cuốn đất Ban Mê, bánh ướt heo quay xứ Huế, bánh ướt An Lạc đất Quảng Trị hay bánh mướt Nghệ An. Mỗi món ăn đều là tinh hoa mang nét đặc trưng ẩm thực vùng miền nơi đó, và nghĩ đến bánh ướt lòng gà là nghĩ đến thành phố mộng mơ Đà Lạt.
Để làm món ăn này, người thợ nấu thường dùng gạo loại ngon, xay, trộn theo tỷ lệ riêng để bánh sau tráng chắc chắn, không bị vỡ nát. Rồi cái khéo léo khi tráng bánh cũng là điểm “hút hồn” du khách say mê ngồi ngắm nhìn người thợ đang hì hục làm. Nếu chế biến tại nhà, mọi người có thể tận dụng nồi chiên không dầu để tráng bánh, loại nồi đa năng này có thể nấu nhiều món ăn mà phần dầu mỡ được hạn chế so với cách nấu thông thường.
Bánh ướt được làm từ bột gạo, loại bột này còn được chế biến thành một số món ăn hấp dẫn như bánh bao, bánh giò, bánh bò, bánh bèo, bánh cuốn, bánh gối, bánh khoai, bánh bột gạo chiên…
Về gà, thông thường các hàng quán chọn gà ta hoặc gà thả vườn bởi chất lượng thịt thơm ngon, dai mềm hơn so với gà công nghiệp (thịt hay bở). Sau sơ chế gà, phần thịt được tách riêng và phần lòng cần sơ chế kỹ để loại bỏ mùi tanh. Một mẹo từ đầu bếp chuyên nghiệp là dùng chanh, muối chà thịt và lòng, rồi bắc nồi nước luộc qua với ít gừng. Và phần thịt thường dùng cho món ăn này là ức hoặc đùi gà xé.
Nếu như thịt gà thơm ngon, bánh ướt mềm mại thì cũng chưa đủ yếu tố để tạo nên món bánh hấp dẫn này. Hàng quán thu hút thực khách bởi còn ở chén nước mắm chua ngọt được pha chế theo công thức riêng.
Khi có thực khách gọi món, chủ quán mới bắt đầu tráng bánh, xếp lên đĩa, cho thịt và lòng gà đã trộn lên trên, rắc thêm ngò, hành phi, cùng chén nước chấm là đã đủ cho một món ăn vùng miền hấp dẫn. Nếu thích dùng nước chấm để riêng, mọi người nên dặn trước quán, bởi có một số quán chan nước chấm vào món ăn để chúng đậm đà vị hơn.
Giữa nhiều sự lựa chọn cơm, phở, hủ tiếu, mì, bánh canh cho bữa trưa đầu tuần, mời bạn đọc hãy cùng Sài Gòn Tiếp Thị chọn bánh ướt lòng gà để dùng cho bữa trưa thanh đạm nhưng cũng không kém phần dinh dưỡng. Với những ai mộng mơ thì còn ví đùa rằng, thưởng thức bánh ướt lòng gà như đã một chân đặt đến thành phố mộng mơ Đà Lạt.