Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024

Ông chủ quán ăn tổ chức giải đua xe đạp: Tự bỏ tiền túi, mê đi rừng trong đêm

(SGTT) – Là trưởng ban tổ chức của giải đấu xe đạp MADA Championship, bước sang năm thứ ba, ít ai biết rằng anh Đặng Đức Hoàng từng bỏ tiền túi, tự bán đi chiếc xe đạp mình yêu thích để có kinh phí duy trì giải đấu nhằm lan tỏa niềm đam mê thể thao đến mọi người.

Yêu ẩm thực và mê xe đạp

Sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, anh Đặng Đức Hoàng, 41 tuổi, cũng như bao chủ doanh nghiệp khác phải tạm dừng chuỗi nhà hàng, quán ăn của mình ở TPHCM để gầy dựng lại tại quê nhà Bảo Lộc. Anh tâm sự mình đã cùng gia đình rời phố về quê sau mười mấy năm lập nghiệp để tìm một bắt đầu mới với nhiều sự bình yên, tĩnh lặng hơn.

Niềm đam mê thể thao anh Hoàng duy trì hằng ngày. Ảnh: NVCC

“Tôi đã bán đi căn nhà cũng như “đứa con” tôi xây dựng bao năm rồi về quê mở quán ăn đúng thế mạnh trước đây và là niềm yêu thích của cả nhà. Tôi tự nhận sau nhiều khó khăn, tôi vẫn tự tin bước qua một cách điềm tĩnh bởi điều tích cực mà môn thể thao đạp xe đã đem đến”, anh bộc bạch.

Anh từng tham gia làm cố vấn cho một số chương trình đua xe đạp. Ảnh: NVCC

Yêu thích xe đạp từ thời niên thiếu, anh nhớ lại tuổi thơ mình đã gắn liền cùng chiếc xe đạp qua mưa gió đến trường, đi chơi và sau này là đi làm. Từ năm 2009 đến nay chính là thời gian anh tiếp xúc với bộ môn thể thao này một cách dày đặc và biến nó trở thành thói quen, lối sống hằng ngày. “Cứ mỗi lần có chuyện gì nghĩ không ra, chân tôi lại xỏ giày hoặc đơn giản là phóng lên yên xe đạp vài vòng, nhiều bài toán khó và áp lực từ cuộc sống tôi đã giải quyết được chỉ khi ngồi trên xe đạp. Có lẽ vì tiếp xúc từ khá sớm nên tôi đã yêu và biến nó trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày”, anh tiết lộ.

Trả lời câu hỏi vì sao chọn xe đạp chứ không phải bộ môn nào khác, anh cho biết mình yêu thích cảm giác đi những cung đường tự do ngoài trời hay giữa rừng sâu. Cũng là tập luyện, nhưng nếu chỉ trong phòng tập, cơ thể sẽ ít cảm nhận được luồng oxy tươi hay sự thay đổi của cuộc sống hằng ngày xung quanh. “Trong môi trường tự nhiên, người chơi sẽ cảm thấy thư thái hơn và hệ hô hấp cũng tốt hơn vì phải trực tiếp tiếp xúc với nắng gió trong điều kiện cơ bản nhất. Tôi cũng biết rất nhiều người từ khi chuyển qua đạp xe là dính luôn tới giờ”, anh cười nói.

Anh Hoàng yêu thích môn xe đạp địa hình, anh thường xuyên tập luyện đường đua trong rừng. Ảnh: NVCC

Được biết, anh thường xuyên tổ chức những tour xe đạp mang tính chất “hoang dã” cùng các thành viên yêu thích bộ môn này đi vào rừng sâu. Nhiều người cho rằng đó là chuyến đi “hành xác” vì điều kiện vật chất thiếu thốn, anh cũng nói thêm ai đi rồi sẽ thấy nhớ và yêu thích vì cảm giác khó tìm sau nhiều ngày liền làm việc căng thẳng, ô nhiễm khói bụi nơi phố thị.

Theo anh Hoàng, thay vì đạp xe đường bê tông hay ngoài phố, anh luôn ưu tiên tìm địa hình và đường đi trong rừng. Đó là trải nghiệm thú vị khó tìm ở môn thể thao nào khác ngoài đời. Đi rừng có nhiều khó khăn hơn nhưng cũng đồng nghĩa với việc nhiều niềm vui đón chờ hơn. Đây cũng là một trong nhiều lý do anh chọn tổ chức giải xe đạp MADA Championship định kỳ hằng năm diễn ra tại khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, khu vực rừng Mã Đà.

Từng bán xe làm giải đấu

Từ mùa đầu tiên của giải MADA Championship, anh Đặng Đức Hoàng chia sẻ mình phải lấy tiền của gia đình, bán hai chiếc xe đạp để tổ chức cuộc thi với chi phí khoảng 160-170 triệu đồng. Đến mùa hai, anh bán xe tay ga, mùa ba năm nay suýt bán xe khác để tổ chức giải.

Nói về quyết định có phần liều lĩnh của mình, anh kể “Trong khoảng 5 năm, có thời điểm tôi cảm nhận phong trào đạp xe đi xuống không còn nhiệt huyết như xưa, ở Việt Nam lúc đấy vẫn ít giải đấu xe đạp địa hình bài bản dành cho hệ vận động viên phong trào. Nghĩ là làm, tôi bắt tay vào từng khâu xin giấy phép thủ tục ở khu bảo tồn, tìm phương pháp cứu hộ cứu nạn, đánh dấu đường đi và chuẩn bị cho cuộc đua. Đã qua hai mùa, tôi may mắn nhận được sự ủng hộ từ mọi người và phản hồi tích cực về khả năng lan tỏa tình yêu đạp xe đến với cộng đồng chung”.

Anh Đặng Đức Hoàng (bìa trái) trong ngày diễn ra giải MADA Championship 2020. Ảnh: NVCC

Sở dĩ, anh Hoàng chọn khu bảo tồn thiên nhiên rừng Mã Đà làm địa điểm thi đấu vì mong muốn đem “chất rừng” trong môn xe đạp địa hình MTB (Mountain Bike) đến gần hơn với vận động viên. Ngoài ra, với cung đường đua 77,1km ôm trọn khu bảo tồn, anh hy vọng sẽ truyền đến thông điệp về môi trường.

Giải đấu địa hình có nhiều yếu tố “sình lầy”. Ảnh: NVCC

Anh tâm sự “Mục đích và ý nghĩa của mùa giải MADA Championship 2022 lần này, tôi muốn truyền tải thông điệp bảo vệ thiên nhiên và khu bảo tồn khỏi những tác hại xâm phạm của kinh tế khi đè lên khu vực này, điển hình là đang có dự thảo xây dựng cầu Mã Đà để mở rộng và nối tuyến đường Quốc lộ 13C đi qua vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai”.

Mọi công tác chuẩn bị cho giải đua xe đạp địa hình được anh Hoàng đặt yếu tố an toàn lên cao nhất. Anh cho biết mình đã kết nối với đội cứu hộ, sơ cứu y tế và tự tìm đường đua đảm bảo yếu tố hoang dã, sình lầy mà vẫn an toàn cho người tham gia. Nhớ lại những đêm 9, 10 giờ tối vẫn còn ở trong rừng để vạch đường, đánh dấu chặng đua, anh thầm cảm ơn môn thể thao đã cho anh nhiều trải nghiệm khó quên này.

Các vận động viên tham gia giải đua trong rừng Mã Đà. Ảnh: NVCC

“Ở trong rừng sâu tôi cảm thấy mình được gột sạch và thả lỏng, tôi yêu thích mùi rừng, âm thanh tự nhiên, cùng tiếng nhạc du dương phát ra từ loa điện thoại. Đi nhiều thành quen nên tôi không cảm thấy sợ”, anh bày tỏ.

Giải đấu MADA Championship những năm trước. Ảnh: NVCC

Trong tương lai, anh Hoàng dự định sẽ tìm thêm nhiều cung đường núi địa hình đẹp ở Việt Nam để tạo ra giải đấu xe đạp, lớn hơn nữa là mang tầm Châu Á để người chơi hệ phong trào có thể tiếp cận với nhiều sân chơi chuyên nghiệp và có tính thử thách cao.

An Phú

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Huế sẽ có 1.000 xe đạp công cộng trong năm 2024

0
(SGTT) - Thành phố Huế vừa đưa vào hoạt động trở lại hệ thống xe đạp công cộng với 200 xe, với 7 trạm...

Gặp nữ hướng dẫn viên U70 đạp xe trong 34 ngày...

0
(SGTT) - Ở tuổi 65, chị Dương Minh Phượng, hiện là hướng dẫn viên du lịch tiếng Nhật, chọn gắn bó với chiếc xe...

TPHCM: Hàng trăm người cùng đạp xe cổ vũ phát triển...

0
Sáng 8-4, hàng trăm người đã có mặt tại Nhà hát TPHCM (quận 1) để tham gia đạp xe diễu hành qua nhiều tuyến...

Bóng hồng đạp xe 24 tiếng không ngủ, chinh phục thành...

0
(SGTT) – Vừa kết thúc hành trình đạp gần 550km vào chiều chủ nhật vừa qua, chị Bùi Thị Phúc (32 tuổi), sinh sống...

U70 đạp xe du lịch Đông Nam Á hàng trăm lần,...

0
(SGTT) – Từ chuyến đi đầu tiên ra nước ngoài bằng xe đạp năm 2007, qua 15 năm, ông Lê Văn Mãnh ở tuổi...

‘Nóng’ trở lại những đường đua, đường chạy sau dịch

0
Sau thời gian gián đoạn vì dịch bệnh, loạt giải chạy bộ, đua xe dành cho vận động viên phong trào đã quay trở...

Kết nối