Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Tránh dùng những thực phẩm thừa sau đây nếu không muốn mang họa

(SGTT) – Đồ ăn còn thừa ngày hôm trước có thể là cứu cánh cho bạn có một buổi ăn sáng nhanh, gọn nhưng cũng là tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe nếu bạn không rõ về nó. Cùng điểm qua 11 loại thực phẩm sau không nên sử dụng nếu bạn để chúng ở ngoài nhiệt độ bình thường trong thời gian dài hoặc để qua đêm.

Quả trứng

Nữ tiến sĩ Kantha Shelke, Chủ tịch Công ty Nghiên cứu và Khoa học thực phẩm Corvus Blue LLC (Mỹ), cho biết: “Trong trứng thường chứa salmonella, một loại vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng đường tiêu hóa”. Nếu bạn để trứng sau khi đã chế biến ở ngoài nhiệt độ phòng trong một thời gian dài sẽ khiến những vi khuẩn có hại sinh sôi. Chính vì vậy, bạn không nên để dành loại thực phẩm này sau khi đã chế biến. Chưa kể, giá bán của trứng không quá mắc nên bạn có thể chọn lựa cách thức chế biến và dùng hết một lần.

Củ dền

Theo các nghiên cứu khoa học, bao gồm một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Y học Thể thao (Anh Quốc), cho thấy oxit nitric trong củ dền có thể giúp bạn tăng cường độ bền sức khỏe khi tập luyện cũng như giúp tăng huyết áp. Nhưng những hợp chất này lại phản ứng với nhiệt kém. Tiến sĩ Kantha Shelke, cho biết khi thực phẩm giàu nitrat đã được nấu chín, nếu không được giữ lạnh đúng cách rồi đem hâm nóng lại, nitrat có thể chuyển hóa thành nitrit, rồi thành nitrosamine, một hoạt chất có thể gây ung thư. Vì vậy, thường xuyên ăn củ dền hâm nóng lại sẽ không có lợi cho sức khỏe.

Khoai tây

Mặc dù khoai tây được nấu sôi lâu hơn trứng nhưng chúng vẫn có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn khi để ở ngoài nhiệt độ phòng quá lâu. Cụ thể nếu để lâu thì vi khuẩn clostridium botulinum (độc tố gây tê liệt thần kinh) sẽ có cơ hội sinh sôi và phát triển mạnh hơn. Qua đó, gây ngộ độc cho người dùng nếu ăn phải.

Rau chân vịt

Giống như củ dền, rau chân vịt (bina) là một loại thực phẩm giàu nitrat thường được dùng chế biến cùng các món ăn chính. Để tránh chuyển hóa nitrat trong loại rau lá xanh này thành nitrosamine có khả năng gây ung thư, bạn có thể ăn rau bina sống hoặc áp chảo nhanh. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2015 trên tạp chí Nghiên cứu Nhi khoa (Thổ Nhĩ Kỳ), cũng lưu ý bạn rằng nitrit, một sản phẩm phụ khác của quá trình đun nóng thực phẩm giàu nitrat, không an toàn cho trẻ dưới sáu tháng tuổi. Loại rau này thường được các bà mẹ xay với các loại thực phẩm khác để chế biến đồ ăn dành cho trẻ em. Chính vì vậy hãy đảm bảo rằng bạn không nên đun loại rau này lâu nếu cho trẻ dùng.

Sữa mẹ

Sữa mẹ là nguồn thực phẩm tự nhiên tốt nhất cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ giai đoạn sơ sinh, nhưng một nghiên cứu trên tạp chí khoa học PLoS One (Mỹ), đã chỉ ra rằng hâm nóng sữa mẹ là điều tối kỵ. Lý giải điều này, tiến sĩ Kantha Shelke, cho rằng khi trẻ bú, nước bọt của trẻ có thể khiến bình sữa bị ô nhiễm. Vì vậy, sữa có thể biến thành nơi sinh sản của vi khuẩn có trong nước bọt nếu được hâm nóng lại.

Cơm nguội

Trong những năm 1970, một số vụ bùng phát ngộ độc thực phẩm liên quan đến cơm nguội đã làm mọi người hiểu rằng cơm chứa một loại vi sinh vật gọi là bacillus cereus sinh sôi ở nhiệt độ phòng. Vì vậy, nếu còn thừa cơm, bạn hãy cất vào tủ lạnh một cách nhanh chóng. Nói chung, các nguyên tắc về an toàn thực phẩm khuyến khích giữ thực phẩm nóng (trên 60°C) hoặc lạnh (5°C trở xuống) nếu bạn không ăn trong vòng hai giờ.

Thịt gà

Giống như trứng, thịt gà sống có xu hướng chứa vi khuẩn salmonella và thời gian cộng với nhiệt độ thấp là nguyên nhân dẫn đến thảm họa khi những vi khuẩn này sinh sôi. Cách tốt nhất để tránh điều này là đảm bảo nhiệt độ bên trong thịt gà phải đạt 75°C. Lò vi sóng không phải lúc nào cũng làm nóng đều hoặc tốt như các phương pháp nấu nướng khác. Chính vì vậy, nếu bạn có sử dụng lò vi sóng thì nhớ lật thịt và đừng hâm nóng món thịt này lại nhiều lần. Thay vào đó, hãy chế biến món salad gà và dùng hết một lần.

Dầu ép lạnh

Dầu hạt lanh, dầu ô liu, dầu hạt cải và các loại dầu hạt khác rất giàu chất béo omega-3 và chất béo không bão hòa khác, đem lại một số lợi ích cho sức khỏe. Nhưng có một điểm đáng chú ý là chúng cũng rất nhạy cảm với nhiệt độ. Tiến sĩ Kantha Shelke nói: “Việc đun và hâm nóng lại những thực phẩm có chứa các loại dầu này có thể khiến chúng không ổn định và bị ôi thiu”. Vì vậy, mọi người nên lựa chọn các loại dầu ăn phù hợp với từng cách chế biến thức ăn.

Thức ăn nhiều dầu mỡ

Có thêm một lý do khác để tránh hâm nóng thức ăn nhiều dầu mỡ, chẳng hạn như khoai tây chiên. Đó là khi đun nóng trong lò vi sóng có thể khiến dầu bốc khói quá mức an toàn. Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2012 trên tạp chí Hóa học Thực phẩm (Mỹ), khi điều đó xảy ra, nó có thể tạo ra khói độc có hại cho sức khỏe của bạn.

Đồ ăn tự chọn

Lý do mà các nhà hàng phục vụ món ăn theo hình thức buffet không cho phép thực khách mang đồ ăn về không phải chỉ vì họ không muốn bị lỗ. Theo tiến sĩ Kantha Shelke thì khay đựng đồ ăn buffet không đủ nóng để có thể tiêu diệt các loại vi khuẩn có hại cho sức khỏe trong khi đồ ăn bày ở ngoài trong thời gian dài. Vì vậy, bạn hãy ăn thỏa thích tại các nhà hàng buffet hay bữa tiệc tự chọn tại nhà. Không nên nghĩ đến việc để dành đồ ăn đó cho ngày hôm sau.

Hải sản

Ăn cá tươi thường tốt cho sức khỏe nhưng với điều kiện chúng phải thật sự tươi sống. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, vi khuẩn có thể gây bệnh cho con người phát triển rất nhanh ở nhiệt độ ấm (từ 5°C-60°C). Kể cả nhiệt độ môi trường xung quanh phòng cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của vi khuẩn. Để an toàn, bạn không nên để hải sản bên ngoài tủ lạnh quá hai giờ (hoặc hơn một giờ khi nhiệt độ bên ngoài trên 32°C).

Thanh Thảo

Theo The Healthy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tháng 3, cả nước có gần 400 người bị ngộ độc...

0
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, riêng trong tháng 3-2024, cả nước xảy ra sáu vụ ngộ độc thực phẩm, khiến...

Lập 5 đoàn liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm

0
(SGTT) - Các bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương sẽ lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành công...

Thực phẩm chiên rán sẽ được ghi thêm thông tin chất...

0
(SGTT) - Từ 15-2 tới đây, với sản phẩm là nước giải khát, sữa chế biến mà cho thêm đường thì cần ghi thêm...

Sở An toàn thực phẩm đầu tiên của cả nước hoạt...

0
(SGTT) - UBND TPHCM vừa tổ chức hội nghị công bố thành lập Sở An toàn thực phẩm. Bà Phạm Khánh Phong Lan được...

Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm thời điểm cuối...

0
(SGTT) - Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung...

Sở An toàn thực phẩm TPHCM bắt đầu hoạt động từ...

0
(SGTT) - Hội đồng nhân dân TPHCM đã thông qua nghị quyết về thành lập Sở An toàn thực phẩm TPHCM. Thời gian hoạt...

Kết nối