(SGTT) – Khách đã đi du lịch trở lại nhưng thay vì “book tour” qua các doanh nghiệp lữ hành thì tự lái xe gia đình đi, họ thuê xe hoặc mua vé xe khách. Doanh nghiệp lữ hành do đó vẫn chưa dám đặt kỳ vọng nhiều vào mùa du lịch dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
- Tỷ lệ đặt phòng ở các khách sạn gần TPHCM tăng cao trong dịp tết dương lịch
- Ngành du lịch chào đón năm 2021 bằng sự đợi chờ
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt với Sài Gòn Tiếp Thị.
SGTT: Số liệu thống kê của các địa phương trong dịp tết tây vừa qua đều ghi nhận số lượng khách du lịch đến nghỉ ngơi tham quan đều tăng mạnh. Đây có phải là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của ngành du lịch trong năm mới 2021 không, thưa ông?
Tôi có đi Phan Thiết trong dịp nghĩ lễ tết dương lịch vừa rồi và theo thông tin từ một số bạn bè trong ngành cho biết, du khách đổ về các khu du lịch xung quanh TPHCM khá đông. Mặc dù một số cơ sở lưu trú còn phải đóng cửa nhưng các nơi cung cấp dịch vụ cao cấp vẫn hết phòng.
Số lượng khách du lịch đã tăng lên rất đông, đương nhiên không bằng với con số trước khi xảy ra dịch Covid-19, nhưng theo tôi nhận định, cơ cấu khách du lịch đã thay đổi rất nhiều.
Trong đó, lượng khách đông nhất là những người tự đi, tự lái xe đi hoặc thuê xe, mua vé xe đò. Lượng khách thông qua các công ty du lịch rất ít. Mà doanh nghiệp càng lớn càng vắng khách.
Bạn thấy đó, các loại xe đò, xe khách hiện nay rất tiện lợi, trang bị thiết kế nội thất hiện đại, khách hàng chỉ cần gọi điện là sẽ đến nơi đón rồi đưa đến tận cổng khu du lịch, khách sạn. Điều này có nghĩa là phương tiện di chuyển hiện nay đã rất thuận tiện để cho người dân tự đi du lịch trong trường hợp cần thiết.
Tôi khảo sát sơ sơ cũng thấy rằng, tất cả các hãng xe chở khách đến những tỉnh du lịch gần TPHCM đều hết vé.
Thế nhưng, khách của nhóm các công ty lớn lại không bao nhiêu. Thậm chí, có doanh nghiệp còn không đón được đoàn khách nào cả. Do đó, vẫn rất khó để nói về triển vọng của ngành du lịch trong vài tháng tới!
SGTT: Nghĩa là, du khách đã trở lại với du lịch nhưng số lượng khách cao cấp, chịu chi vẫn còn rất khiêm tốn, có phải không thưa ông?
Không hẳn là như vậy! Như tôi đã nói, số lượng người dân đi du lịch trở lại đã tăng lên, những người trước đây chọn đi du lịch nước ngoài trong những kỳ nghỉ lễ thì nay họ chấp nhận đi du lịch trong nước và chịu chi để được sử dụng những dịch vụ cao cấp.
Tôi nhận thấy những resort cao cấp lại dễ bán hơn là những nơi có chất lượng thấp hơn. Vì sau dịch, giá dịch vụ của đã giảm, trong khi khi khách hàng cao cấp không muốn đến những chỗ đông người. Họ vẫn ưu tiên yếu tố an toàn trước dịch bệnh cho bản thân và gia đình nên thường chọn những cơ sở lưu trú cao cấp.
SGTT: Vậy, ông đánh giá tình hình kinh doanh của ngành du lịch trong mùa Tết Nguyên đán sắp tới sẽ như thế nào? Doanh nghiệp có đặt nhiều kỳ vọng để tăng trưởng doanh thu trong dịp này?
Không ai dám nhận định hay dự báo gì về triển vọng thị trường trong mùa tết năm nay, vì tình hình kinh doanh lẫn dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Một điều có thể nhìn thấy là năm nay, các doanh nghiệp không dám mua trước vé máy bay hay đặt chỗ các dịch vụ cho mùa tết. Vì nếu có chuyện gì xảy ra thì rất khó xử lý. Đó là chưa kể, giá cả các dịch vụ dịp này cũng đã “nhảy loạn xạ”, rất khó đoán.
Mọi năm, thời điểm này, hoạt động tiệc tất niên, “year-end party” diễn ra rầm rộ, cũng chính là mùa làm ăn của các công ty du lịch. Thế nhưng, không khí năm nay vẫn đang “im ắng”.
Để kích thích nhu cầu du lịch dịp cuối năm, theo tôi biết, một số doanh nghiệp ngành lữ hành có tiềm lực về tài chính còn sẵn sàng “bán nợ tour” cho khách, hoặc cho khách trả góp, trả chậm…
Ngay tại Lửa Việt của chúng tôi, hồi cuối năm 2020 cũng đã tổ chức một loạt các chương trình kích cầu, mời khách hàng đi du lịch miễn phí để lan tỏa cảm hứng xê dịch.
Thế nhưng, vừa có vài khách đến “book” dịch vụ thì lại có thêm ca Covid-19 mới hoặc có những động tĩnh bất thường nào đó từ thị trường, khách lại hủy. Có những doanh nghiệp còn mua dịch vụ rồi nhưng cứ lùi thời gian tổ chức. Lùi mãi rất khó cho doanh nghiệp lữ hành nhưng cũng phải chịu!
SGTT: Có một thống kê gần đây cho thấy, xu hướng du lịch trong năm mới sẽ là những điểm đến gần gũi với thiên nhiên, du lịch trải nghiệm. Theo ông, doanh nghiệp đã thay đổi như thế nào để thích ứng với xu hướng du lịch mới này?
Qua ghi nhận trong dịp tết dương lịch vừa qua, tôi thấy rằng, khách hiện nay sẽ không đi chơi quá xa nơi họ ở. Vì nếu có vấn đề gì xảy ra một cách khẩn cấp ví dụ phát hiện thêm 1 ca nhiễm mới ở nơi nào đấy, họ có thể nhanh chóng và dễ dàng trở về nơi sinh sống thay vì bị mắc kẹt ở bên ngoài.
Xu hướng du lịch tại chỗ cũng đang phát triển mạnh mẽ. Ví dụ như trong ba ngày nghỉ lễ vừa qua, Sở thú TPHCM rất đông khách, các du thuyền trên sông Sài Gòn cũng không còn vé trong đêm 31-12, thậm chí các doanh nghiệp kinh doanh du thuyền cho rằng họ không đủ phương tiện để phục vụ nhu cầu của khách trong những ngày lễ.
Riêng về xu hướng du lịch canh nông hay du lịch xanh, hướng về thiên nhiên, đây là xu hướng tất yếu của thế giới. Bình thường con người đã có xu hướng hướng về thiên nhiên. Dịch Covid-19 khiến người ta phải sống chậm hơn, gần gũi với thiên nhiên hơn nên du lịch canh nông sẽ là ưu tiên được lựa chọn.
Mà cũng đúng thôi hầu hết các danh lam thắng cảnh đẹp đều ở vùng nông thôn. Xu hướng du lịch trong bài năm tới là những nơi càng hoang sơ, vắng vẻ, càng thu hút khách!
Điều đáng buồn là, tôi cho rằng, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng và chuẩn bị chưa đủ kỹ để thích ứng với tình hình mới. Ví dụ như, khi tôi đi giao gạo (ông Mỹ và các cộng sự làm thêm nhiều việc khác trong thời gian ngành du lịch phải đóng cửa vì dịch Covid-19 – PV), có người hỏi tôi, nếu có 24 giờ hay 48 giờ… ở TPHCM, “họ sẽ làm gì để có ấn tượng thú vị nhất về thành phố này?” Câu trả lời vẫn chưa thực sự làm hài lòng du khách.
Xin cám ơn ông!
Nam Bình – Minh Hoàng thực hiện