Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

TPHCM: ‘Đã tai, đã mắt’ với bảo tàng được số hóa

(SGTT) – Khám phá bảo tàng là con đường ngắn nhất để tìm hiểu về con người, văn hóa, lịch sử của đất nước. Không đơn thuần là quan sát hiện vật, tư liệu theo cách truyền thống, bảo tàng tích hợp công nghệ số cho phép khách tham quan được tiếp nhận thông tin đa phương tiện.
Mất chỉ 2 giây là có thể hoàn thành quét mã trên điện thoại, dễ dàng xem và nghe tư liệu tác phẩm tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Ảnh: Tuyết Nhi

“Soi” hiện vật bằng mã QR

Mã QR giúp khách tham quan tiếp cận rộng hơn, sâu hơn những tư liệu về một hiện vật bất kỳ, khi mà không gian có hạn của bảo tàng không thể chuyển tải hết. Khách tham quan có thể sử dụng các ứng dụng có quét mã bất kỳ của điện thoại thông minh để quét mã QR.

Bảng giới thiệu tính năng quét mã xuất hiện ngay cửa vào phòng tranh. Ảnh: Tuyết Nhi
Mã QR gắn bên dưới hiện vật, cho khách tham quan những thông tin nhanh, sâu rộng, đa phương tiện. Ảnh: Tuyết Nhi

Ghi nhận ở 2 phòng tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, tọa lạc tại số 97 Phó Đức Chính, Quận 1, bên dưới mỗi tác phẩm hội họa đều có gắn mã. Sau khi quét, mất khoảng 2 giây là các thông tin về xuất xứ, tác giả, hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm được hiện lên trên màn hình.

Tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam, tọa lạc tại số 2 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Quận 1, mã QR có sự “phủ sóng” nhiều hơn. Hàng chục ngàn hiện vật được trưng bày tại đây đều có gắn mã QR.

Thông tin chi tiết về các giai đoạn lịch sử, văn hóa từng dân tộc cùng được “thu bé lại” chỉ bằng các ô mã QR. Ảnh: Tuyết Nhi

Bảo tàng lịch sử Việt Nam còn lắp đặt thêm thiết bị màn hình chạm tại các phòng để khách tham quan khám phá sâu hơn về những hiện vật, giai đoạn lịch sử, các cuộc kháng chiến… Hiện tại, Bảo tàng lịch sử có 18 phòng thì có 10/18 phòng đã được trang bị màn hình chạm. Như một kho tư liệu thu nhỏ, các thiết bị này khi được đặt ở phòng nào thì chứa sẽ chứa nội dung liên quan đến chủ đề phòng đó với những video, hình ảnh, câu chuyện, biểu đồ liên quan có tính tương tác cao giúp du khách có thông tin đầy đủ hơn về những hiện vật được trưng bày.

Video trên màn hình chạm được chọn lọc sẵn, có thể điều khiển linh động bằng tay. Ảnh: Tuyết Nhi

Lướt màn hình để đọc các thông tin chi tiết về triều đại nhà Nguyễn, anh Lý Minh Triết, 22 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức, chia sẻ “Cảm ứng của màn hình khá nhạy, có thể phóng to thu nhỏ tùy ý. Điểm ấn tượng nhất là có thể xem thuyết minh trực tiếp bằng các đoạn video có sẵn. Vừa xem hiện vật, vừa nghe thuyết minh và đọc tư liệu bằng màn hình chạm giúp tôi nắm hết thông tin rất nhanh”.

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tại 202 Võ Thị Sáu, Quận 3 cũng khuyến khích khách tham quan cài đặt ứng dụng “Bảo tàng PNNB” để tham quan phòng trưng bày “Chân dung bà mẹ Việt Nam anh hùng miền Nam và TPHCM”. Khi sử dụng ứng dụng và đứng cách hiện vật tầm 1 mét, các thông tin liên quan đến hiện vật được hiển thị, khách tham quan có thêm trải nghiệm tương tác mới lạ.

Không chỉ là giải pháp tức thời

Hai năm gặp khó vì đại dịch, các bảo tàng đã chuyển mình, áp dụng công nghệ số cho việc tham quan từ xa như ứng dụng bảo tàng ảo, 3D tour, trình chiếu hiện vật trên website. Thời điểm hiện tại, để giải bài toán vắng khách, những trải nghiệm kết hợp ảo-thực lên ngôi giúp hình thức du lịch di sản, văn hóa này đến gần hơn với khách tham quan. Trong đó, các ứng dụng tương tác, màn hình chạm, thiết bị thuyết minh đã giúp khách tham quan đào sâu hơn vào di sản qua lăng kính thị giác.

Khách nước ngoài cũng tiếp cận thông tin dễ dàng, khi các ứng dụng số này có thể tùy chọn về ngôn ngữ.

Màn hình chạm là kho tư liệu mở, không giới hạn, kết hợp hiệu quả giữa âm thanh, hình ảnh và văn bản. Ảnh: Tuyết Nhi

Anh Lê Ngọc Hải, đã làm việc 5 năm tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam, cho biết trước đây, không có phát thanh viên thuyết minh, du khách chỉ có thể xem những dòng mô tả ngắn ngủi bên dưới hiện vật. Hiện nay, các công nghệ mới sẽ giúp hành trình khám phá bảo tàng trở nên khác biệt hơn. “Trong thời gian tới, bảo tàng Lịch sử Việt Nam sẽ ứng dụng thêm các robot hướng dẫn bên trong bảo tàng. Cùng với đó, sẽ có thêm nhiều màn hình chạm được lắp đặt”, anh Hải nói.

Người tham quan hiểu thêm về hiện vật khi nghe phát thanh, xem video trên TV tại phòng thuyết minh. Ảnh: Tuyết Nhi

Bảo tàng số hóa đã khiến gần đây, nhiều bạn trẻ hứng thú hơn với các chuyến thăm bảo tàng của thành phố. Thay vì đến những điểm vui chơi giải trí hiện đại khác, nhiều người chọn bảo tàng làm điểm đến dịp cuối tuần. Tại bảo tàng, người dân chụp ảnh check-in, tìm kiếm tư liệu, cùng với đó là hiểu thêm những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Nhiều người kỳ vọng rằng, sẽ ngày càng có thêm nhiều sự thay đổi đột phá, để du khách vừa tiếp thu được kiến thức mới, đồng thời tìm thấy niềm vui, sự hấp dẫn khi chọn bảo tàng là điểm đến cuối tuần.

Tuyết Nhi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bảo tàng chờ dòng vốn đầu tư để gia tăng sức...

0
(SGTT) - Nhiều bảo tàng công lập và tư nhân ở TPHCM trải qua một năm 2023 đáng nhớ với nhiều hoạt động nghệ...

Giám tuyển nghệ thuật: Hấp dẫn, mới mẻ và đầy thách...

0
(SGTT) - Việc nhà đấu giá nổi tiếng Sotheby’s tổ chức 2 cuộc triển lãm trong 2 năm liên tiếp tại TPHCM, với sự...

Bảo tàng Áo Dài – gìn giữ văn hóa cổ truyền...

0
(SGTT) – Cách trung tâm thành phố khoảng 30km, tọa lạc trên cù lao phường Long Phước, TP Thủ Đức, trong quần thể không...

Một ngày khám phá Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

0
(SGTT) - Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam nằm trong khuôn viên Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thuộc quận...

Bảo tàng vẫn loay hoay với bài toán nhân lực và...

0
Lần lượt mở cửa đón khách tham quan sau những ngày tháng đình trệ và gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, các...

Triển lãm “Họa Duyên Tương Ngộ”: chuyến hồi hương của cố...

0
(SGTT) – Bên dòng sông Sài Gòn, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Trần Phúc Duyên (1923-1993), Phạm Lê Collection kết...

Kết nối