Cho đến thời điểm này, hệ thống xe buýt sân bay Tân Sơn Nhất đã có nhưng việc tổ chức hoạt động vẫn có nhiều chuyện để nhà khai thác dịch vụ xem lại và tìm cách thay đổi. Chừng nào việc này chưa được cải thiện thì chưa thể thuyết phục hành khách thay đổi thói quen “bắt taxi cho lẹ” và cảnh ùn tắc ngổn ngang ở sân bay nhộn nhịp như Tân Sơn Nhất vẫn diễn ra.
- Khởi công dự án xây dựng sân bay Phan Thiết vào năm 2023
- Xe buýt sân bay vẫn còn nhiều bất tiện với hành khách
- 31 sân bay quốc tế và nội địa sẽ nằm tại các địa phương nào?
Cứ đến những dịp như lễ, tết thì hành khách lại ngao ngán trước cảnh kẹt xe ở các con đường dẫn về sân bay Tân Sơn Nhất. Nhiều người bị trễ chuyến bay, phải hủy vé, vì không thể “tiếp cận” được cửa sân bay.
Nguyên nhân chính là lượng xe cá nhân đưa đón thân nhân tăng đột biến, bên cạnh việc taxi và xe hợp đồng vận chuyển cũng lũ lượt đổ về sân bay phục vụ nhu cầu hành khách lúc cao điểm.
Nhiều người đặt câu hỏi, vậy xe buýt – phương tiện giao thông công cộng có thể góp phần tháo gỡ căng thẳng thì đang ở đâu? Vì sao TPHCM có xe buýt sân bay nhưng khách hàng lại chưa lựa chọn, trong khi mô hình này đã hoạt động khá hiệu quả tại Hà Nội, Đà Lạt hay Nha Trang?
Nếu đặt phép so sánh, có thể thấy một số khác biệt đáng lưu ý tác động tới tâm lý hành khách khi lựa chọn phương tiện di chuyển đến và đi từ sân bay.
Trước hết, điểm khác biệt cơ bản là khoảng cách từ sân bay Tân Sơn Nhất vào nội thành TPHCM gần hơn so với khoảng cách từ sân bay Nội Bài, sân bay Cam Ranh hay Liên Khương vào nội đô Hà Nội, Nha Trang hay Đà Lạt.
Thế nên, người từ sân bay Tân Sơn Nhất vẫn có tâm lý gọi taxi cho tiện. Họ không phải chi tiền quá nhiều khi chọn dịch vụ taxi để mua sự chủ động. Trong khi đó, từ sân bay Nội Bài đi trung tâm Hà Nội hay ngược lại, nếu hành khách không đi xe buýt thì cước trả cho dịch vụ taxi sẽ rất cao. Điều này dẫn đến việc đa số hành khách chọn xe buýt như một phương tiện trung chuyển đường dài, và sau khi đã vào nội đô thì họ có thể chọn taxi để đến các địa điểm cần đến.
Một lý do khác, đó là tần suất hoạt động xe buýt tại sân bay Tân Sơn Nhất chưa cao và việc tổ chức điểm đón rước chưa đảm bảo sự thuận tiện cho hành khách.
Là một thành phố kinh tế trọng điểm phía Nam, mỗi ngày có gần 750 chuyến bay, lượng khách gần 100.000 người/ngày mà chỉ có hai tuyến xe buýt từ sân bay đi vào nội đô (tuyến 152 nối Tân Sơn Nhất với khu Trung Sơn và tuyến 721 nối Tân Sơn Nhất với bến xe Vũng Tàu) thì rõ ràng là quá thiếu so với nhu cầu.
Gần đây, tuyến 103 (Chợ Lớn – Ngã Tư Ga) đã có điểm ghé sân bay Tân Sơn Nhất và tuyến 109 đi từ sân bay vào trung tâm thành phố cũng được đưa vào khai thác; xe buýt Phương Trang cũng đã hoạt động với xe chất lượng khá tốt, nhưng như vậy cũng vẫn còn quá ít so với quy mô triển khai hướng, tuyến giao thông ở một thành phố lớn.
Các chuyên gia giao thông cho rằng cần có 20 tuyến xe buýt sân bay đảm bảo lịch trình ổn định thì mới phục vụ tốt nhu cầu hành khách. Nhưng cũng cần phải nhìn nhận thêm rằng, vấn đề cần tháo gỡ không chỉ là số lượng tuyến mà dịch vụ xe buýt sân bay phải trả lời cho được câu hỏi về hành vi, tâm lý của hành khách.
Bên cạnh đó, dịch vụ tại các quầy vé, thông tin phát hành vé đi và đến theo tuyến cố định rất cần được tổ chức bài bản, không bị các thông tin chào mời môi giới taxi làm nhiễu và du khách cảm thấy yên tâm nếu được xe buýt sân bay đưa đón. Có như thế thì mới có thể thuyết phục hành khách thay đổi thói quen “bắt taxi cho lẹ” và dẫn đến cảnh ùn tắc ngổn ngang.
Ngoài ra, cũng cần xác định lại các tuyến trục giao thông chính có nhu cầu cao để mở những tuyến xe buýt cố định từ sân bay đến các trạm trung chuyển Thủ Đức, Thảo Điền, Hóc Môn, Bình Chánh hay Nam Sài Gòn, bên cạnh việc xác lập một tuyến tần suất cao đi vào khu trung tâm Bến Thành. Các tuyến này nên theo hình thức dịch vụ xe buýt chuyên dụng chất lượng cao, lịch trình ổn định, đáp ứng nhu cầu khách đến, đi từ sân bay.
Vì vậy việc tổ chức mạng lưới xe buýt sân bay rất cần được làm một cách chăm chút và chuyên nghiệp, bởi điều này phần nào mang lại ấn tượng cho một thành phố hiện đại, văn minh giữa lúc vì nhiều điều kiện riêng của phát triển, TPHCM chưa có hệ thống hạ tầng metro, tàu điện ngầm tương tự các thành phố khác trong khu vực, như Bắc Kinh, Bangkok hay Singapore…
Với chất lượng dịch vụ tốt, đảm bảo tiện ích đi lại thì chắc chắn hành khách Tân Sơn Nhất có thể trả chi phí cao hơn giá vé hiện nay để có đủ sự yên tâm bước lên xe buýt. Nhà khai thác dịch vụ ngoài việc tìm kiếm cơ chế đảm bảo hoạt động hiệu quả, tháo gỡ những bất cập, thì cũng cần một sự thăm dò, tìm hiểu nhu cầu và hành vi tiêu dùng của khách hàng để việc triển khai không nhất thiết phải ồ ạt nhưng thực sự mang lại hiệu quả.
Chuyện chỗ ngồi ở nhà ga Tân Sơn NhấtTại khu vực phòng chờ trước giờ ra máy bay, đông đặc hành khách. Các dãy ghế ngồi chờ, nhiều hành khách phải đứng hoặc… ngồi chồm hổm. Tréo ngoe là trong những lúc như vậy, người ta vẫn có thể nhìn thấy có nhiều túi xách, vali “chễm chệ” trên những chiếc ghế dành cho người ngồi; hoặc đây đó vẫn có những hành khách nằm dài – một mình chiếm mấy cái ghế…Mới đây, tôi ở nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất chờ lên chuyến bay ra Quảng Nam. Khi thấy còn một ghế trống ở dãy ghế cuối phòng chờ, tôi định ngồi xuống thì nữ hành khách ngồi bên cạnh nói là chỗ đó đã có người rồi!Kéo hành lý đến một dãy ghế khác có nhiều túi hành lý, vali đang “nằm” trên ghế, tôi đề nghị hành khách bỏ hành lý cá nhân xuống phía dưới chân họ để xin một chỗ ngồi thì được nhận lại “ánh mắt mang hình viên đạn” cùng sự im lặng khó hiểu.Tôi biết có nhiều người cũng đã gặp những tình huống giống như tôi, đành phải đứng chờ cho tới giờ ra máy bay. Tình trạng này đã không còn là chuyện hiếm thấy. Nó cho thấy sự thiếu ý thức, lối cư xử kém văn minh, lịch sự của người xứ mình.Trong khi chờ đợi mọi người có ý thức hơn, thiết tưởng, việc nhắc nhở hành khách điều chỉnh hành vi ứng xử ở nơi công cộng cho phù hợp cũng là một phần việc nên được sân bay thực hiện thường xuyên hơn.Nguyễn Đước
Nguyễn An Nam
Theo Kinh tế Sài Gòn Online