Thứ hai, Tháng mười hai 9, 2024

Tiến sĩ văn hóa học và sự đau đáu với phát triển du lịch TPHCM

(SGTT) - Hiện đang là Trưởng khoa Văn hóa học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM), PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ còn được biết đến là một người đam mê du lịch và những đóng góp của anh đối với ngành "công nghiệp không khói" là rất đáng ghi nhận.

Triết lý kết hợp giữa du lịch và văn hóa

Khi còn là sinh viên của giảng đường đại học, anh Nguyễn Ngọc Thơ theo học ngành ngôn ngữ. Anh Thơ từng có hai bằng cử nhân Ngữ văn Anh và Trung Quốc học. Sau này, khi học lên Thạc sĩ, rồi Tiến sĩ, anh Thơ mới chuyển sang ngành Văn hóa học.

Trong suốt quá trình học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, anh Thơ đều chọn trường Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) là nơi nghiên cứu. Nhưng trong quá trình đào tạo, anh Thơ được học chuyên tu hai năm tại Trường Đại học Harvard (Hoa Kỳ) và hai năm học ở Trung Quốc, trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ ở trong nước.

Và sau khi học tiến sĩ xong, anh Thơ lại có thời gian đảm trách vai trò học giả nghiên cứu của các Trường ĐH Harvard (hai năm), ĐH Boston (hai năm), ĐH Brandeis (một năm).

Chính việc được đào tạo bài bản cộng với những trải nghiệm phong phú trong quá trình nghiên cứu và làm việc đã giúp PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ am hiểu rất sâu sắc cả về văn hóa lẫn du lịch.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ (thứ hai từ trái sang) tham gia một chuyến khảo sát ở Bình Dương. Ảnh: NVCC

PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ đã từng rất thành công khi trực tiếp sắm vai hướng dẫn viên du lịch, giúp du khách tìm hiểu lịch sử văn hóa TPHCM và vùng đất Nam Bộ. Những kiến thức uyên bác của anh Thơ về các điểm đến văn hóa như: miếu Tuệ Thành, đình Minh Hương ở quận 5, chùa Ngọc Hoàng ở quận 1, lăng Tả quân Lê Văn Duyệt ở quận Bình Thạnh (TPHCM) hay chùa Bà, chùa Hội Khánh, chùa Tây Tạng (Bình Dương) đã lôi cuốn du khách.

Họ háo hức nghe những câu chuyện về các tộc người Việt, người Hoa đầu tiên đặt chân đến mảnh đất đầy thử thách và cũng đầy hứa hẹn của phương Nam. Thậm chí, có những du khách đã từng gắn bó nhiều năm với những địa điểm này nhưng sau khi chăm chú nghe PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ dẫn giải, phân tích, ai cũng hồ hởi: “À, bây giờ mới biết”. Mỗi nét điêu khắc, mỗi bức tượng, mỗi màu sắc trước mắt đã hiển hiện lên một ý nghĩa mới.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ (thứ hai từ trái sang) tham gia chuyến khảo sát ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước). Ảnh: Quang Trí

Mới đây, tác giả bài báo cũng đã từng có dịp được trực tiếp tham gia tour trải nghiệm du lịch văn hóa ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước) với PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ.

Trong suốt hành trình trekking gần gũi với thiên nhiên, cũng như những kiến thức uyên thâm của PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ về các công trình kiến trúc ở khu vực bản địa, khả năng giao lưu văn hóa với người địa phương, sự am hiểu về văn hóa ẩm thực của người dân tộc S’tiêng với những món ăn hấp dẫn: canh thụt ống tre, bò nấu ống tre, cơm nướng ống tre, heo nướng ghém lá cây rừng…

PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ chia sẻ, anh quan niệm du lịch thiên về phương pháp, đề cao khả năng thuyết minh tốt, thưởng ngoạn tốt. Trong khi đó, văn hóa đề cao tâm hồn, chiều sâu về nội dung. Sự kết hợp giữa du lịch và văn hóa sẽ mang lại những trải nghiệm vô cùng thú vị đối với du khách cũng như bản thân.

Đau đáu với sự phát triển du lịch của TPHCM

Là chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa nhưng PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ cũng rất tâm huyết với sự phát triển của du lịch Việt nói chung, của TPHCM nói riêng. PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ tâm sự, nhiều bạn bè quốc tế đến TPHCM đã nói với anh rằng “TPHCM quê bạn thật có phúc. Sông Sài Gòn đẹp quá!”.

Trong thời gian qua, PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ cùng với các thành viên của khoa Văn hóa học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) đã tiến hành các cuộc khảo sát về những trầm tích lịch sử văn hoá miền đất này từ Bến Dược - địa đạo Củ Chi đến cụm các di sản văn hoá dân gian trung tâm Thủ Dầu Một (chùa Hội Khánh, chùa Tây Tạng, miếu Thiên Hậu, miếu Quan Đế…).

PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ (thứ hai từ phải sang) tại buổi hội thảo “Quy hoạch để phát huy tiềm năng và lợi thế sông Sài Gòn”. Ảnh: Nam Sơn

Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, đối với mỗi cư dân Sài Gòn - TPHCM và các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương thì sông Sài Gòn là dòng sông mẹ, ngày đêm miệt mài dâng nước và phù sa nuôi dưỡng một “miền đất phúc”. Hiện nay, đôi bờ sông Sài Gòn vẫn có làng mạc trù phú, xen lẫn với những khu đô thị mới mở đầy trang nhã, song có lẽ chúng hầu như không còn gắn với dòng sông.

“Miền đất phúc hình như đang lãng quên cái phúc của mẹ hiền. Có đi theo dòng sông mới thấy nó hào phóng. Có lắng nghe dòng sông mới thấy nó hiền hoà. Còn lắm điều phải làm để cái phúc của dòng sông tô thắm thêm cuộc sống của chúng ta”, PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ chia sẻ.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ phát biểu tại buổi hội thảo “Quy hoạch để phát huy tiềm năng và lợi thế sông Sài Gòn”. Ảnh: Minh Tuấn

Tại buổi hội thảo “Quy hoạch để phát huy tiềm năng và lợi thế sông Sài Gòn” do Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức hôm 22-4, PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ nêu ý kiến, TPHCM nhìn ra bờ sông, chứ không phải quay lưng lại với bờ sông. Đã đến lúc thành phố phải đưa ra phương châm, hay có thể gọi là triết lý chúng ta là một thành phố cảng, thành phố sông biển, phát triển dựa trên thế mạnh sông nước. Đặc biệt, những địa điểm như bến Bạch Đằng, ga tàu thủy Sài Gòn phải trở thành cảng hàng không trên mặt sông, là nơi gặp gỡ giữa hồn đô thị và hồn sông nước".

Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, TPHCM nên tập trung phát triển du lịch bằng những hoạt động kết nối giữa sông Sài Gòn với các sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ. Thông qua các tuyến du lịch gắn với dòng sông, người dân sẽ khai thác giá trị kinh tế gắn liền với dòng sông, đồng thời giáo dục chúng ta thêm tình yêu với các dòng sông.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ nhận xét: “Hiện nay, TPHCM mới chỉ là nơi trung chuyển đối với du khách nhờ hệ thống cảng hàng không, ga xe lửa, bến xe miền Đông, miền Tây…. Thành phố vẫn chưa khai khác du lịch nội tại một các hiệu quả, những tour trong ngày dành cho du khách tham quan các điểm đến như: Bảo tàng mỹ thuật, Bảo tàng chứng tính chiến tranh… vẫn còn khá đơn điệu".

PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ chụp ảnh lưu niệm nhân dịp tham gia buổi hội thảo “Quy hoạch để phát huy tiềm năng và lợi thế sông Sài Gòn”. Ảnh: Nam Sơn

Để phát triển du lịch TPHCM, PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ đề xuất mở rộng các chương trình du lịch ra vùng ven. Ví dụ như đối với tour trải nghiệm Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, các đơn vị lữ hành nên kết hợp cả hình thức du lịch đường bộ và đường thủy để du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp hai bên bờ sông, các làng mạc hình thành, những làng gốm sứ, địa điểm tôn giáo. Sự êm đềm của dòng sông Sài Gòn cũng rất phù hợp cho việc tổ chức các loại hình thể thao du lịch… Từ đó, sẽ xuất hiện các tour du lịch kéo dài nhiều ngày, đa dạng, phong phú thay vì tour ngắn ngày và vẫn còn khá đơn điệu như hiện nay.

Đinh Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối