Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Thiếu giáo viên dạy chương trình mới, nhiều trường phải ký hợp đồng thỉnh giảng

Năm học mới 2022-2023, nhiều trường học tại TPHCM thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy môn Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trước tình trạng này, các trường phải thỉnh giảng giáo viên từ đơn vị khác để đảm bảo có đủ thầy, cô đứng lớp. 

Theo ông Lưu Nguyễn Bỉnh Khoa, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM), vào năm học mới, đối với lớp 10, trường này có 16 lớp và 7 nhóm môn học. Nhóm môn được học sinh chọn nhiều nhất là Vật lý – Hoá học – Sinh học – Tin học, chiếm một nửa với 8 lớp học. Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh lớp 10 được tự do lựa chọn các nhóm môn học. Tuy nhiên, khi cho học sinh lựa chọn các nhóm môn học, sẽ có tình trạng giáo viên ít tiết dạy và ngược lại có những người lại bị thừa nhiều tiết dạy.

Nhà trường đã có hướng cân đối và bố trí các giáo viên. Theo đó, với môn Công nghệ, học sinh ít lựa chọn môn học này nên giáo viên sẽ được bồi dưỡng và chuyển qua dạy nội dung giáo dục địa phương hoặc hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Đáng nói hơn, dù năm nay, trường được giao tự chủ tuyển giáo viên nhưng hiện tại, đơn vị này vẫn đang thiếu giáo viên dạy môn Tin học, phải ký hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên từ trường khác.

Năm học này, Trường THPT Lê Quý Đôn không tổ chức dạy môn Mỹ thuật, Âm nhạc cho khối lớp 10. Lý giải về nguyên nhân tại sao không đưa hai môn Mỹ thuật, Âm nhạc vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ông Khoa cho biết, trên thực tế, nguồn giáo viên của trường từ trước đến nay chỉ đủ đáp ứng dạy theo chương trình của nhà trường. Tuy nhiên, trường sẽ tổ chức dạy cho học sinh một số môn năng khiếu như thanh nhạc, ngoại ngữ 2 (tiếng Pháp).

Tình trạng thừa và thiếu giáo viên vẫn tồn tại ở nhiều trường trên địa bàn TPHCM, đặc biệt là tình trạng thiếu giáo viên dạy các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022 – 2023. Ảnh: Minh Thảo

Tình trạng thiếu giáo viên dạy một số môn học theo chương trình giáo dục mới cũng xảy ra tại Trường THCS An Phú (thành phố Thủ Đức). Theo một lãnh đạo của nhà trường, trong năm học 2022-2023, đơn vị này gặp tình trạng thiếu giáo viên ở môn Tin học, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội vì chưa tuyển đủ số lượng biên chế. Để giải quyết tình trạng này, nhà trường đã phải xoay xở bằng cách thực hiện hợp đồng thỉnh giảng để đảm bảo có đủ giáo viên đứng lớp.

Trước thực trạng thiếu giáo viên dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm học 2022-2023, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, cho biết vào tháng 8 vừa qua, TPHCM đã hoàn thành việc tuyển giáo viên đợt 1. Trong đó với khối THPT, số lượng giáo viên dự thi là 454 người, trên tổng số nhu cầu là 296. Tuy nhiên, hiện ngành giáo dục thành phố vẫn đang thiếu nguồn tuyển ở một số môn học như Âm nhạc, Mỹ thuật và Tin học.

Đối với những trường thiếu giáo viên, theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, các trường sẽ thực hiện hợp đồng ngắn hạn đối với những bộ môn này.

Dự kiến, TPHCM sẽ tổ chức tuyển dụng bổ sung đợt 2 vào tháng 10- 2022, khi các trường vào giai đoạn ổn định về biên chế lớp và biên chế cơ cấu. Về nguồn tuyển giáo viên, TPHCM tuyển dụng giáo viên bậc mầm non, tiểu học, THCS và THPT từ các tỉnh, thành trên cả nước. Điều kiện giáo viên phải tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc các ngành liên quan, có giấy chứng nhận nghiệp vụ sư phạm.

Tuy nhiên, theo ông Minh, trong hai năm trở lại đây, trong vòng 1 (thi trắc nghiệm), những kiến tức liên quan đến giáo dục, tiếng Anh thì nhiều thí sinh dự thi bị rớt; đặc biệt rớt nhiều ở phần tiếng Anh (trình độ tiếng Anh bậc 2) để đáp ứng theo nghiệp vụ công việc. Vì vậy, điều này cũng gây khó khăn của ngành giáo dục thành phố.

Bên cạnh tổ chức tuyển dụng bổ sung giáo viên đợt 2 trong thời gian sắp tới, ngành giáo dục thành phố đang triển khai nhiều dự án xây dựng trường học mới để bổ sung thêm nguồn cơ sở vật chất còn thiếu, cũng như cùng Sở Nội vụ TPHCM thực hiện khảo sát nhu cầu nhà ở và thu nhập để xây dựng đề án giữ chân giáo viên.

Minh Thảo

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

‘Cối xay gió’ của một thầy giáo dạy văn

0
(SGTT) -  Bộ phim “Thầy dạy thay” cho thấy cuộc chiến đơn độc của một thầy giáo dạy văn trong thời hiện đại. Cuộc...

Rối ren ngay từ phụ huynh!

0
(SGTT) - Năm học mới bắt đầu. Cuộc họp phụ huynh bao giờ cũng đầy kịch tính. Nhưng kịch tính dù có cao trào...

TPHCM: Học sinh tiểu học thay đổi giờ đến lớp, sớm...

0
Trong năm học 2023-2024, đối với các lớp học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, thời gian vào tiết đầu tiên của buổi sáng...

Trao 1.000 phần quà trị giá 400 triệu đồng cho học...

0
(SGTT) - Nhân dịp chào đón năm học mới 2023-2024, Chi hội Doanh nhân trẻ TP Dĩ An thuộc Hội Doanh nhân trẻ Bình...

TPHCM: Đủ chỗ học cho học sinh trong năm 2023-2024

0
Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, dù năm học 2023-2024, số học sinh của thành phố tăng nhiều ở cấp học...

Ngành giáo dục TPHCM tuyển dụng 308 nhân sự cho năm...

0
Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM có thông báo khẩn số 3075/TB-SGDĐT về việc tuyển dụng viên chức năm học 2023-2024 đối với...

Kết nối