Trước những bất cập khi thực hiện cơ chế tự chủ của nhiều bệnh viện trong thời gian vừa qua, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ban hành đã khắc phục được nhiều vướng mắc liên quan đến thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
- Ba năm sau dịch Covid-19: Sự hồi sinh kỳ diệu từ những ngày ‘mưa bão’
- Nhiều ngành nghề ở Hàn Quốc cần tuyển dụng 12.000 lao động từ Việt Nam
Một trong những nội dung đáng chú ý trong quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 (gọi tắt là sửa đổi) được Quốc hội ban hành là các bệnh viện nhà nước được tự quyết định giá khám chữa bệnh theo yêu cầu. Ngoài ra, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tự chủ được tự chủ trong quyết định về tổ chức và nhân sự; thực hiện nhiệm vụ, phát triển các hoạt động chuyên môn, các hoạt động khác phục vụ khám bệnh, chữa bệnh. Những quy định này được nhiều bệnh viện cho rằng đã “cởi trói” hơn với so với các chính sách trước đây khi bệnh viện được quyết định về nhân lực, lương, giá dịch vụ…
Tự chủ để tạo dựng uy tín, thương hiệu
Việc tự chủ của bệnh viện công lập được xem như là phương thức để tăng cường hiệu quả hoạt động và chất lượng khám chữa bệnh. Sau nhiều năm thực hiện tự chủ bệnh viện, bên cạnh một số khó khăn, vướng mắc thì các cơ sở dịch vụ y tế bước đầu đã thu được một số kết quả nhất định trong việc bảo đảm tự chủ về tài chính, tổ chức bộ máy hoạt động hiệu quả hơn.
Trao đổi với KTSG Online, bác sĩ Nguyễn Thị Phan Thúy, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TPHCM, cho biết trong bối cảnh, nhiều cơ sở y tế nguồn thu không đủ chi nên nhiều đơn vị không còn mặn mà với cơ chế tự chủ tài chính, Bệnh viện Da liễu TPHCM vẫn thực hiện tốt hoạt động này.
Theo đó, từ năm 2015 đến nay, bệnh viện đã được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính và đảm bảo toàn bộ chi phí cho các hoạt động tổ chức. Trong suốt quá trình tự chủ, bệnh viện luôn chú trọng công tác quản lý kinh tế để đảm bảo nguồn thu nhập cho viên chức, người lao động nhưng vẫn có khả năng tái đầu tư và đảm bảo bệnh nhân có thể tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế; thậm chí chất lượng năm sau còn cao hơn năm trước.
Mỗi ngày bệnh viện này thường xuyên tiếp nhận từ 2.000 đến 2.500 bệnh nhân khám, điều trị cho các bệnh nhân tại TPHCM và cả 21 tỉnh, thành phố ở phía Nam. Vì vậy, khi bệnh viện được giao tự chủ hoàn toàn, “đơn vị đã đầu tư phát triển những dịch vụ cận lâm sàng, ứng dụng những kỹ thuật hiện đại, tiên tiến và phát triển thêm nhiều cái lĩnh vực mũi nhọn, chuyên sâu để đáp ứng với nhu cầu của xã hội như thẩm mỹ da, kỹ thuật thẩm mỹ nội khoa, da liễu cho người chuyển giới… từ đó hướng đến tạo dựng uy tín, thương hiệu của một bệnh viện chuyên sâu về bệnh da liễu và thẩm mỹ ở khu vực phía Nam”, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu TPHCM nói.
Tháo gỡ vướng mắc trong giá dịch vụ khám chữa bệnh
Nói về quá trình thực hiện cơ chế tự chủ, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM), cho biết từ năm 2016 đến nay, bệnh viện này hoạt động theo cơ chế tự chủ chi thường xuyên, tự đảm bảo các khoản chi thường xuyên như lương, các khoản góp theo tiền lương, hoạt động chuyên môn, phí quản lý…
Ưu điểm tự chủ tài chính là giúp bệnh viện chủ động hơn trong sử dụng các nguồn tài chính, có quyền điều tiết các khoản thu chi hiệu quả, tăng huy động vốn. Ngoài ra, bệnh viện cũng chủ động xây dựng được nguồn nhân lực phù hợp với mục tiêu, kế hoạch dài hạn; đồng thời chủ động trong công tác khám chữa bệnh, phát triển cơ sở y tế, đầu tư trang thiết bị từ nhiều nguồn vốn khác nhau, lãnh đạo của Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết.
Tuy nhiên, trước khi Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được ban hành, bệnh viện này gặp rất nhiều khó khăn do những vướng mắc về giá viện phí, chính sách tiền lương, cách thanh toán bảo hiểm y tế… Bác sĩ Khanh cho biết trước đây, cơ cấu giá khám chữa bệnh chỉ áp dụng đối với bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế chưa được tính đúng, chưa tính đủ và chỉ mới thu 4/7 phần chi phí thực tế. Ba phần còn lại chưa được tính vào giá khám chữa bệnh là chi phí nhân sự gián tiếp; khấu hao thiết bị, máy móc; chi phí đào tạo, nghiên cứu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng. Như vậy, giá khám chữa bệnh chưa bao gồm phần hao hụt trong quá trình bảo quản, cấp phát thuốc và vật tư.
“Việc này dẫn đến bệnh viện càng làm càng thâm hụt và không có nguồn để tái đầu tư sơ sở vật chất, máy móc thiết bị ngày càng lạc hậu, không nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, không có nguồn đào tạo nhân lực và thu hút nguồn lực có chất lượng cao”, bác sĩ Khanh bày tỏ.
Trước những bất cập khi thực hiện cơ chế tự chủ của nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố, Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được ban hành. Lãnh đạo của Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho rằng những quy định trong Luật đã khắc phục được một số vướng mắc liên quan đến thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Theo đó, Luật đã quy định cụ thể các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là tính đúng, tính đủ (chi phí trực tiếp, tiền lương – tiền công, chi phí quản lý; chi phí cho khấu hao thiết bị…) để bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở y tế. Có thể thấy rằng, việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ là chìa khóa để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân và các cơ sở y tế khám chữa bệnh.
Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng cho rằng, việc gia hạn thời gian và thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề y cũng là những điểm mới trong Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Cụ thể trước đây, cấp giấy phép hành nghề là thông qua xét hồ sơ thì giờ chuyển sang kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề. Đồng thời, quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề…
Những quy định trên là biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng của người hành nghề. Theo đó, người hành nghề sẽ phải thực hiện việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục, hạn chế tối đa các sai sót chuyên môn y tế để đủ điều kiện gia hạn giấy phép hành nghề, cũng như phải chứng minh mình còn đủ sức khỏe để hành nghề tại thời điểm đề nghị gia hạn giấy phép hành nghề.
Minh Thảo
Theo Kinh tế Sài Gòn Online