(SGTT) - Bộ Y tế chỉ rõ, khi phát hiện người nghi mắc Covid-19 tại khu dịch vụ, đơn vị quản lý cần đưa người nghi ngờ mắc đó đến khu vực cách ly tạm thời đã được bố trí, sau đó gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc của Bộ Y tế, hoặc cơ quan y tế theo quy định.
- Khó khăn do đại dịch, “cho thuê mặt bằng” dán kín khắp nơi
- Sáu chiến lược y tế của TPHCM trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt
Sức khỏe và Đời sống đưa tin, tại Quyết định 5619/QĐ-BYT về việc ban hành "Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà hàng", Bộ Y tế hướng dẫn xử trí khi phát hiện người có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở (gọi là người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19) tại khu dịch vụ, cần thực hiện theo các bước dưới đây.
Đầu tiên cần thông báo cho cán bộ quản lý khu dịch vụ và cán bộ y tế phụ trách địa bàn.
Thứ hai, cán bộ quản lý/cán bộ y tế cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 đeo đúng cách.
Thứ ba, Người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, tránh tiếp xúc gần dưới một mét với những người khác.
Thứ tư, đơn vị quản lý khu dịch vụ đưa người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 đến khu vực cách ly tạm thời đã được bố trí tại khu dịch vụ.
Yêu cầu đối với nơi cách ly tạm thời: Bố trí tại khu vực riêng, gần cổng ra vào, tách biệt với khu vực các gian hàng (nếu có thể).
Phòng cách ly tạm thời phải đảm bảo: Thoáng khí, thông gió tốt; Hạn chế đồ đạc trong phòng; Có chỗ rửa tay; Có thùng đựng rác có nắp đậy kín; Có khu vực vệ sinh riêng.
Thứ năm, gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc của Bộ Y tế (số điện thoại 1900 9095) hoặc cơ quan y tế theo quy định của địa phương để được tư vấn và nếu cần thì đến cơ sở y tế khám và điều trị.
Thứ sáu, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng để di chuyển người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 đến cơ sở y tế.
Thứ bảy, lập danh sách người tiếp xúc và thực hiện khử khuẩn tại khu dịch vụ khi cơ quan y tế yêu cầu.
Và cuối cùng, thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn khi cơ quan y tế yêu cầu. Theo đó, đối với nền nhà, tường, các đồ vật trong phòng, gian bán hàng, khu vui chơi của trẻ em, nhà hàng ăn uống, quầy kinh doanh thức ăn ngay, khu vệ sinh chung: khử khuẩn ít nhất 2 lần/1 ca làm việc hoặc 1 ngày.
Đối với nhà hàng tiến hành khử khuẩn mặt bàn ăn, ghế ngồi ngay sau khi mỗi lượt khách rời đi.
Đối với vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, bảng điều khiển thang máy, cabin thang máy, giỏ hàng, xe đẩy hàng: khử khuẩn ít nhất 04 lần/ngày.
Tăng cường thông khí tại các phòng và các khu vực của khu dịch vụ bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, sử dụng quạt, hạn chế sử dụng điều hòa (nếu có thể).
Phân bổ gần 7 triệu liều vắc-xin Covid-19
Theo Zing, cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế vừa phân bổ thêm hơn 2 triệu liều vắc-xin Covid-19 AstraZeneca và 4,9 triệu liều vắc-xin Pfizer để phục vụ nhu cầu tiêm chủng của các địa phương. Như vậy, đến nay, Việt Nam đã phân bổ hơn 148 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19.
Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đến nay Việt Nam đã ký hợp đồng, mua, nhận viện trợ, tài trợ tổng số 211 triệu liều vắc-xin; đã tiếp nhận 156,4 triệu liều. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin là 96,4% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 76,5% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Có 61 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc-xin cho trên 80% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 30 tỉnh, thành đạt tỷ lệ trên 95% là Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Nghệ An, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hoà Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.
Hai tỉnh còn lại có tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc-xin dưới 80% dân số từ 18 tuổi trở lên là Hòa Bình (77,0%) và Hà Giang (78,4%).
Bộ Y tế đã phân bổ vắc-xin cho các địa phương này để tăng nhanh diện bao phủ tiêm chủng. Hiện tại, 58 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ hai liều vắc-xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, trong đó có 41 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 70%. Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 90% là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Nông, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Vĩnh Long và Cà Mau.
Phùng My tổng hợp