(SGTT) - Trước thông tin lan truyền Bệnh viện FV TPHCM phát hiện ca mắc Covid-19 biến chủng Omicron, Sở Y tế TPHCM khẳng định muốn xác định được biến chủng này cần phải làm giải trình tự gene mới chính xác.
- Khả năng miễn dịch do mắc Covid-19 có chống lại được biến chủng Omicron?
- TPHCM bố trí bệnh viện điều trị riêng cho người nhiễm biến chủng Omicron
- TPHCM lên kế hoạch ứng phó thế nào với biến chủng Omicron?
Trung tâm thông tin báo chí TPHCM cho biết hiện nay, mạng xã hội đang lan truyền tin đồn về 1 trường hợp người dân ở TPHCM bị nhiễm Covid-19 biến chủng Omicron sau khi có kết quả xét nghiệm RT-PCR tại Bệnh viện FV.
Về việc này, Sở Y tế TPHCM khẳng định, nội dung này là sai sự thật, giấy xác nhận lan truyền là giả mạo. Tính đến nay, TPHCM chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm biến chủng mới Omicron.
Trung tâm báo chí TPHCM cho biết trong sáng 27-12, Công Ty TNHH Y Tế Viễn Đông Việt Nam (Bệnh Viện FV) đã có báo cáo nhanh về sự việc này. Trong Báo cáo nhanh, Bệnh Viện FV khẳng định không cấp “Giấy Xác nhận dương tính Với Covid-19 bằng kỹ thuật RT-PCR” mà chỉ cấp “Giấy xác nhận âm tính với Covid-19 bằng kỹ thuật RT-PCR”.
Hiện nay, để chủ động kiểm soát biến chủng Omicron xâm nhập, ngành y tế TPHCM đang giao cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Trường Đại học Oxford giải trình tự gene tất cả các ca mắc Covid-19 nhập cảnh.
Khi nhập cảnh, bệnh nhân dương tính với Covid-19 sẽ được chuyển về Bệnh viện Dã chiến số 12 để lấy mẫu xét nghiệm giải trình tự gene, nếu dương tính với biến chủng mới Omicron sẽ điều trị tại đây.
F0 nhóm nguy cơ ở TPHCM được uống ngay molnupiravir dù không có triệu chứng
Tất cả các trường hợp F0 thuộc nhóm nguy cơ (trên 65 tuổi, có bệnh nền) tại TPHCM phải được uống gói thuốc C (thuốc kháng virus molnupiravir) ngay trước khi đi cách ly, không cần phải có triệu chứng. Những F0 khác chỉ được cấp thuốc khi có triệu chứng nhẹ.
Thông tin trên nằm trong kết luận của Ban Giám đốc Sở Y tế TPHCM sau cuộc họp về chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cuối tuần qua.
Theo Sức khỏe và Đời sống, Sở Y tế TPHCM yêu cầu tất cả những trường hợp F0 thuộc nhóm nguy cơ phải được uống gói thuốc C (thuốc kháng virus molnupiravir) ngay trước khi đi cách ly và không cần có triệu chứng. Đối với F0 không thuộc nhóm nguy cơ, tiến hành cấp thuốc khi có triệu chứng nhẹ.
Những người được ưu tiên cấp thuốc kháng virus molnupiravir là F0 trên 65 tuổi, có bệnh nền, theo chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ cao của thành phố.
Ngày 27-12: Cả nước có 14.872 ca mắc Covid-19; riêng Hà Nội gần 2.000 ca
Tính từ 16:00 ngày 26-12 đến 16:00 ngày 27-12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.872 ca nhiễm mới, trong đó 5 ca nhập cảnh và 14.867 ca ghi nhận trong nước tại 59 tỉnh, thành phố.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Bình Định giảm 299 ca, Bình Dương giảm 153 ca và Bến Tre giảm 149 ca.
Ngoài ra, những địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Hải Phòng tăng 664 ca, Phú Yên tăng 110 ca và Sơn La tăng 107 ca. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.851 ca/ngày.
Dịch bệnh ở Bà Rịa - Vũng Tàu có chiều hướng giảm nhưng không nên chủ quan
Theo Vov.vn, ngày 27-12, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, bệnh Covid-19 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết trong 24 giờ qua, địa phương ghi nhận 155 ca mắc mới (đang chờ Bộ Y tế cấp mã bệnh nhân), trong đó có 9 ca trong cộng đồng.
Số ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm, số ca mắc mới chủ yếu trong các khu vực cách ly.
Dù ca mắc mới có chiều hướng giảm nhưng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn đề nghị các ngành, các địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác mà phải dự báo đúng tình hình để có kế hoạch, phương án ứng phó phù hợp theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh.
Minh Thảo tổng hợp