Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024

Rồi đây du lịch phải bền vững mới có khách

(SGTT) – Du lịch bền vững đang phát triển ngày càng mạnh mẽ và được dự báo sẽ trở thành một động lực quan trọng của ngành du lịch toàn cầu, với tổng giá trị thị trường có thể lên tới 336 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030, theo ghi nhận của nhóm báo Kinh tế Sài Gòn.
Du lịch bền vững đang phát triển ngày càng mạnh mẽ và được dự báo sẽ trở thành một động lực quan trọng của ngành du lịch toàn cầu. Ảnh: Hoàng Dưỡng

Theo Bain & Company, ngành du lịch thế giới được dự báo sẽ đạt quy mô 17.000 tỉ đô la Mỹ vào năm 2027, vượt xa mức 11.000 tỉ đô la hồi trước dịch Covid-19.

Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ đó là những lo ngại về tác động tiêu cực từ du lịch tới môi trường. Trong bối cảnh đó, du lịch bền vững đang ngày càng cho thấy tầm quan trọng của mình.

Theo mô tả của Liên hiệp quốc, du lịch bền vững là hoạt động du lịch có thể đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Nó liên quan đến việc hài hòa ba yếu tố cốt lõi: phát triển kinh tế, hòa nhập xã hội và bảo vệ môi trường.

Giáo sư Amanda Cecil tại Khoa Quản lý du lịch, Đại học Indiana, cho biết: “Du lịch bền vững liên quan đến việc lựa chọn các phương án giao thông có tác động thấp, hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc sở hữu địa phương và tham gia vào các hoạt động thúc đẩy bảo tồn văn hóa. Bằng cách đón nhận du lịch bền vững, các cá nhân có thể đóng góp vào mối quan hệ cân bằng và hài hòa hơn giữa khách du lịch và các điểm đến họ ghé thăm”.

Sự quan tâm ngày càng tăng của du khách

Thị trường du lịch bền vững đang mở rộng và thu hút được sự chú ý nhờ nhiều yếu tố và sự thay đổi sở thích của khách hàng. Khi mọi người nhận thức rõ hơn về các vấn đề môi trường như biến đổi khí hậu, phá rừng và bảo vệ động vật hoang dã, họ dần có xu hướng tìm kiếm các lựa chọn du lịch bền vững và thân thiện với môi trường hơn.

Các khảo sát cho thấy, ngày càng nhiều du khách trên toàn thế giới có xu hướng lựa chọn điểm đến, nhà cung cấp dịch vụ, từ hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng và công ty du lịch, dựa trên hồ sơ phát triển bền vững, ít tác động đến môi trường, và sẵn sàng trả phí cho điều đó.

Trong Báo cáo Du lịch bền vững 2023, thu thập phản hồi từ hơn 33.000 du khách trên khắp thế giới, Booking.com nhận thấy khoảng 76% số người được hỏi có mong muốn được đi du lịch bền vững trong vòng 12 tháng tới. Số lượt tìm kiếm cụm từ “du lịch bền vững” cũng tăng 142,6% trong khoảng thời gian từ tháng 4-2019 đến tháng 4-2022, theo ghi nhận của Radical Storage.

Một điểm du lịch tại Đồng Tháp. Ảnh: Khương Nhựt Minh

Ngày càng nhiều du khách trên toàn thế giới có xu hướng lựa chọn điểm đến và nhà cung cấp dịch vụ, từ hãng hàng không cho đến khách sạn, nhà hàng và công ty du lịch, dựa trên hồ sơ phát triển bền vững, ít tác động đến môi trường, và sẵn sàng trả phí cho điều đó.

Đối với nhiều khách du lịch, việc giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường bằng mọi cách là điều rất quan trọng. Số lượng khách du lịch tắt máy điều hòa và các thiết bị tại nơi lưu trú hoặc tái sử dụng khăn tắm đã tăng so với báo cáo năm 2022. Hơn một nửa số người được hỏi (55%) mang theo chai nước có thể tái sử dụng của riêng họ khi đi du lịch.

Chia sẻ với AP, Julia Parralucena, một du khách đang đi nghỉ ở Tây Ban Nha, đã bày tỏ sự lo lắng về tình trạng ô nhiễm nhựa tràn lan trên đường phố và cho biết cô sẽ làm những gì có thể để khắc phục tình trạng này.

Tại Thái Lan, ông Jan Sommer, một du khách người Đức cho biết, ông và bạn đồng hành đã quyết định không di chuyển bằng máy bay, mà thay vào đó, lựa chọn một phương tiện ít phát thải hơn là tàu hỏa.

Các quốc gia đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững

Theo một nghiên cứu thường niên của Euromonitor International về Chỉ số Du lịch bền vững 2023, châu Âu hiện vẫn đang dẫn đầu thế giới về tính bền vững trong du lịch khi có tới 17 quốc gia thuộc top đầu trong bảng xếp hạng. Thụy Điển tiếp tục là quốc gia đứng đầu bảng, với Phần Lan ở vị trí thứ hai và Áo ở vị trí thứ ba.

Xét trên phạm vi thành phố, Melbourne của Úc được coi là thành phố có hoạt động du lịch bền vững nhất thế giới nhờ vào mục tiêu đầy tham vọng là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040. Mục tiêu này đã dẫn đến một làn sóng sáng kiến xanh khắp đô thị như phủ xanh đường phố, trang bị các tòa nhà theo phong cách cổ điển và tổ chức các sự kiện trung hòa carbon. Hai thành phố Tây Ban Nha – Madrid và Seville lần lượt chiếm vị trí thứ hai và thứ ba.

Tại các khu vực khác, những nỗ lực phát triển du lịch bền vững cũng đang được đẩy mạnh. Tại Đông Nam Á, Thái Lan đang tập trung vào chiến lược trở thành một “điểm đến bền vững” với ưu tiên bảo vệ môi trường nhằm thu hút khách du lịch. Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đã thiết lập một chiến lược tổng thể nhằm chuyển đổi ngành du lịch dựa trên các Mục tiêu du lịch bền vững (STG) được hình thành trước đó.

Tổng cục trưởng TAT, bà Thapanee Kiatphaiboon nhấn mạnh: “Môi trường xấu khiến du khách không quay trở lại. Họ coi đây là điểm đến kém chất lượng. Do vậy, để biến Thái Lan thành một điểm đến chất lượng, chúng tôi cần thay đổi nhận thức của khách du lịch và du lịch bền vững là điều chúng tôi mong đợi”.

Không chỉ Thái Lan, các quốc gia Đông Nam Á cũng nhận thức được tầm quan trọng trong việc phát triển bền vững và nỗ lực thúc đẩy rộng rãi phát triển du lịch có trách nhiệm, bền vững, bao trùm và cân bằng, đóng góp quan trọng vào phúc lợi kinh tế-xã hội của người dân Đông Nam Á.

Bain & Company dự đoán, nhu cầu ngày càng tăng của du khách đối với du lịch bền vững trong những năm tới và nỗ lực thúc đẩy của các quốc gia sẽ là động lực quan trọng cho sự phát triển của ngành du lịch toàn cầu. Theo báo cáo mới nhất của RationalStat, thị trường du lịch bền vững toàn cầu được định giá 157,7 tỉ đô la trong năm 2022 và dự kiến sẽ tăng trưởng 13,4% mỗi năm trong giai đoạn từ 2023-2030, qua đó đưa giá trị của ngành vượt mức 336 tỉ đô la.

Những thách thức đối với du lịch bền vững

Theo Booking.com, một trong những thách thức đáng chú ý nhất mà du lịch bền vững phải đối mặt là vấn đề chi phí. 76% số người được hỏi lưu ý rằng chi phí gia tăng và cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang ảnh hưởng đến ngân sách của họ và 49% những người được khảo sát cho biết các lựa chọn du lịch bền vững hiện nay là quá đắt.

Glenn Fogel, Giám đốc điều hành của Booking.com, cho biết “Trong khi du lịch có thể phục hồi trở lại, chi phí sinh hoạt tăng cao và lo lắng về khí hậu đã dẫn đến nhu cầu lớn hơn đối với các lựa chọn thân thiện với môi trường nhưng cũng cần phù hợp túi tiền hơn”.

Bên cạnh đó, báo cáo của Booking.com cũng lưu ý về các rào cản khác đối với du lịch bền vững, bao gồm việc thiếu các lựa chọn phù hợp và sự không chắc chắn trong việc tìm kiếm các lựa chọn du lịch thực sự có thể thúc đẩy quản lý môi trường và hỗ trợ cộng đồng địa phương. Những người được hỏi cũng bày tỏ sự hoài nghi về tính xác thực trong các tuyên bố về mức độ bền vững của các địa điểm du lịch.

Nhưng một trong những vấn đề lớn hơn cả với du lịch bền vững là hoạt động di chuyển. Ước tính, du lịch hiện chiếm khoảng 8% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu và dự kiến tỷ lệ này sẽ còn tăng lên. Theo khảo sát, khoảng 43% khách du lịch đã lên kế hoạch cho kỳ nghỉ của mình để có thể đi bộ, đi xe đạp hoặc sử dụng phương tiện công cộng địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm liên quan đến một trong những nguồn phát thải lớn nhất: hàng không.

Các chuyên gia của Booking.com dự báo, trong bối cảnh vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức và cả tâm lý hoài nghi, “việc xây dựng một ngành công nghiệp du lịch thực sự bền vững được dự báo sẽ mất nhiều thời gian, và nỗ lực. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra sẽ giúp đảm bảo rằng các du khách sẽ có thể trải nghiệm thế giới theo cách có tâm và có trách nhiệm hơn”.

Ngân Diệp

Nguồn: Ecowatch, Euro Monitor, Yahoo Finance, AP, Bain & Co, The Nation

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Khi rau xanh không chỉ để ăn

0
(SGTT) - Không chỉ cung cấp thực phẩm hữu cơ, an toàn, những vườn rau xanh mướt tại các khu nghỉ dưỡng đang dần...

Các tour du lịch định hướng ‘xanh’ ngày càng được ưa...

0
(SGTT) - Những năm gần đây, du lịch xanh tại TPHCM đang phát triển mạnh và được nhiều du khách ủng hộ, đặc biệt...

Sáng kiến Điểm đến An toàn: Đồng hành cùng doanh nghiệp...

0
(SGTT) - Ngày 5-4, tại TP Châu Đốc, An Giang, chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn của Tạp chí Kinh tế Sài...

Nhà hàng tại Quảng Nam nỗ lực làm du lịch xanh

0
(SGTT) - Tại Quảng Nam, một số doanh nghiệp đang hướng đến việc đầu tư cho du lịch xanh, bền vững, trong đó có...

Trao ‘hộ chiếu xanh’ khi du lịch xứ dừa

0
(SGTT) - Đã có 15 du khách được trao "hộ chiếu xanh" (passport Net Zero) khi tham gia tour “Net Zero tours Bến Tre”...

Cách người Thái làm thời trang ‘bền vững’ không chỉ ‘xanh’...

0
(SGTT) - Các sản phẩm thời trang và phong cách sống của Thái Lan được biết đến bởi nguyên liệu thô đa dạng và...

Kết nối