Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Những “kinh nghiệm vàng” về chạy trail từ câu lạc bộ Bình Bát

(SGTTO) - Sau khi trở về từ giải chạy Dalat Ultra Trail 2020, các thành viên của câu lạc bộ Bình Bát đã chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị kinh nghiệm chạy trail sau nhiều năm "chinh chiến" trong các giải chạy lớn. Những kinh nghiệm đó được đúc kết lại thành 3 "nguyên tắc vàng".

Trong các giải chạy trail, những người tham gia nên chú ý chuẩn bị thật chu đáo, kỹ lưỡng cho cuộc đua để đảm bảo an toàn cho bản thân. Có 3 điều bạn cần lưu ý rằng nên tập luyện đều đặn trước khi tham gia giải, chuẩn bị đủ đồ nghề, thức ăn, nước uống và nên đi theo nhóm.

CLB BBC ở trạm dừng chân km 18.
Hãy rèn luyện trước khi vào cuộc chơi

Con đường chạy trail vốn khó đi với nhiều chướng ngại vật. Ở giải Dalat Ultra Trail 2020, đoạn đầu tiên tương đối dễ nên mọi người rảo bước thật nhanh dù vài đoạn có sình lầy đôi chút. Chỉ có vài rễ thông nhô ra và con dốc còn thoai thoải. Chúng tôi chỉ cần bước tránh vô mé cỏ là đi được.

Thế nhưng tới cây số thứ 8, qua khoảng 3 đoạn dốc thì bắt đầu có chuyện. Thiện, chàng trai trẻ dưới 30 tuổi cùng chạy với chúng tôi, đã có dấu hiêu đau cơ đùi. Anh bộc bạch là đã từng chơi gym, đá banh, chạy bộ… nhưng đó là trước mùa dịch. Từ đó tới nay anh không tập luyện gì. Chúng tôi khuyên anh nên đi chậm lại, thở hơi sâu hơn, ăn thanh năng lượng (hoặc gel) và uống vitamin. Thiện cố gắng “lê lết” tới trạm dừng chân (check poin) thứ 2, tức cây số 18 là… hết hơi.

Trong khi đó, “ông già” Hưng U60 suốt chặng đường dài không hề suy suyễn gì, chân vẫn đều bước chạy và hát ca vang lừng. Anh vẫn thường xuyên leo núi và chạy bộ hầu như mỗi ngày. Còn nhóm Bình Bát của chúng tôi thì hàng tuần phải ra núi Dinh (Bà Rịa - Vũng Tàu) hoặc lên núi Bà Đen (Tây Ninh) tập luyện liên tục nhiều tháng trời. Thậm chí lúc bị cách ly do dịch bệnh, chúng tôi ở nhà cũng tranh thủ chạy bộ cầu thang hoặc tập bài chạy dốc cầu Bình Lợi, cầu Sài Gòn…

Trang bị đầy đủ đồ nghề và thức ăn, nước uống

Kinh nghiệm kế tiếp cần rút ra là khâu chuẩn bị đồ ăn, nước uống, trang bị kèm theo như gậy, đặc biệt là áo mưa.

Kinh nghiệm ở mùa giải trước, đội chúng tôi đã có người bị các vấn đề tiêu hóa. Cho nên lần này, mọi người đều ăn uống kỹ lưỡng trước ngày đi giải và đem theo đồ ăn khô, gọn nhẹ, phù hợp với mỗi người. Thậm chí, tôi còn thủ sẵn hộp mứt gừng và thuốc tiêu chảy để phòng khi bất trắc. Khi trời mưa lớn, ai nấy rét run cầm cập, chúng tôi lấy gừng ra ngậm cho ấm và tinh thần thêm sảng khoái mà đi tiếp.

Nước uống là hết sức quan trọng. Mặc dù ở các điểm dừng chân đều có tiếp nước nhưng trên cung đường dài vận động viên không thể chờ đến các điểm này được. Cứ có sẵn trên ba lô thò cái vòi ra phía trước miệng là hút.

Còn cây gậy, bạn không nên coi thường. Ở giải Đà Lạt Ultra Trail vừa rồi, trên cung đường đầu tiên, có vài bạn trẻ không cần tới gậy, nhưng khi vào km thứ 30, lúc này mưa lớn, đường trơn, dốc cao, kế bên là vực sâu, mới thấy tầm quan trọng của cây gậy.

Đường mưa trơn trợt lầy lội phải đem theo gậy mới an toàn
Nên đi theo nhóm để đảm bảo an toàn

Lợi ích của việc chạy trail theo nhóm là khi có nguy hiểm, cả nhóm sẽ giúp đỡ lẫn nhau để cùng vượt qua.

Các thành viên của CLB Bình Bát cùng hát vang để quên đi mệt mỏi.

Ở giải Dalat Ultra Trail 2020, từ cây số 30 trở đi, lúc đó mưa lớn xối xả, đang ở đỉnh núi mà sấm chớp ầm ầm, chúng tôi có cảm giác nguy hiểm cận kề. Nhưng chúng tôi vượt qua sợ hãi, cả đội lầm lũi đi giữa màn mưa trắng đục, phía trước mặt không biết đâu là bờ, chỉ nhắm theo dấu mũi tên treo lủng lẳng trên nhành cây mà bước tới.

Để giữ an toàn, chúng tôi bảo nhau chịu khó đi trên triền núi, chỗ đó dốc cao hơn đường mòn có sẵn, tuy khó đi nhưng xa mép vực hơn, có nhiều nhánh cây để đeo bám. Khi qua đoạn dốc thẳng đứng, giữa trời mưa đất bùn trơn trợt, cả đội phải choàng tay nhau nắm giữ thật chặt, chuyền gậy nối thành dây dài để đi.

Toàn đội về đích an toàn.

Cứ vậy mà giữa mưa giông sấm sét, giữa rừng núi mịt mùng, chúng tôi cùng nhau hoàn thành hết cung đường.

Trước khi vào giải, đội chúng tôi xác định mình là dân phong trào, chắc chắc là không có giải nên cũng không chịu nhiều áp lực. Nếu nóng vội về đích có thể gây nhiều rủi ro cho bản thân. Vả lại nếu chạy nhanh chạy vội chưa chắc đủ sức, chưa kể bị căng cơ, vọp bẻ. Do đó, nếu bạn thấy sức của mình không đủ hoặc thời tiết không tốt để hoàn thành cuộc đua, không nên cố tiếp tục, mà hãy nghĩ đến an toàn cho bản thân và dừng lại đúng lúc. 

Dương Thế Hùng

Ảnh: Dương Thế Hùng – Phạm Ngọc Thạch
Video: Nguyễn Viết Nhân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối