Thứ ba, Tháng mười hai 10, 2024

Những điều cần biết về vắc-xin Covid-19 Pfizer sẽ tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi trên toàn quốc

(SGTT) - Vắc-xin Covid-19 Pfizer/BioNtech có chỉ định tiêm cho người 12 tuổi trở lên. Theo Bộ Y tế, qua các cuộc thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy vắc xin Pfizer/BioNtech có tính an toàn cao và tỷ lệ hiệu lực là 95% trong việc phòng ngừa hiệu quả virus gây bệnh Covid-19.
1. Cơ chế của vắc xin Pfizer

Theo Bộ Y tế, vắc-xin Covid-19 Pfizer-BioNTech (tên nghiên cứu là BNT162b2) của Hãng Pfizer - Mỹ đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép sử dụng khẩn cấp để ngăn ngừa Covid-19 ở những người từ 12 tuổi trở lên.

Vắc-xin Pfizer được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 31-12-2020 và được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 2908/QĐ-BYT ngày 12-6-2021.

Vắc-xin Pfizer (BNT162b2) ứng dụng công nghệ vật liệu di truyền, sử dụng mRNA làm hướng dẫn hệ miễn dịch chống lại mầm bệnh, bằng cách kích thích các tế bào trong cơ thể người tạo ra protein virus. Khi hệ miễn dịch của cơ thể tiếp xúc với protein sẽ sinh ra kháng thể chống lại, từ đó các tế bào miễn dịch nhận biết được virus SARS-CoV-2 và chống lại Covid-19 hiệu quả.

Tại Việt Nam, ngày 26-10, trong cuộc họp về công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em, ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết vắc-xin tiêm cho trẻ em tại Việt Nam là Pfizer đã được Bộ Y tế phê duyệt. Tổ chức chiến dịch tiêm tương tự như đã làm trong thời gian qua; cụ thể tiêm lưu động, tiêm tại trạm y tế xã, tiêm tại trường.

Những lưu ý khi tiêm vắc-xin Covid-19 Pfizer do Bộ Y tế hướng dẫn. Ảnh: Bộ Y tế
2. Hiệu lực của vắc-xin

Theo kết quả nghiên cứu của những giai đoạn thử nghiệm trước khi được tung ra thị trường, vắc-xin Pfizer/BioNTech mang lại hiệu quả bảo vệ lên đến 95% và không để lại tác dụng phụ nghiêm trọng nào.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng đã đưa ra hướng dẫn rất chi tiết về việc tiêm ngừa cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Theo CDC, mặc dù ít bị nhiễm Covid-19 hơn so với người lớn nhưng trẻ em vẫn có thể mắc và lây bệnh cho người khác. CDC khẳng định vắc-xin Pfizer an toàn và hiệu quả. Tiêm vắc-xin có thể giúp trẻ giảm nguy cơ mắc Covid-19, ngăn ngừa lây lan, không trở nặng. Trẻ em trên 12 tuổi nhận liều lượng vắc-xin của Pfizer giống như người lớn (không thay đổi theo trọng lượng). Hai mũi tiêm cách nhau 3 tuần.

Theo Sức khỏe và Đời Sống, một phân tích do CDC Mỹ công bố vào ngày 19-10, vắc-xin Pfizer/BioNTech có hiệu quả 93% trong việc ngăn ngừa nhập viện ở những người từ 12 đến 18 tuổi.

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 9, khoảng thời gian biến thể Delta hoành hành. Dữ liệu từ 19 bệnh viện nhi khoa cho thấy trong số 179 bệnh nhân nhập viện vì Covid-19, 97% chưa được tiêm chủng. Điều này càng củng cố hiệu quả của vắc-xin trong việc phòng ngừa Covid-19.

Báo cáo của CDC được xây dựng dựa trên các thử nghiệm được thực hiện bởi các công ty đối với trẻ em trong nhóm 12-18 tuổi và cho thấy nhóm này có phản ứng miễn dịch cao chống lại virus sau khi tiêm vắc-xin. Vắc-xin Pfizer/BioNTech được phép sử dụng cho trẻ em 12 tuổi trở lên tại Mỹ.

Hiện chưa rõ vắc-xin Pfizer/BioNTech phòng Covid-19 có khả năng bảo vệ trong bao lâu, tuy nhiên hệ thống miễn dịch sẽ có các tế bào đặc biệt gọi là tế bào B nhớ và tế bào T nhớ có thể lưu trữ thông tin về virus trong nhiều năm hoặc thậm chí trong nhiều thập kỷ. Vì vậy, các chuyên gia tin rằng khả năng miễn dịch của vắc-xin phòng Covid-19 sẽ tồn tại trong thời gian dài, mặc dù vẫn chưa biết liệu có cần phải tiêm nhắc lại hay không.

3. Lịch tiêm và tác dụng phụ của vắc-xin Pfizer

Vắc-xin Pfizer/BioNTech phòng Covid-19 thường được tiêm vào bắp tay. Vắc-xin này sẽ được tiêm thành 2 liều. Liều thứ hai phải được tiêm sau liều đầu tiên 21 ngày (3 tuần). Bạn sẽ được thông báo thời gian chính xác để quay lại tiêm liều thứ hai.

Tại TPHCM, hiện trẻ từ 12 đến 17 tuổi được tiêm phòng Covid-19 bằng vắc-xin Pfizer. Ảnh: AAP
4. Tác dụng phụ có thể xảy ra

Tương tự như tất cả các loại thuốc, vắc-xin có thể gây ra tác dụng phụ. Cho đến nay, hàng triệu người đã được tiêm chủng vắc-xin Pfizer/BioNTech phòng Covid-19 và các báo cáo về tác dụng phụ nghiêm trọng là rất hiếm.

Hầu hết tác dụng phụ của vắc-xin Pfizer/BioNTech phòng Covid-19 thường nhẹ và ngắn hạn. Trên cánh tay nơi được tiêm có thể đau, mẩn đỏ, sưng tấy… Trên các phần còn lại của cơ thể có thể bị mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt, buồn nôn… Các tác dụng phụ này xảy ra trong vòng 1 hoặc 2 ngày kể từ khi tiêm vắc-xin. Đó là dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể quý vị đang tạo hàng rào bảo vệ và sẽ biến mất trong vòng vài ngày.

Theo Euronews.com, nhiều người lo ngại về triệu chứng viêm cơ tim đối với người trẻ sau khi tiêm vắc-xin dùng công nghệ mRNA (Pfizer, Moderna). Vào tháng 7-2021, một nghiên cứu của Trường Đại học Harvard (Mỹ) cho thấy có 1.000 ca bị viêm cơ tim trong 300 triệu người được tiêm vắc-xin Pfizer và Moderna tại Mỹ. Đa số các trường hợp là người trẻ hoặc thiếu niên và 79% trường hợp đều chỉ là phản ứng nhẹ.

Tuổi Trẻ cho biết TPHCM là địa phương đầu tiên của cả nước chính thức triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12-17 tuổi. Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, sau khi khảo sát, lấy ý kiến phụ huynh về tiêm vắc-xin cho trẻ trong độ tuổi từ 12-17 tuổi, tính đến ngày 25-10, có 655.715/711.702 phụ huynh (92,1%) có trẻ trong độ tuổi này đồng ý tiêm chủng.Cụ thể, trong số 711.702 phụ huynh có con đang là học sinh trong độ tuổi từ 12-17 được khảo sát có 655.715 người đồng thuận cho trẻ tiêm vắc-xin phòng Covid-19, chiếm tỷ lệ 92,13%. Trong số các quận, huyện khảo sát, huyện Hóc Môn có tỷ lệ đồng thuận cao nhất với 98,79%, còn quận 7 là địa phương có tỷ lệ đồng thuận thấp nhất với 79,18%.

Minh Thảo 

Sài Gòn Tiếp Thị thông qua chuyên mục “Thắc mắc mùa dịch” sẽ là cầu nối để bác sĩ, chuyên gia y tế giải đáp các thắc mắc từ bạn đọc một cách nhanh chóng và chính xác. Bạn đọc có câu hỏi cần giải đáp hãy bình luận (comment) ngay dưới các bài viết thuộc chuyên mục này hoặc gửi mail về cho chúng tôi qua email admin@sgtiepthi.vn, hoặc gửi câu hỏi qua fanpage của báo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối