Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024

Những đặc sản làm nên tinh hoa ẩm thực Phú Yên

(SGTT) – Phú Yên không chỉ có hoa vàng, cỏ xanh, phong cảnh thiên nhiên hữu tình… nơi đây còn nổi tiếng với những thương hiệu ẩm thực mang nét đặc trưng riêng.

Sò huyết đầm Ô Loan

Đầm Ô Loan là nơi có nhiều đặc sản, đặc biệt là sò huyết. Sò huyết ở đây có đặc điểm thịt màu hồng xen lẫn màu vàng gạch. Đây là đặc sản nổi tiếng của vùng đầm Ô Loan.

Sò huyết chà sạch vỏ, ngâm cho hết bùn, đem nướng trên lò than đến khi nước bọt trong sò tuôn ra là vừa. Người ăn dùng tay tách nhẹ vỏ sò mở đôi, cho tí muối, tiêu, chanh vào và dùng muỗng múc ăn khi còn nóng. Nhiều nhà hàng, quán ăn ở Phú Yên đều có món sò huyết đầm Ô Loan để phục vụ thực khách.

Sò huyết đầm Ô Loan có đặc điểm là thịt màu hồng xen lẫn màu vàng gạch, ăn rất ngon. Ảnh: Thế Anh

Nếu có dịp ngồi trên thuyền lênh đênh giữa đầm Ô Loan vào những đêm trăng thanh, gió mát, thưởng thức món sò huyết nướng thì thật hữu tình. Sò huyết Ô Loan được tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là top 10 đặc sản biển Việt Nam năm 2012.

Mắt cá ngừ đại dương

Phú Yên là nơi ngự trị của các loài cá, đặc biệt là cá ngừ đại dương, một loài cá quý hiếm. Chính vì thế, các bộ phận của loài cá này cũng được đầu bếp chế biến thành các món ăn đặc sắc khác nhau, trong đó phải kể đến chính là mắt cá ngừ đại dương.

Nhiều du khách khi nghe đến tên của món ăn này đều có sự nghi hoặc, bởi họ cho rằng cá ngừ vốn dĩ đã nhỏ, vậy thì mắt của cá ngừ làm sao có thể trở thành một món ăn khiến người dân nơi đây tự hào như vậy. Thế nhưng thật ra, cá ngừ đại dương nặng khoảng 40 – 70kg, do đó mắt của cá cũng đặc biệt to, bằng một cái ly nhỏ.

Đầu bếp ở Phú Yên giới thiệu cách chế biến cá ngừ đại dương. Ảnh: Thế Anh

Đầu bếp thường chế biến mắt cá ngừ bằng cách hầm với thuốc bắc. Mắt cá ngừ được đem đi rửa sạch, sau đó cho vào một cái thố nung nhỏ, thêm vào đó táo tàu, rau củ, đổ thêm nước vào rồi bắt đầu hầm. Trông thì có vẻ dễ nhưng người đầu bếp phải cẩn thận canh đến đúng thời gian và giữ lửa ở mức độ vừa phải thì mới món ăn mới thực sự ngon. Mắt cá ngừ béo ngậy, cùng với vị thanh thanh của thuốc bắc, hòa quyện thành một hương vị độc đáo, góp phần làm nên tinh hoa của ẩm thực Phú Yên.

Cá mương sông Ngân Sơn

Cá mương chỉ là một loài cá nhỏ ở sông nhưng khi nướng lên, cá mương trở thành một món đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Phú Yên. Theo quan điểm của nhiều người dân Xứ Nẫu, chỉ những con cá mương bắt ở sông Ngân Sơn mới có thịt tươi, dai và thơm. Cá mương sông Ngân Sơn được liệt kê ngang với sò huyết đầm Ô Loan, và đương nhiên nằm trong danh sách những món ăn Việt Nam ngon nhất.

Cá mương chỉ là một loài cá nhỏ ở sông nhưng khi nướng lên, cá mương trở thành một món đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Phú Yên. Ảnh: Thế Anh

Sau khi bắt cá mương tươi, rửa sạch và nướng (hoặc chiên) rồi nấu trên lửa than. Trong quá trình nướng, đầu bếp cần thường xuyên lật từng mặt cá để vây cá chín mà không bị cháy. Khi nào ngửi thấy mùi thơm, du khách có thể lấy ra đĩa và thưởng thức.

Có nhiều cách để thưởng thức cá mương nướng, ăn với mắm cá và cơm. Nhưng cách ăn ngon nhất là cuốn với bánh tráng và các loại rau khác như rau diếp, dưa leo, rau é, giá sống, lá tía tô… cùng với nước mắm cá cay. Vào ngày gió chiều, ngồi gần lửa than, nướng một chùm cá mương đến khi chín vàng và thưởng thức, đó sẽ là trải nghiệm đáng nhớ đối với du khách khi đến Phú Yên.

Bò một nắng Sơn Hòa

Món ăn này được nhiều người ưa thích, trở thành đặc sản của Phú Yên. Sản phẩm tẩm ướp gia vị và đóng gói bao bì, là món quà đặc sản của du khách khi đến Phú Yên.

Bò một nắng Sơn Hòa, đặc sản nổi tiếng của Phú Yên. Ảnh: Thế Anh

Quá trình chọn lựa nguyên liệu để sản xuất món bò một nắng cũng lắm công phu. Để có bò một nắng, nguyên liệu phải là những tảng thịt đến từ các chú bò cỏ tơ, chăn thả tự nhiên trên các mé sông, những triền núi ở vùng Sơn Hòa.

Bò một nắng khi ăn, thịt nướng trên lửa than, chấm với muối kiến vàng, ăn kèm với dưa leo, các loại rau thơm, khế, chuối chát. Tất cả hòa quyện và tạo nên một hương vị đặc biệt.

Ốc nhảy Sông Cầu

Vùng biển Sông Cầu là điểm hẹn của nhiều loài hải sản thơm ngon nổi tiếng như ghẹ, tôm, sò, cá; cũng như đủ các loại ốc như ốc giấm, ốc nón, ốc gai, ốc mỡ, ốc giác, ốc bàn tay, ốc đỏ. Tuy nhiên, đặc biệt hơn cả chính là ốc nhảy mà người dân nơi đây gọi là ốc đực.

Ốc nhảy Sông Cầu ngon và hấp dẫn. Ảnh: Thế Anh

Thịt ốc nhảy có màu mỡ gà, giòn, thịt ngọt và béo, là một trong những đặc sản ngon trong các loại ốc. Ốc nhảy ngon nhất là hấp sả ăn với chén mắm gừng.

Đinh Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Trưa nay ăn gì: Thưởng thức bánh canh khô, món ăn...

0
(SGTT) – Trong văn hóa ẩm thực vùng miền, bánh canh khô là món ăn đặc trưng của người dân xứ Huế. Khi nấu...

Trưa nay ăn gì: Dễ ăn món bún gạo nấu thập...

0
(SGTT) – Sợi bún gạo trong ẩm thực Việt thường được quán ăn chế biến bằng hình thức xào với thực phẩm, rau củ....

Nồi lẩu hương vị đồng quê cùng thịt cá ngát

0
(SGTT) – Cá ngát là loại cá thân quen trong những bữa cơm gia đình Việt. Hôm nay, chúng được ứng dụng trong món...

Đầu xuân lại nhớ tô bún ốc vị quê nhà mẹ...

0
(SGTT) – Người ta thường nói, món bún ốc thưởng thức ngon miệng là khi trời se lạnh. Vậy nhưng, trong ký ức của...

Ớt Ariêu, vị tiêu Amót – gia vị đặc sắc núi...

0
(SGTT) - Để có hương vị món ăn thơm ngon và đặc sắc, người Cơ Tu vùng núi rừng Trường Sơn (Quảng Nam) thường...

Trưa nay ăn gì: Đơn giản mà thơm ngon món bánh...

0
(SGTT) - Bánh canh là một trong những món ăn đặc trưng của ẩm thực Việt Nam, thu hút thực khách bởi sự đa...

Kết nối