(SGTT) - Sức nóng quá mức của mặt trời không chỉ khiến chúng ta khó chịu mà tệ hơn, nó cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tổn hại sức khoẻ như đột quỵ, kiệt sức, rối loạn cảm xúc và nguy hại sức khoẻ, tinh thần đáng quan ngại khác.
- Đen da không phải điều đáng lo ngại nhất vào mùa nóng
- Sáu cách cho da thở mùa nắng nóng, 5 phút là xong
Khi cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ quá cao, chúng ta sẽ dễ bị kiệt sức và say nóng. Ngoài ra còn có những hậu quả lâu dài có thể dẫn đến nhiều bệnh khác.
Mức độ ảnh hưởng của nhiệt độ cao đối với cơ thể và não bộ không đơn giản như mọi người nghĩ. Cùng xem những kết luận khoa học quan trọng về vấn đề này đã được công bố trên Healthline và Business Insider.
Nắng nóng làm kiệt sức
Bước ra ngoài vào một ngày nắng cao điểm khiến chúng ta cảm thấy sốc nhiệt rất nhanh. Thời gian ở ngoài nắng càng lâu, cơ thể càng có nguy cơ phải chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.
Nhiệt độ cơ thể tăng có thể gây đổ mồ hôi nhiều, mất nước, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, chuột rút và mạch đập nhanh, nhưng yếu.
Nếu gặp trạng thái này, người đó nên di chuyển vào nơi mát mẻ, uống nước, tắm nước mát hoặc đắp khăn ướt lên người. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), nếu những triệu chứng này kéo dài hơn một giờ, trầm trọng hơn hoặc nếu một người bị nôn mửa, thì cần được đến cơ sở y tế hoặc thăm khám từ bác sĩ.
Nhiệt độ cao có thể gây ra đột quỵ
Một khi nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn 40 độ C, người đó bắt đầu bị say nóng, dẫn đến tình trạng nguy hiểm có thể gây tử vong.
Các triệu chứng của hiện tượng này bao gồm nhiều dấu hiệu kiệt sức vì nhiệt như mạch nhanh; nhận thức kém; và có thể mất ý thức. Họ cũng có thể ngừng đổ mồ hôi.
Người bị say nóng cần được hạ nhiệt càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không được cho họ uống bất cứ đồ uống gì. Đưa họ vào nơi thoáng mát, đắp khăn mát hoặc ngâm trong bồn nước lạnh và gọi cấp cứu.
Nhiệt độ quá cao khiến chúng ta buồn ngủ
Nếu một người đã từng cảm thấy sức nóng khiến não bộ như chìm trong một lớp sương mù, giống như cảm giác đang ở trong phòng xông hơi, khó thở, suy nghĩ không rõ ràng thì không nên lơ là, chủ quan.
Một số nghiên cứu cho thấy khi nhiệt độ tăng cao, con người thực hiện chậm hơn và thiếu chính xác hơn trong các bài kiểm tra nhận thức. Hiện tượng này ảnh hưởng đến tất cả mọi người, từ sinh viên tham gia các bài kiểm tra tiêu chuẩn đến nhân viên văn phòng cố gắng hoàn thành công việc trong ngày.
Nắng nóng khiến khó thở
Một nghiên cứu năm 2008 cho thấy khi nhiệt độ tăng thêm 1 độ C, ô nhiễm ozone sẽ có thể giết chết thêm 22.000 người trên thế giới do bệnh hô hấp, hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Ô nhiễm không khí do thời tiết nắng nóng cao hơn cũng sẽ làm tăng tỷ lệ ung thư phổi, dị ứng và hen suyễn, và bệnh tim mạch.
Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy ô nhiễm không khí đã giết chết 9 triệu người mỗi năm. Và sơ bộ, khi nhiệt độ tăng sẽ dẫn đến số người chết tăng theo.
Nhiệt độ cao bất thường có thể khiến tỷ lệ tự tử tăng đột biến
Một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên tạp chí Nature Climate Change (Tạp chí khoa học Biến đổi Khí hậu) đã báo cáo rằng nhiệt độ và số ca tự tử hàng tháng tăng tỷ lệ thuận với nhau. Ở Mỹ, mức tăng đó là khoảng 0,7% và ở Mexico là 2%.
Thời tiết nóng hơn khiến sức khỏe tinh thần giảm sút
Nhiều người đón chào sự chuyển mùa từ mùa đông sang mùa hè với tâm trạng tích cực, nhưng có vẻ như cái nóng có thể khiến chúng ta suy sụp theo thời gian.
Các tác giả của nghiên cứu tương tự về mối liên hệ giữa khí hậu và tự tử cũng đã phân tích hơn 600 triệu người sử dụng mạng xã hội Twitter và phát hiện ra rằng mọi người có xu hướng bày tỏ cảm xúc trầm cảm hơn khi nhiệt độ tăng lên.
Mùa hè cũng có thể gây rối loạn cảm xúc theo mùa
Một số người cảm thấy mệt mỏi khi mùa hè đến. Tình trạng này được gọi là rối loạn cảm xúc theo mùa, hoặc SAD.
Bởi vì ánh sáng mặt trời được cho là nguyên nhân của rối loạn trầm cảm theo mùa, nên các trường hợp mắc bệnh xảy ra trong những tháng mùa hè có thể do quá nhiều ánh nắng mặt trời.
Quá nhiều ánh sáng mặt trời sẽ làm cơ thể ngưng sản xuất melatonin- hormone có tác dụng gây buồn ngủ. Ngay cả việc bật đèn vào nửa đêm để đi vệ sinh cũng khiến cơ thể tạm dừng hoạt động loại hormone này.
Mùa hè ngày dài hơn đồng nghĩa với việc cơ thể ít sản xuất melatonin hơn. Ngoài việc làm gián đoạn nhịp sinh học của con người, cái nóng mùa hè còn khiến những người sống chung với rối loạn trầm cảm theo mùa luôn cảm thấy lo lắng và tức giận.
Thanh Thảo
Theo Healthline, Business Insider