Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Nhiều việc phải làm nếu muốn phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe

(SGTT) – Du lịch chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng thực tế chưa được khai thác hiệu quả. Muốn loại hình du lịch này phát triển, các địa phương nói chung và các nhà hoạt động lữ hành, điểm đến và dịch vụ nói riêng nên hành động khẩn trương ngay từ bây giờ.
Du khách được hướng dẫn thiền tại Yên Tử. Ảnh: Thanh Hằng

Việt Nam sở hữu các phương thuốc chữa bệnh theo y học cổ truyền từ nguồn dược liệu phong phú; tài nguyên tự nhiên với hệ thống suối khoáng nóng, cảnh quan thiên nhiên, biển, rừng… đến các tài nguyên văn hoá – xã hội đa dạng.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch có thứ hạng đáp ứng điều kiện cơ sở chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn cũng là một thế mạnh sẵn có của du lịch Việt Nam. Ẩm thực thực dưỡng không thiếu món ăn cần thiết cho sức khỏe…

Các địa phương như Hà Nội, Hạ Long, Huế, Hội An, Nha Trang, Phú Quốc, TPHCM… đã thu hút lượng đáng kể khách du lịch đến với mục đích chính là chăm sóc sức khoẻ và chữa bệnh trong thời gian qua.

Tuy nhiên, trên bản đồ du lịch chăm sóc sức khoẻ của thế giới, Việt Nam còn khá mờ nhạt bởi chúng ta chưa chuẩn mực các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và chữa bệnh dành riêng cho khách du lịch.

Để phát triển bền vững và thật sự tạo được sức hút du khách ở loại hình du lịch này, bên cạnh việc nghiên cứu, điều tra toàn diện về tiềm năng, thực trạng và nhu cầu của thị trường du lịch chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam, cần có qui hoạch tổng thể các điểm đến, địa phương phù hợp.

Du khách đang ngâm mình thư giãn.

Việc đề ra các tiêu chuẩn, tiêu chí về an toàn dịch vụ sức khỏe cho khách du lịch cần được quan tâm vì loại hình này có nhiều yêu cầu rất khác so với các loại hình khác.

Đặc biệt, các đối tượng tham gia khai thác loại hình du lịch này phải chú trọng việc xây dựng hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe phù hợp với từng phân khúc thị trường khách theo giới tính, độ tuổi, quốc gia, nghề nghiệp.

Việc xây dựng các sản phẩm du lịch sức khỏe đặc trưng riêng có của Việt Nam, có khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và toàn cầu phải được quan tâm đầu tiên.

Du khách hiện nay đang có nhu cầu trải nghiệm những hoạt động, dịch vụ tốt cho sức khỏe, cho một cuộc sống lành mạnh lâu dài như tập thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, tập yoga, ngồi thiền, đi bộ, đạp xe đạp, leo núi…; thư giãn ngâm mình trong suối khoáng nóng, tắm biển, tắm rừng, massage trị liệu, xông hơi thảo dược;  thưởng thức các món ăn thực dưỡng; nghỉ ngơi giảm stress tại các khu nghỉ dưỡng kết hợp tham quan các điểm du lịch nổi tiếng….

Muốn đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của khách du lịch, nhất là khách du lịch cao cấp, đội ngũ phục vụ loại hình du lịch sức khỏe cũng phải được nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cả hai lĩnh vực: y tế và du lịch.

Nhóm du khách được hướng dẫn những động tác hỗ trợ sức khỏe thời điểm trước dịch Covid-19 tái bùng phát.

Ngoài ra, hai ngành liên quan (y tế và du lịch) cần ngồi lại thống nhất quan điểm, bắt tay hợp tác toàn diện, tránh kiểu trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Bên cạnh đó, kế hoạch tổng thể truyền thông, quảng bá tiếp thị… cũng cần được triển khai sâu rộng trong và ngoài nước.

Muốn du lịch chăm sóc sức khỏe phát triển trong bối cảnh bình thường mới, khai thác được hết các lợi thế, tiềm năng của du lịch Việt Nam góp phần phục hồi và đưa ngành du lịch Việt Nam cất cánh, các địa phương nói chung và các nhà hoạt động du lịch lữ hành, điểm đến và dịch vụ nên hành động khẩn trương và quyết liệt ngay từ bây giờ.

Phan Yến Ly

Mời đón xem tọa đàm trực tuyến: Du lịch sức khỏe – Xu hướng sau dịch Covid-19

Đây là chương trình do Sài Gòn Tiếp Thị cùng Sáng kiến Điểm đến an toàn thực hiện và nằm trong loạt nội dung “Họ sống thế nào trong đại dịch” của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, có sự đồng hành phát trên kênh fanpage của VTC News và Đài truyền hình Hậu Giang.
Khách mời trong chương trình này là bà Lê Thị Hồng Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Long An; bà Châu Thị Hoàng Mai, Giám đốc Khách sạn Alba Spa, Huế và dược sỹ Bùi Đắc Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, Giám đốc Khu du lịch Cánh Đồng Bất Tận. Cùng trò chuyện với các khách mời sẽ có bà Phan Yến Ly, chuyên gia xây dựng và thiết kế sản phẩm du lịch.
Mời đón xem chương trình livestream Chat với doanh nhân du lịch có chủ đề Du lịch sức khỏe – Xu hướng sau dịch Covid-19 trên fanpage của Sài Gòn Tiếp Thị, có sự đồng hành và phát trên fanpage của VTC News và Đài truyền hình Hậu Giang.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lào Cai đẩy mạnh phát triển mô hình sản xuất dược...

0
Lào Cai đang đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất dược liệu kết hợp du lịch, bao gồm du lịch kết hợp...

Đưa Đông y vào du lịch, lát cắt từ Huế

0
Ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang muốn đưa Đông y nói chung và y thuật cung đình nói riêng vào khai thác du...

Nữ CEO với ước mơ ‘Mỗi gia đình Việt có ít...

0
(SGTT) - Từng học Thạc sĩ về Phát triển cộng đồng tại Australia và có nhiều năm sinh sống ở Thụy Sĩ, nhưng chị...

Du lịch chăm sóc sức khỏe: Chặng đường dài đến kỳ...

0
Ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang có tham vọng phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe theo hướng khác biệt, tức...

Nhiều doanh nghiệp Việt tập trung phát triển du lịch xanh,...

0
(SGTT) - Phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm đang được nhiều doanh nghiệp du lịch Việt lựa chọn khi có...

Đến thăm cây di sản tại VQG Bù Gia Mập

0
(SGTT) - Trong thời gian qua, bằng những hoạt động cụ thể, Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập đang tập trung phát triển...

Kết nối