(SGTT) – Việt Nam giàu tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, hệ thống cây dược liệu và sở hữu nhiều bãi biển, suối khoáng đẹp, giàu giá trị chữa bệnh nhưng lại chưa phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe.

Du lịch chăm sóc sức khỏe (Wellness Tourism) là loại hình du lịch kết hợp nghỉ ngơi, thư giãn với một số liệu pháp thiên nhiên và thảo dược nhằm mục đích tăng cường sức khỏe, thể chất và tinh thần.

Nhiều tiềm năng thúc đẩy du lịch sức khỏe

Trong bối cảnh tương lai phải sống chung lâu dài với Covid-19 trên toàn cầu, nhu cầu an toàn, khỏe mạnh của du khách càng được quan tâm hơn bao giờ hết. Ngay khi kiểm soát được dịch bệnh, các nhân viên y tế, tình nguyện viên cần dưỡng sức sau những ngày làm việc căng thẳng nơi tuyến đầu chống dịch; các F0 khỏi bệnh cần phục hồi sức khỏe, nhóm người bị các căng thẳng tâm thần ảnh hưởng dịch bệnh cần điều chỉnh sự cân bằng cơ thể chắc chắn sẽ là các khách hàng ban đầu của du lịch sức khỏe.

Du khách đang ngâm mình thư giãn.

Theo ước tính của Global Wellness Institute (GWI), ngành du lịch chăm sóc sức khỏe toàn cầu sẽ chạm mức 919 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022. Trung bình, thị trường du lịch sức khỏe chiếm 16,67% doanh thu của du lịch trên toàn cầu.

Trong vòng 5 năm gần đây, châu Á trong đó có nhiều nước Đông Nam Á dẫn đầu cả số lượng chuyến đi lẫn doanh thu du lịch sức khỏe. Vì thế có thể đánh giá đây là một sản phẩm du lịch đầy tiềm năng và có cơ hội phát triển.

Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú với nhiều bãi biển, suối khoáng đẹp, giàu giá trị chữa bệnh. Với bờ biển dài 3.260km và 2.773 hòn đảo lớn nhỏ, Việt Nam có nhiều bãi tắm biển đẹp và thuận lợi cho du lịch nghỉ dưỡng.

Ánh nắng mặt trời, nước biển và cát là các liệu pháp chữa bệnh hiệu quả và được ưa chuộng. Theo thống kê của ngành địa chất quốc gia, nước ta có gần 400 nguồn nước khoáng nóng trên cả nước có tác dụng chữa bệnh và cung cấp nước khoáng bổ sung nhu cầu cơ thể.

Ngoài ra, Việt Nam có hệ thống cây dược liệu vô cùng phong phú, đa dạng và những bài thuốc quý về làm đẹp, tăng cường sức khỏe. Chúng ta cũng là một trong những nước đứng đầu thế giới trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền.

Tất cả những vấn đề nêu trên đã khẳng định, tiềm năng về phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe thông qua các tài nguyên và y dược học cổ truyền ở Việt Nam là rất lớn nhưng hiện chỉ có một số doanh nghiệp đầu tư những khu nghỉ dưỡng cao cấp thiên về chăm sóc sức khỏe như Yoko Onsen Quang Hanh (Quảng Ninh) với sản phẩm suối khoáng nóng, Hyatt Regency Ho Tram Resort & Spa tại Hồ Tràm (Bà Rịa – Vũng Tàu), Alba Thanh Tân (Huế )… với sản phẩm detox spa, nghỉ dưỡng, tắm bùn, khoáng.

Những món ăn thực dưỡng cũng được chú trọng tròn du lịch sức khỏe.

Các doanh nghiệp khác thì nâng cấp thêm các không gian để phát triển hệ thống tiện ích chăm sóc sức khỏe trong khách sạn, khu nghỉ dưỡng sẵn có. Một số ít công ty lữ hành cũng đã xây dựng những sản phẩm du lịch về chăm sóc sức khỏe như thiền, yoga làm phong phú thêm các đường tour.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Tuy nhiên, có thể nói Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến phát triển loại hình du lịch này ở trong nước.

Theo số liệu của Bộ Y tế, hàng năm có khoảng 40.000 người Việt ra nước ngoài để chữa bệnh – du lịch, tốn xấp xỉ 1 tỉ đô la Mỹ/năm. Các ban ngành du lịch và y tế chưa thật sự phối hợp khoa học, nhịp nhàng và chặt chẽ để phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe.

Các định hướng và quy hoạch, chính sách hỗ trợ, quảng bá cho mô hình du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam vẫn gần như chưa có. Hầu hết du khách trong và ngoài nước còn ít biết đến dịch vụ du lịch sức khỏe.

Khách đang tọa thiền dưới dòng suối khoáng nóng.

Hiện nay, do du lịch chữa bệnh vẫn còn mới, chưa phát triển toàn diện nên các điểm đến có tiềm năng chưa có nhiều sự lựa chọn tốt cho khách hàng và các doanh nghiệp lữ hành cũng chưa xây dựng các sản phẩm phù hợp nhu cầu của du khách

Tóm lại, loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe đang trở thành một trong những loại hình du lịch hấp dẫn và cần thiết đối với khách du lịch cả nội địa và quốc tế, nhất là thời điểm thế giới đã và đang trải qua giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành kéo dài. Do đó, trong thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam thật sự có nhiều cơ hội để phát triển loại hình du lịch nhiều tiềm năng nhưng đang bị bỏ ngỏ này .

Phan Yến Ly

Mời đón xem tọa đàm trực tuyến: Du lịch sức khỏe – Xu hướng sau dịch Covid-19

Đây là chương trình do Sài Gòn Tiếp Thị cùng Sáng kiến Điểm đến an toàn thực hiện và nằm trong loạt nội dung “Họ sống thế nào trong đại dịch” của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, có sự đồng hành phát trên kênh fanpage của VTC News và Đài truyền hình Hậu Giang.
Khách mời trong chương trình này là bà Lê Thị Hồng Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Long An; bà Châu Thị Hoàng Mai, Giám đốc Khách sạn Alba Spa, Huế và dược sỹ Bùi Đắc Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, Giám đốc Khu du lịch Cánh Đồng Bất Tận. Cùng trò chuyện với các khách mời sẽ có bà Phan Yến Ly, chuyên gia xây dựng và thiết kế sản phẩm du lịch.
Mời đón xem chương trình livestream Chat với doanh nhân du lịch có chủ đề Du lịch sức khỏe – Xu hướng sau dịch Covid-19 trên fanpage của Sài Gòn Tiếp Thị, có sự đồng hành và phát trên fanpage của VTC News và Đài truyền hình Hậu Giang.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây