Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024

Ngành công nghiệp xe điện cảm nhận nỗi đau khi nhu cầu chậm hơn dự báo

A.I
(SGTT) – Phá sản, hủy bỏ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), cắt giảm sản xuất, sa thải nhân viên là những tổn thương giáng vào một số hãng xe và nhà cung cấp trong ngành công nghiệp xe điện trong thời gian gần đây. Họ đã đặt cược lớn vào nhu cầu xe điện nhưng đang đứng trước tình thế khó khăn do sức tiêu thụ xe điện trên toàn cầu chậm lại trong ngắn hạn.
Tốc độ tăng trưởng doanh số xe điện trên toàn cầu dự báo chậm lại trong năm nay. Ảnh: evxl.co

Thực tế hiện nay cho thấy, đầu tư vào năng lực và phát triển công nghệ đã vượt quá nhu cầu xe điện, buộc các công ty trong ngành phải cắt giảm chi phí.

“Đó là sự thật. Tốc độ tăng trưởng doanh số xe điện đã chậm lại, tạo ra một số bất ổn, Chúng tôi sẽ sản xuất theo nhu cầu”, CEO Mary Barra của hãng xe General Motors (Mỹ), nói trong cuộc họp báo về kết quả kinh doanh hôm 30-1.

Năm ngoái, General Motors (GM) cắt giảm mục tiêu sản xuất xe điện do nhu cầu chậm lại. Nhưng bà Barra nói với các nhà phân tích rằng, GM đang lạc quan hơn vì doanh số xe điện ở Mỹ được dự báo tăng ít nhất 10% trong năm nay, từ mức khoảng 7% vào năm 2023.

Hãng Ford cũng đã cắt giảm sản lượng xe điện do tốc độ tăng trưởng doanh số tăng chậm hơn dự kiến ​​trước đây.

Tuần trước, CEO của Tesla, Elon Musk, nhấn mạnh những khó khăn trong ngắn hạn, đồng thời cảnh báo sự sụt giảm mạnh về tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng trong năm nay. Phát biểu bi quan này cùng với tỷ suất lợi nhuận của Tesla suy yếu do chiến dịch giảm giá bán để kích cầu khiến nhà đầu tư đua nhau bán cổ phiếu của hãng xe điện lớn nhất Mỹ trong trong phiên giao dịch một ngày sau đó. Cú bán tháo này khiến vốn hóa của Tesla “bốc hơi” 80 tỉ đô la Mỹ.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, những hạn chế về trạm sạc xe điện và hiệu suất kém của pin ở nhiệt độ thấp, đang khiến người tiêu dùng lo ngại”, Tim Piechowski, nhà quản lý danh mục đầu tư của ACR Alpine Capital Research, công ty sở hữu cổ phiếu GM, bình luận.

Ông cho biết thêm, phổ cập xe điện sẽ chậm hơn và sẽ trải qua một chặng đường dài hơn dự đoán ban đầu.

Tốc độ chậm hơn đó khiến một số hãng xe lo lắng và rút lại các kế hoạch liên quan đến xe điện. Hôm 29-1, hãng xe Renault của Pháp thông báo gác lại kế hoạch niêm yết cổ phiếu của mảng kinh doanh xe điện Ampere vì điều kiện thị trường chứng khoán bất lợi. Hồi tháng 9, Luca de Meo, CEO của Renault, bày tỏ kỳ vọng, Ampere sẽ được định giá lên 10 tỉ euro trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Sức tiêu thụ xe điện chậm lại cũng ảnh hưởng đến các nhà cung cấp trong ngành công nghiệp xe điện. Hôm 30-1, hãng pin xe điện lớn nhất thế giới CATL (Trung Quốc) dự đoánm tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 thấp hơn nhiều so với năm trước do thị trường xe điện của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chứng kiến nhu cầu suy yếu và cạnh tranh gay gắt.

Ngoài ra, CATL cũng đối mặt với thách thức ngày càng gia tăng từ các đối thủ nhỏ hơn. Đầu tuần này, BYD, hãng xe điện lớn nhất là nhà sản xuất pin lớn thứ hai của Trung Quốc, ước tính lợi nhuận ròng năm 2023 tăng với tốc độ chậm hơn đáng kể so với năm 2022.

Trong khi đó, tuần trước, LG Energy Solution, nhà sản xuất pin Hàn Quốc nhận định, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại trên thị trường xe điện toàn cầu trong năm nay.

“Xung lực tăng trưởng xe điện toàn cầu đang chững lại. Thị trường đang dư cung so với nhu cầu”, nhà phân tích Adam Jonas của ngân hàng Morgan Stanley đánh giá trong một báo cáo nghiên cứu gần đây.

Trong tháng này, Albemarle (Mỹ), nhà sản xuất  vật liệu pin lithium lớn nhất thế giới, cho biết đang cắt giảm nhân viên và chi tiêu vốn để ứng phó với tình trạng giá cả sụt giảm. Trang tin Information dẫn một nguồn thạo tin tiết lộ, Albemarle sẽ sa thải 4% lực lượng lao động, tương đương 300 người. Albemarle không xác nhận con số này, nhưng cho hay quyết định thu hẹp quy mô nhân sự sẽ giúp công ty tiết kiệm chi phí ít nhất 50 triệu đô la Mỹ trong năm 2024.

Tại Đức, doanh số bán xe điện của Đức giảm 16% trong năm ngoái và dự báo sẽ giảm thêm 9% vào năm 2024, bao gồm cả mức giảm 14% đối với xe điện chạy pin thuần túy, theo Hiệp hội ô tô Đức (VDA). Đây là lần đầu tiên doanh số xe điện suy giảm ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu kể từ năm 2016.

“Trợ cấp xe điện bị cắt giảm, đồng thời, nền kinh tế Đức đang gặp khó khăn. Xu hướng mua xe điện của người tiêu dùng Đức không đặc biệt rõ rệt”, nhà kinh tế trưởng Manuel Kallweit của VDA nói.

Tuy nhiên, theo VDA, sản lượng xe điện của Đức dự báo tăng 19% trong năm nay lên 1,45 triệu chiếc, với phần lớn sản lượng dành cho xuất khẩu.

Không chỉ ở Đức, nhu cầu xe điện nhìn chung đang suy yếu ở châu Âu. Ngoài ra, các nhà sản xuất ô tô trong khu vực cũng đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ giá rẻ đến từ Trung Quốc. Nhưng các công ty khởi nghiệp (startup) xe điện dường như mới là những bên cảm nhận khó khăn lớn nhất.

Hôm 29-1, hãng xe điện Arrival của Anh nhận được thông báo hủy niêm yết và đình chỉ giao dịch cổ phiếu từ sàn Nasdaq ở New York.  Nguyên nhân là do công ty chậm chậm nộp báo cáo tài chính sơ bộ và không tổ chức đại hội cổ đông thường niên.

Giống như các startup xe điện khác, Arrival đang vật lộn với lãi suất và chi phí sản xuất cao hơn trong năm qua, cũng như nguồn dự trữ tiền mặt ngày càng cạn kiệt do thị trường vốn bị siết chặt. Năm ngoái, những tân binh trong ngành xe điện như Lordstown Motors, Proterra (Mỹ) và Volta Trucks (Thụy Điển) nộp đơn làm thủ tục phá sản khi môi trường kinh tế khó khăn đè nặng lên nhu cầu và cản trở khả năng tiếp cận vốn. Tuần trước, hãng xe điện Polestar của Thụy Điển thông báo kế hoạch cắt giảm khoảng 15% lực lượng lao động, tương đương 450 người, do môi trường kinh doanh đầy thách thức.

Trong dài hạn, các nhà sản xuất ô tô sẽ tiếp tục đặt cược vào xe điện, ngay cả khi họ vẫn hưởng lợi từ nhu cầu mạnh mẽ đối với các phương tiện chạy bằng động cơ đốt trong.

“Chúng tôi biết thị trường xe điện sẽ không tăng trưởng tuyến tính. Chúng tôi đã sẵn sàng linh hoạt giữa sản xuất xe động cơ đốt trong và xe điện”, Giám đốc tài chính GM, Paul Jacobson nói hôm 30-1.

Khánh Lan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Buông dự án xe điện, Apple dồn lực cho AI tạo...

0
(SGTT) - Hãng Apple, nhà sản xuất iPhone, từ bỏ dự án xe điện để dồn nguồn lực phát triển trí tuệ nhân tạo...

Cuối tháng 2-2024, TPHCM sẽ có 70 xe điện chở khách...

0
(SGTT ) - UBND TPHCM vừa phê duyệt đề án thí điểm sử dụng xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện vận chuyển...

Hiện trạng u ám của kinh tế Trung Quốc nhìn từ...

0
(SGTT) - Thành phố Hợp Phì ở tỉnh An Huy của Trung Quốc dẫn đầu cả nước về sản xuất xe điện và các...

TPHCM dự kiến thí điểm 200 xe điện chở du khách

0
(SGTT) - Đề án thí điểm xe điện chở du khách tại TPHCM sẽ triển khai từ quí 1-2024 đến hết năm 2025. Xe...

Nhà máy pin 2 tỉ đô la ở Mỹ đặt cược...

0
(SGTT) - Với quyết định rót 2 tỉ đô la Mỹ cho một dự án sản xuất pin xe tải, các nhà sản xuất...

Xe máy nhiều hơn ô tô: chính sách ưu đãi nên...

0
(SGTT) - Ở các nước, chính sách khuyến khích xe điện chạy pin để giảm khí thải gây hại cho môi trường thường tập...

Kết nối