(SGTT) – Cuối năm, chúng tôi người có dịp tham gia buổi tổng kết của một cộng đồng du lịch nhỏ, tại đây, thông qua hình thức forum theatre (tạm dịch là hội thảo sân khấu), người viết đã được nghe nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi về “du lịch có trách nhiệm” dưới góc nhìn của những người làm du lịch lữ hành.
Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là tại sao doanh nghiệp nên đưa hoạt động du lịch có trách nhiệm vào sản phẩm trong khi tour truyền thống vẫn chạy tốt? Tại sao doanh nghiệp lại tổ chức tour nhặt rác tốn kém kinh phí trong khi thuê đội dẹp rác chuyên nghiệp tại chỗ sẽ nhanh và rẻ hơn?
- Phát triển du lịch xanh qua trải nghiệm kết nối văn hóa địa phương
- Sáng kiến Điểm đến An toàn khởi động chương trình ‘Dấu ấn xanh qua từng điểm đến’
Khi nhân viên lữ hành đi nhặt rác
Không cần tìm câu trả lời ở đâu xa, theo chuyến xe của Công ty Image Travel & Events, chúng tôi hiểu ra câu trả lời cho 2 câu hỏi trên và những ý nghĩa xung quanh việc thực hiện du lịch có trách nhiệm.
Từ rất sớm, 15 thành viên của công ty đã hẹn nhau tập trung để bắt đầu hành trình xuôi về đồng bằng sông Cửu Long mà theo chúng tôi đó là hành trình xanh, các thành viên dừng chân ở rạch Bà Năm, một con rạch nhỏ nằm ở huyện Cái Bè, Tiền Giang. Mỗi người được trang bị đầy đủ với kẹp gắp, găng tay, vợt, bao đựng cho một buổi “hành nghề” dọn rác.
Theo những chiếc xuồng nhỏ được hỗ trợ từ một nhà cung cấp địa phương, các thành viên len lỏi vào những khúc rạch, con kênh để thu gom rác. Những người chèo đò chở thành viên nói rằng, rác trôi dạt hàng ngày chủ yếu do người dân địa phương vứt xuống. Trên khúc sông yên bình len lỏi vào những đám lục bình, hàng bần, những vỏ chai, túi ni lông trôi bồng bềnh.
Trên quãng sông, nhóm tình nguyện gặp được nhiều người, có một câu hỏi đặt ra về ý nghĩa việc nhặt rác để làm gì, họ cho rằng, rác rồi sẽ trở lại như cũ vào ngày hôm sau. Dù vậy, nhưng các tình nguyện vẫn tiếp tục công việc và những bao rác vẫn được chất đầy lên chiếc xuồng và chở đến khu vực xử lý.
Anh Nguyễn Quang Hân, Trưởng phòng Kinh Doanh của Image Travel & Events, tâm sự, “Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi tổ chức tour nhặt rác, chúng tôi biết không thể dọn hết rác, nhưng chúng tôi tin tưởng vào hiệu quả của hành động chúng tôi làm đó là thay đổi ý thức của người dân và du khách. Và thật sự, mỗi năm khi quay lại đây, nhận thấy rác giảm dần, đã là món quà ý nghĩa và vô cùng hạnh phúc đối với chúng tôi”.
Cùng khách nước ngoài làm từ thiện
Nối dài hành trình xanh, sau buổi nhặt rác, xe tiếp tục lăn bánh đến nhà nuôi trẻ mô côi Hướng Dương ở tỉnh Hậu Giang. Hoạt động này còn có sự tham gia của 20 khách nước ngoài đến từ Pháp cùng đến thăm, tặng quà và tổ chức buổi tất niên cho các em bé tại nhà nuôi trẻ mồ côi nơi đây. Hiện cơ sở đang nuôi dưỡng 25 em bé có hoàn cảnh khó khăn gồm 3 em đang học cao đẳng, 12 em đang học THCS, 10 em học tiểu học và mầm non.
Đến nhà Hướng Dương lần thứ ba, ông Gigax Jean-Luc, du khách trong đoàn khách Pháp chia sẻ, khi đến lần trước, nhìn thấy điều kiện sống của các em khá thiếu thốn nên ông đã gây quỹ và rủ những người bạn của mình đến đây để giúp đỡ. Lần này, họ đã gửi tặng nhà nuôi trẻ nhiều phần quà, gồm nệm, dụng cụ học tập và tiền mặt.
Những ngày cuối năm, không gian nhỏ nơi đây trở nên ấm áp hơn khi có thêm sự góp mặt của dàn hợp xướng chuyên nghiệp đến từ vùng Alsace của Pháp. Họ đã cùng nhau hát tặng các em bài “Prendre un enfant par la main” của Yves Duteil. Nội dung bài hát: ôm các em trong vòng tay để chia sẻ những khó khăn, giúp các em có điều kiện sống tốt hơn, và mọi người luôn yêu thương các em như chính những đứa con ruột của mình.
Đến đây thì người viết ít nhiều hiểu được ý nghĩa của du lịch lịch có trách nhiệm mà các doanh nghiệp du lịch tranh luận như ở phần đầu. Có nghĩa thông qua các hoạt động như nhặt rác, thiện nguyện, doanh nghiệp du lịch không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, giúp đỡ cộng đồng mà còn mang đến cho du khách những trải nghiệm ý nghĩa, lan tỏa yêu thương.
Ngày 24-1, WAFORT (cộng đồng du lịch có trách nhiệm) đã phối hợp với Mạng lưới nghiên cứu và phát triển du lịch Việt Nam (VTR) tổ chức buổi tổng kết cuối năm. Đến tham dự buổi tổng kết có sự tham gia của hơn 30 người là đại diện các doanh nghiệp du lịch, giảng viên các trường cao đẳng, đại học. WAFORT là đối tác của chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.
Chia sẻ về những thành quả trong năm 2023, tiến sĩ Nguyễn Văn Hoàng, người sáng lập và điều phối VTR cho hay: “Năm 2023 là một năm mà VTR có nhiều hoạt động mang tính chất tình nguyện, mục đích của VTR là kết nối và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu về du lịch tại Việt Nam, góp phần nâng cao kỹ năng nghiên cứu qua các hoạt động như hội thảo, đồng thời chúng tôi cũng hỗ trợ được nhiều trong việc công bố quốc tế các nghiên cứu du lịch.Ông Phan Đông Nhựt, đại diện Sở Du lịch TPHCM cho biết: “Tôi đánh giá cao những hoạt động của VTR và WAFORT, ở đây các tổ chức đang góp phần rất nhiều trong việc tìm ra những nghiên cứu và giải pháp cho ngành du lịch. Trong năm 2024, tôi hy vọng rằng những điều mà các tổ chức đang làm sẽ được các doanh nghiệp ứng dụng vào thực tiễn”.
Phương Hà – Ngọc Khuyến