(SGTT) – Cung đường chinh phục đỉnh Nam Kang Ho Tao được xem là gian nan, khó leo bậc nhất Tây Bắc bởi địa hình phức tạp, nguy hiểm. Tuy vậy, với cảnh sắc thiên nhiên ấn tương, Nam Kang Ho Tao vẫn được nhiều du khách khám phá.
- Rừng trúc Nả Háng Tủa Chử, điểm check-in mới khi đến Mù Cang Chải
- Trekking Phia Pò, ‘nóc nhà’ xứ Lạng
Nam Kang Ho Tao thuộc địa phận bản Thào A, xã Hố Mít, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Có độ cao khoảng 2.880m, đây là ngọn núi hoang sơ, hùng vĩ bậc nhất Việt Nam. Chinh phục Nam Kang Ho Tao là cả một hành trình gian nan vất vả mà du khách phải vượt qua.
Nam Kang Ho Tao là vùng núi hoang sơ với địa hình phức tạp, hành trình chinh phục đỉnh núi này đòi hỏi thể lực, sự kiên trì và sức chịu đựng bền bỉ. Những người tìm đến chinh phục Nam Kang Ho Tao phần vì cảnh đẹp, phần vì muốn vượt qua giới hạn của bản thân.
Du khách phải vượt qua bao dốc núi trùng điệp, ghềnh đá, vách đá dựng đứng, băng qua các khu rừng nguyên sinh, khu rừng già…
Nam Kang Ho Tao còn được nhiều du khách ví von là “cung đường hành xác”. Bởi lẽ, trên đường khám phá Nam Kang Ho Tao nhiều chỗ nếu không có dây bảo hiểm, du khách phải trườn cả người, bám bằng cả chân và tay để vượt qua. Đoạn đường mất sức nhất chính là lúc băng rừng.
Đường rừng tại Nam Kang Ho Tao giống như “mê cung không lối ra”, các dấu vết đường mòn không rõ rệt, đoạn nào cũng giống nhau, người đi phải vừa đi vừa tìm đường. Địa hình nhiều vách đá, còn suối ở đây dòng chảy mạnh và khá trơn trượt, du khách cần hết sức cẩn thận khi băng qua suối.
Ngoài ra, thời tiết Nam Kang Ho Tao ban ngày nắng rát, ban đêm lạnh nhanh, có lúc sương mù do mây kéo tới không thấy đường, nhất là vào mùa đông… đây cũng là một thử thách lớn đối với người trải nghiệm. Chính vì những điều này, du khách cần phải chuẩn bị thật tốt trước khi chinh phục ngọn núi này.
Có hai thời điểm du khách có thể chinh phục đỉnh Nam Kang Ho Tao là từ tháng 2 đến hết tháng 3 và khoảng tháng 9 đến hết tháng 11. Thời tiết khô ráo, sương mù ít sẽ dễ dàng hơn cho việc xác định phương hướng.
Du khách không nên trekking cung đường này vào mùa mưa hay sau đợt mưa kéo dài. Các vách đá bám rêu khá trơn trượt, những khúc suối sẽ trở thành dòng nước cuồn cuộn nguy hiểm.
Lồ A Phổng – Khánh Minh