Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024

Mụn tiêu hoá: Sức khoẻ đường ruột ảnh hưởng đến làn da bạn như thế nào?

(SGTT) – Những người có làn da dễ bị mụn trứng cá đều biết rất rõ rằng các vấn đề về da không chỉ đơn giản là những gì bạn thoa lên mặt. Những tiến bộ trong nghiên cứu về hệ vi sinh vật đường ruột đã cho phép các nhà khoa học kiểm tra mối liên kết giữa sức khỏe đường ruột và mụn trứng cá chặt chẽ hơn bao giờ hết. 

Điểm khác biệt chính giữa mụn tiêu hóa và mụn nội tiết là gì?

Đúng như tên gọi, mụn do nội tiết là sự thay đổi của nội tiết tố gây ra các biểu hiện trên da của bạn. Nồng độ hormone tăng cao hoặc nhạy cảm với một loại hormone cụ thể, chẳng hạn như testosterone, là những nguyên nhân phổ biến. Vì cả hai đều có thể kích thích tuyến bã nhờn của da, khiến da sản xuất quá nhiều bã nhờn gây ra tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông.

Mặc dù loại mụn này thường xuất hiện ở tuổi dậy thì, nhưng ở người trưởng thành cũng cực kỳ phổ biến, đặc biệt là phụ nữ trong các giai đoạn khác nhau của chu kỳ kinh nguyệt khi hormone của họ thay đổi, rối loạn và bùng phát khi nồng độ estrogen giảm. Những người mắc hội chứng buồng trứng đa nang hoặc thậm chí cả phụ nữ đang trải qua thời kỳ mãn kinh cũng có thể gặp phải loại mụn trứng cá do nội tiết tố androgen này. 

Tuy nhiên, không chỉ testosterone góp phần gây ra mụn do nội tiết tố. Cortisol (hormone căng thẳng) cũng tác động đến làn da bằng cách làm suy yếu hệ thống miễn dịch, phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn trong ruột và trực tiếp gây ra tình trạng viêm da, bao gồm cả mụn trứng cá. 

Ảnh minh hoạ

Trong khi đó, mụn tiêu hóa phát triển dựa vào tình trạng sức khỏe đường ruột hơn là do hormone. Bác sĩ Aisling Dwyer, chuyên gia về hệ vi sinh vật đường ruột tại OptiBac, cho biết “Mặc dù sức khỏe đường ruột kém không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến sự phát triển của mụn trứng cá nhưng những người bị mụn trứng cá thường gặp phải các vấn đề về tiêu hóa hơn những người không có mụn”.

Mụn trứng cá tiêu hoá xảy ra khi lớp tế bào chết trên da quá nhiều gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Tình trạng này khiến vi khuẩn phát triển, gây ra phản ứng viêm từ hệ thống miễn dịch của cơ thể bạn. Điều thú vị là khoảng 70% tế bào miễn dịch của cơ thể cư trú trong ruột, nơi chúng chịu ảnh hưởng của hệ vi sinh vật đường ruột.

Claire Barnes, nhà trị liệu dinh dưỡng tại Bio-Kult giải thích rằng, một số lợi khuẩn (vi khuẩn có lợi) giúp kích thích các tế bào miễn dịch, điều chỉnh hệ thống miễn dịch trên khắp cơ thể bao gồm cả da. Trong khi đó, nhiều vi khuẩn gây hại có thể dẫn đến phản ứng miễn dịch, làm tăng tình trạng viêm cả trong ruột và những nơi khác trong cơ thể.

Nếu muốn xác định sức khỏe đường ruột của bạn có phải là yếu tố gây ra tình trạng mụn trứng cá hay không thì cần phải thử nghiệm. Nếu bạn bị mụn trứng cá, bạn nên cố gắng tăng cường ăn các loại thực phẩm chứa prebiotic – loại thực phẩm mà lợi khuẩn đường ruột thích ăn – đồng thời bổ sung men vi sinh (chế phẩm chứa lợi khuẩn), từ đó theo dõi sự cải thiện của làn da.

Tuy nhiên, có một số rối loạn đường ruột khác cũng liên quan đến mụn trứng cá. SIBO (hay sự phát triển quá mức của vi khuẩn của ruột non) được chứng minh là phổ biến hơn gấp 10 lần ở những người bị mụn trứng cá. Những nghiên cứu này chỉ ra tầm quan trọng của sức khỏe đường ruột của chúng ta đối với làn da. 

Làm cách nào để cải thiện sức khỏe đường ruột khi bị mụn trứng cá?

Bên cạnh việc xác định loại mụn mà bạn đang gặp phải để tiến hành xây dựng chu trình chăm sóc da hiệu quả nhất thì có một số điều bạn có thể làm tại nhà để giúp giảm thiểu tác động của mụn và cải thiện sức khỏe tổng thể của làn da bằng cách tập trung vào sức khỏe đường ruột.

Để tối ưu hóa hệ vi sinh vật trong cơ thể bạn và khắc phục mọi sự mất cân bằng giữa các vi khuẩn đường ruột, bạn cần có cách tiếp cận theo hai hướng. Đầu tiên, tập trung vào việc bổ sung lợi khuẩn thông qua việc bổ sung men vi sinh. Bác sĩ Jack khuyên “Hãy tìm kiếm một loại thực phẩm bổ sung có chứa khoảng 30 tỷ đơn vị hình thành khuẩn lạc (CFU), đồng thời bổ sung bifidobacterium và lactobacillus” .

Tiếp theo, bạn sẽ cần nuôi những lợi khuẩn đó bằng prebiotic để chúng phát triển và nhân lên. Ông cho biết thêm “Bao gồm các thực phẩm lên men như rau củ ngâm, kombucha, kefir, rau sống, tỏi tây, hành tây, Atisô Jerusalem (cây cúc vu) và măng tây, cũng như tỏi sống, đặc biệt là rễ rau diếp xoăn”.

Chỉ bổ sung prebiotic và men vi sinh thôi là chưa đủ. Tập trung vào một chế độ ăn lành mạnh, nhiều trái cây và rau quả có màu sắc rực rỡ, nguồn chất béo lành mạnh và protein chất lượng tốt. Chế độ ăn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp cũng cho thấy các triệu chứng mụn trứng cá được cải thiện. Vì vậy hãy tránh các thực phẩm có đường, thực phẩm chế biến sẵn và carbohydrate tinh chế.

“Hãy lấp đầy tủ lạnh của bạn những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa bao gồm vitamin C,E và B5, axit béo omega-3, retinoids (vitamin A) và các khoáng chất vi lượng như kẽm” – Bác sĩ Jack nói.

Các loại cá có dầu như cá hồi, cá thu và cá trích là nguồn cung cấp axit béo omega-3 tuyệt vời, đóng vai trò quan trọng trong việc làm dịu tình trạng viêm da. Nếu bạn là người ăn chay, hãy chọn quả óc chó, hạt lanh, hạt chia và đậu nành. Bổ sung các loại gia vị chống viêm như nghệ, tiêu đen, gừng, quế, đinh hương, tỏi và ớt cayenne. Ăn các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật là cách để tối đa hóa mức độ chất chống oxy hóa và chất chống viêm trong thực phẩm.

Trong khi đó, các sản phẩm từ động vật – đặc biệt là sữa, cũng như các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo và đường đã qua chế biến, được chứng minh là gây ra mụn trứng cá vì đường trong máu gắn với protein và tạo ra các gốc tự do có hại, hay còn gọi là sản phẩm cuối glycation tiên tiến (AGEs). Những thứ này được cho là kích hoạt hệ thống miễn dịch, gây viêm. Tương tự, thực phẩm được nấu bằng quá trình làm nóng, khô như chiên và nướng thường chứa nhiều phân tử phản ứng và AGEs, vì vậy các kỹ thuật nấu như hấp, luộc được cho là lành mạnh hơn.

Một số người có tình trạng mụn nhận thấy sự cải thiện khi áp dụng chế độ ăn thuần chay, nhưng tất nhiên bạn vẫn cần cân nhắc về tình trạng sức khỏe trước khi thực hiện những thay đổi lớn với chế độ ăn của mình. 

Ảnh minh hoạ

Bất kể loại mụn bạn đang gặp phải hay các biểu hiện trên da mà bạn đang muốn kiểm soát là gì, hãy cải thiện sức khỏe đường ruột của bạn bằng cách tập trung vào chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, giàu chất xơ hỗ trợ sức khỏe, và sự đa dạng lợi khuẩn là bước đầu tiên trên con đường hướng tới làn da khỏe mạnh, sáng mịn.

Theo Women’s Health và Netdoctor

Tường Uyên tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Váy búp bê – xu hướng hot trong thời trang hè...

0
(SGTT) - Váy búp bê hay babydoll là một trong những xu hướng thời trang được ưa chuộng trong mùa hè năm 2024. Kiểu...

Cách chăm sóc và bảo vệ da khỏi chất tẩy trong...

0
(SGTT) - Bơi lội là hoạt động thể chất được nhiều người yêu thích vào mùa Hè. Tuy nhiên, việc thường xuyên tiếp xúc...

‘Thải độc’ da đầu để có mái tóc chắc khỏe

0
(SGTT) - Giống như da mặt, da đầu cũng cần được “thải độc” để giúp kích thích tuần hoàn máu, loại bỏ các tạp...

Cách phục hồi và ngăn ngừa cháy nắng hiệu quả trong...

0
(SGTT) - Cháy nắng có thể gây đau đớn và làm tăng nguy cơ ung thư da. Trong bài viết này, mời bạn đọc...

Phân biệt các loại tinh chất dưỡng ẩm: emulsion, serum, essence...

0
(SGTT) - Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều các dòng sản phẩm dưỡng ẩm cho da, với nhiều tên gọi khác nhau....

Da mụn có nên sử dụng dầu tẩy trang?

0
(SGTT) - Dầu tẩy trang là một trong những dòng sản phẩm được nhiều người có làn da dầu, mụn ưa dùng. Vậy chính...

Kết nối