Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024

Mùa thi sắp tới, tư vấn tâm lý học đường hóa giải những áp lực và cảm xúc tiêu cực

(SGTT) – Các chuyên gia cho rằng, không chỉ học sinh mà giáo viên và phụ huynh cũng cần được tham vấn tâm lý để hóa giải những áp lực và chuyển hóa cảm xúc tiêu cực.

Lắng nghe và thấu hiểu để giúp đỡ trẻ

Sau thời gian dài học trực tuyến, nhiều học sinh không tránh khỏi trạng thái mệt mỏi, căng thẳng. Không thể gặp bạn bè để tương tác trực tiếp, không được vận động, điều này khiến sức khỏe và tâm lý của các em có phần ảnh hưởng. Để giúp các em vượt qua được khó khăn này, rất cần sự đồng hành của các bậc phụ huynh cũng như nhà trường.

Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM), cho rằng, chương trình giáo dục hiện nay là quá nặng đối với học sinh và chính các em là những người bị áp lực nhiều nhất: phải học nhiều, học giỏi. Sức học của các em không giống nhau, có những học sinh có kết quả tốt, nhưng cũng có những em không đạt được mục tiêu đề ra.

Theo ông Điệp, điều này lại tạo áp lực lên chính giáo viên bởi kết quả học tập của học sinh lại ảnh hưởng trực tiếp đến điểm thi đua của giáo viên. Căn bệnh thành tích đã khiến giáo viên bị trừ điểm thi đua, thậm chí bị trừ lương nên đã có những trường hợp giáo viên làm sai.

Trong khi đó, trước sức ép về việc con mình phải học giỏi, phụ huynh cho con học thêm, học trước. Cộng với sự thiếu kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con, các bậc cha mẹ đã tạo ra những áp lực không đáng có đối với con của mình.

Tư vấn tâm lý học đường rất cần sự đồng hành của nhà trường và phụ huynh học sinh. Ảnh: Hoài Thu

Còn theo bà Phan Thị Lan Hương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em, Liên hiệp các Hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam, mỗi cấp học sẽ có những thay đổi khác nhau về tâm sinh lý. Riêng lứa tuổi THCS và THPT, các em sẽ có thay đổi lớn liên quan đến tâm, sinh lý. Nếu như các bậc phụ huynh không nắm bắt kịp thời sự thay đổi này của các em, khoảng cách, thậm chí là xung đột, mâu thuẫn sẽ xảy ra.

“Nhiều học sinh gặp trở ngại về tâm lý có liên quan đến gia đình. Thông qua những bức thư gửi bố mẹ của trẻ, tôi nhận thấy: Bố mẹ cần có sự thay đổi về cách ứng xử, giáo dục con cái sao cho phù hợp. Thực tế giới trẻ cũng có nhiều áp lực, đôi khi không đến từ bố mẹ hay thầy, cô, nhà trường, mà có những em tự tạo áp lực cho mình. Hoặc áp lực từ trong cuộc sống, môi trường xã hội xung quanh…”, bà Hương nói.

Bà Hương chia sẻ, nếu các bậc phụ huynh không biết cách giải toả, ứng xử phù hợp, các em dễ rơi vào trạng thái buồn bã, luôn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, lo âu. Nếu bố mẹ lại không biết cách xoa dịu, xung đột xảy ra là điều dễ hiểu.

“Vẫn biết, trong cuộc sống bố mẹ có nhiều áp lực, nhưng chúng ta không thể đòi hỏi trẻ phải hoàn thiện bản thân. Hãy cho các em quyền được sai. Bởi có sai mới trưởng thành. Vì thế, phụ huynh phải biết cách và hãy là nhà tâm lý cho con em của mình”, bà Hương nhấn mạnh.

Trong khi đó, Tiến sĩ Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý, Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, cha mẹ và người lớn cần bình tĩnh, kiên trì, tôn trọng, lắng nghe và thấu hiểu để giúp đỡ trẻ. Tránh xu hướng áp đặt, bạo lực có thể gây ra những phản ứng tiêu cực khác.

Chẳng hạn, trẻ đi chơi về khuya không xin phép bố mẹ, trong trường hợp này bố mẹ cần bình tĩnh, nói chuyện, giải thích cho các em hiểu về hành vi chưa phù hợp của mình. Từ đó thiết lập những điều thống nhất chung giữa cha mẹ và con cái.

Tạo không gian vui chơi cho trẻ

Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp nêu quan điểm, các chương trình giáo dục, các kỳ thi chuyển cấp, hết cấp không nên quá nặng, tránh gây áp lực lớn cho học sinh, tạo điều kiện cho các em có nhiều điều kiện vui chơi hơn. Đây là điều kiện quan quan trọng giảm bớt căng thẳng tâm lý cho học sinh.

Các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ góp phần giảm stress cho học sinh. Ảnh: Nam Sơn

Đặc biệt, các tổ chức đoàn thể, trước hết là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở cả phạm vi nhà trường và cộng đồng tổ chức nhiều hoạt động để thu hút học sinh tham gia, nhằm giảm áp lực từ học tập của các em, thỏa mãn các nhu cầu tinh thần lành mạnh của học sinh.

Song song với đó, các cấp chính quyền tạo điều kiện cho học sinh có không gian để các em thực hiện các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ, trước hết ở các khu dân cư, thôn, bản. Đây là các hoạt động cần thiết và bổ ích để giải tỏa căng thẳng tâm lý của học sinh.

Các hoạt động truyền thông về vấn đề cô đơn, căng thẳng tâm lý của học sinh và trẻ em nói chung cần được đẩy mạnh để các cấp quản lý, nhà trường, cha mẹ học sinh hiểu đầy đủ hơn về thực trạng cô đơn, căng thẳng tâm lý của học sinh và trẻ em, qua đó có các biện pháp hỗ trợ các em một cách hiệu quả.

Đinh Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM sẽ ưu tiên vốn xây thêm 4.500 phòng học

0
(SGTT) - Từ đây đến năm 2025, TPHCM sẽ tập trung vào giải quyết những vướng mắc về quỹ đất, ưu tiên bố trí...

Mùng 3 Tết thầy

0
(SGTT) - Hơn 10 năm qua, lớp chủ nhiệm đầu tiên của thầy Lê Hữu Phúc vẫn giữ truyền thống "mùng 3 Tết thầy"...

Giấy chứng nhận nghề: cẩn trọng để không trở thành sự...

0
(SGTT) - Khi soạn thảo Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến đưa quy định nhà giáo phải có giấy...

Đại học Nam Cần Thơ khánh thành khu thực hành du...

0
(SGTT) - Nhân kỷ niệm 11 năm thành lập, Trường Đại học Nam Cần Thơ (DNC) đã khánh thành Khu thực hành du lịch...

Đại học Nam Cần Thơ trao áo choàng trắng, truyền tải...

0
(SGTT) - Tối ngày 8-1, trường Đại học Nam Cần Thơ đã tổ chức Lễ trao áo choàng trắng và lời tuyên thệ của...

‘Cối xay gió’ của một thầy giáo dạy văn

0
(SGTT) -  Bộ phim “Thầy dạy thay” cho thấy cuộc chiến đơn độc của một thầy giáo dạy văn trong thời hiện đại. Cuộc...

Kết nối