Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024

Mùa dịch, blogger du lịch rẽ hướng làm blogger ẩm thực

(SGTT) – Sở hữu bộ sưu tập những chuyến hành trình đáng ngưỡng mộ qua 92 nước trên khắp năm châu, blogger du lịch Nguyễn Hoàng Bảo bất ngờ rẽ sang lĩnh vực ẩm thực và nhận được nhiều lời khen, ủng hộ từ cộng đồng mạng.

Anh Nguyễn Hoàng Bảo, blogger du lịch nổi tiếng với biệt danh “Những bước chân”, sinh năm 1976, quê ở Vĩnh Long. Từ năm 1990 đến năm 2019, anh Hoàng Bảo đã thực hiện nhiều chuyến hành trình qua 92 nước trên khắp năm châu. Trong đó, nổi danh trong cộng đồng những người yêu xê dịch là hành trình đi theo hai cung đường nguy hiểm nhất của con đường tơ lụa là cao nguyên Pamir và dãy núi lớn Karakoram năm 2015 và năm 2016. Khi trở về, anh đã ra mắt cuốn sách “Độc hành” miêu tả chi tiết về chuyến đi này.

Anh Nguyễn Hoàng Bảo tại Mông Cổ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đam mê những cung đường khó đi

Chỉ thích khám phá những nơi khắc nghiệt, đầy thử thách, anh Hoàng Bảo đã chọn con đường rất “khó nhằn”, ít ai dám nghĩ đến như hành trình đến Nam Mỹ theo dấu chân người Inca đến thành cổ Machu Picchu ở Peru (năm 2015), thành Jerusalem ở Israel và thánh địa Petra ở Jordan (năm 2014), Kenya – nơi ở của người Maasai ở châu Phi (năm 2016), Tây Tạng trên chuyến tàu ở độ cao 5.000m (năm 2006), thử thách Lưỡi Quỷ ở Na Uy năm 2019, hành trình 30 ngày ở châu Âu năm 2019…

Anh Nguyễn Hoàng Bảo trải nghiệm trên cung đường Karakoram nguy hiểm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dài nhất là hành trình đi ngược con đường tơ lụa xuyên vùng Trung Á và Trung Đông kéo dài hai tháng, đặt chân lên 7 nước gồm Turkmenistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Kuwait, Iran, Pakistan.

Anh tâm sự: “Chinh phục những cung đường ít dấu chân người luôn là động lực để tôi thử thách giới hạn bản thân, qua đó khám phá chính mình. Ngoài ra, những địa danh này giúp tôi tìm hiểu về nhiều nền văn minh bí hiểm và những vùng đất xa lạ. Chỉ khi đối diện trước thiên nhiên, mới thấy được mình có trái tim rộng mở hơn”.

Có mồ hôi, nước mắt và cả nụ cười

Con đường dài thăm thẳm đầy nguy hiểm và thời tiết khắc nghiệt là những trở ngại mà blogger “Những bước chân” thường phải vượt qua. Chuyến hành trình đáng nhớ gần nhất là vào mùa hè năm 2019 khi anh chinh phục Lưỡi Quỷ (Trolltunga) ở Na Uy vào ngày có thời tiết không thuận lợi. Vừa trải qua chuyến xe buýt đêm đến thị trấn, anh buộc phải leo núi ngay trong ngày vì nghe dự báo hai hôm sau thời tiết sẽ mưa lớn. Không chuẩn bị thể lực, khá đói và mệt nhưng anh phải leo núi từ 5:30 đến 21:00 trong ngày cho lộ trình 30km. Chậm rãi, chịu khó, không gắng quá sức và kiên trì từng bước một đã giúp anh chinh phục được Lưỡi Quỷ, nơi không dành cho những người không chuẩn bị đầy đủ thể lực.

Anh Nguyễn Hoàng Bảo ở Lưỡi Quỷ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh chia sẻ bí quyết: “Đối với những chuyến đi gian nan như thế này, tôi thường tìm hiểu thông tin trên cẩm nang du lịch Lonely Planet, các nhóm trên mạng xã hội và một số ứng dụng du lịch của nước ngoài. Sau đó tôi bắt đầu lên lịch trình những nơi mình yêu thích, đặt trước các dịch vụ, xin visa, chuẩn bị hành lý và rèn luyện sức khỏe”.

Những nỗ lực vượt qua các chuyến đi bão táp của anh cũng không bỏ công khi anh nhận lại được nhiều điều bổ ích và lý thú. Đó là kiến thức, những trải nghiệm thực tế và cảm xúc đọng lại trong mỗi hành trình. Anh khám phá ra nhiều bài học về văn hóa, con người, thiên nhiên và đặc biệt là những vấn đề về môi trường sống. Những nơi xa xôi như hòn đảo Mặt Trời giữa hồ Titicaca (Nam Mỹ) cho anh nhiều trải nghiệm: Từ văn hóa của người Inca với những công trình bằng đá trường tồn hàng trăm năm với thời gian, cách họ sinh sống trên hồ nước hàng nghìn năm qua, cách họ sử dụng lá coca như một phương thuốc tăng cường sức khỏe, cách bảo vệ môi trường trên hòn đảo khi họ không sử dụng những vật liệu gây ảnh hưởng đến môi trường sống… Anh trải lòng: “Có quá nhiều trải nghiệm và những bài học để cho tôi học hỏi về cuộc sống. Hãy bảo vệ văn hóa từ lối sống bình dị và thân thiện nhất của mình, nhất là đối với môi trường sống của chúng ta”.

Tại hồ Titicaca, Nam Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Giấc mơ lớn bị bỏ dở

Nếu không có dịch bệnh Covid-19, blogger “Những bước chân” đã thực hiện dự án lớn trong sự nghiệp xê dịch của anh. Đó là dự án “Vẽ chân dung người Việt khắp năm châu”. Anh cho biết “Kế hoạch của tôi về dự án này đã hoàn tất từ giữa năm 2019 từ việc chuẩn bị lịch trình, sức khỏe và tài chính. Nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tôi đã bắt đầu hành trình từ giữa năm 2020. Tôi mong muốn vẽ chân dung người Việt khắp năm châu bằng những câu chuyện của chính họ, do họ kể cho tôi nghe trong hành trình mà tôi sẽ thực hiện qua hơn 100 quốc gia trên thế giới trong 1.000 ngày. Sau chuyến đi, có thể tôi sẽ ra mắt quyển sách ghi lại những câu chuyện đó”.

Dự án của anh mang tên “sinh ra để bước đi trong trời” dự tính thực hiện với hơn 20 điểm đến trong danh sách mơ ước của anh như đến Nam Cực, trải nghiệm ngôi làng Oymyakon lạnh nhất thế giới, đi trên chuyến tàu xuyên qua Sibir đến hồ Balkan, leo núi Roraima hay thăm vườn thú Yemen…

Trở thành blogger ẩm thực trong những ngày giãn cách xã hội

Hiện tại, tạm gác công việc giảng dạy tại khoa Thương mại và Du lịch, trường Đại học Công nghiệp TPHCM, anh Hoàng Bảo đang làm nghề viết lách tự do cho các tạp chí về mảng du lịch và viết sách du ký. Đặc biệt, anh đang là blogger ẩm thực được biết đến nhờ tài nấu ăn không thua gì đầu bếp chuyên nghiệp. Anh cho biết: “Do giãn cách xã hội nên tôi mới nhớ là mình cũng rất yêu thích ẩm thực và hay chia sẻ những món tôi nấu trên Facebook. Tôi thường nấu các món ăn thuần Việt Nam và một vài món mà tôi đã thưởng thức trên hành trình khám phá thế giới của mình”.

Là người sành ăn, anh đặc biệt yêu thích các món ăn địa phương của các nước như món Tianjin bò hầm ở Maroc, cá nướng ở hồ Hallstatt, gỏi Som Tum cay ở Thái Lan, món lẩu Tứ Xuyên ở Thành Đô (Trung Quốc)…

Món Tianjin bò hầm ở một nhà hàng tại Maroc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mỗi chuyến đi, anh thường tìm hiểu cách nấu ít nhất một món đặc sản ở nơi anh đến. Nếu một gia đình ở địa phương nào đó có nhã ý hướng dẫn anh nấu món ăn truyền thống thì sẽ được anh ưu tiên chọn trong chuyến hành trình. Có đi nhiều nơi, anh mới thấy ẩm thực ở châu Á là đa dạng và phong phú nhất. Trong đó, đối với anh, ẩm thực Việt Nam vẫn là số một, cái hay thể hiện rất rõ qua văn hóa ẩm thực của từng vùng miền khác nhau.

Không chỉ thích ăn, anh nấu “rất nghề” nhiều món truyền thống của Việt Nam như phở bò, cơm tấm, gỏi cuốn, bún cá, bún bò Huế… Anh nấu ăn giỏi là nhờ học từ người mẹ và bà nội của anh. Anh kể: “Bà nội của tôi nấu ăn rất ngon, nhất là các món ăn truyền thống mà bà đã từng làm ở những buổi cúng cơm, đám tiệc gia đình vào dịp lễ, Tết. Tôi thủ sẵn các món này để khi có cơ hội tôi sẽ nấu để quảng bá ẩm thực Việt Nam cho nhiều người biết ở những nơi tôi đi qua”.

Anh Nguyễn Hoàng Bảo làm bánh nhím nhân dừa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngoài nấu các món mặn, anh còn đam mê làm các loại bánh dân gian. Một trong các loại bánh được ưa chuộng là bánh dứa. Đây là loại bánh xuất phát từ Đài Bắc (Trung Quốc) nhưng được chế biến theo hương vị riêng của anh. Loại bánh dứa được thực hiện khá cầu kỳ và hoàn toàn thủ công với bốn hương vị đặc trưng gồm loại nhân truyền thống, nhân trà xanh, nhân muối ớt và nhân trứng muối than tre. Được nhiều người hâm mộ ủng hộ, anh chuyển sang kinh doanh các loại bánh, nhất là bánh dứa mang thương hiệu “Những anh thầy khó tính”.

Khi được hỏi về ngã rẽ đầy bất ngờ nhưng cũng rất thú vị này, anh cho biết: “Rất có thể tôi vẫn tiếp tục thử sức với lĩnh vực ẩm thực vì đã nhận được khá nhiều lời khen lẫn động viên trong công việc mới này, nhưng dĩ nhiên tôi cũng sẽ không quên những chuyến đi kế tiếp của mình, sau khi dịch bệnh qua đi”.

Quỳnh Châu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề