Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Mua bán dược phẩm online: Mảnh đất “màu mỡ” cho thuốc giả hoành hành

(SGTT) - Hiện nay, rất nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội có nội dung gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh. Lợi dụng những sơ hở trong quá trình hậu kiểm, nhiều cá nhân và doanh nghiệp đã đưa ra thị trường những loại thuốc giả, thực phẩm chức năng kém chất lượng qua nền tảng kết nối trực tuyến, mạng xã hội và dịch vụ tin nhắn.
Nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội đang bị thổi lên quá mức về công dụng, thậm chí còn quảng cáo như thuốc chữa bệnh. Ảnh chụp màn hình

Trong hai năm vừa qua, Bộ Y tế đã nhiều lần cảnh báo tình trạng thuốc điều trị giả, tẩy hạn sử dụng thuốc để bán, trục lợi khi nhu cầu thị trường tăng cao. Đáng chú ý, thị trường tự do trong thời gian vừa qua cũng xuất hiện các loại thuốc được người bán quảng cáo là molnupiravir sản xuất tại Nga, Trung Quốc… trên bao bì nhãn hiệu ghi bằng tiếng Nga, Trung Quốc, không được Bộ Y tế cấp phép.

Trước đó, ngày 10-6, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an TPHCM đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả (có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19) với quy mô lớn. Khám xét tại các nhà máy sản xuất thuốc, xưởng ép vỉ, đóng gói thuốc thành phẩm tại huyện Bến Lức, Thủ Thừa, tỉnh Long An và nhiều địa điểm cất giữ thuốc thành phẩm ở TPHCM; lực lượng công an đã phát hiện, thu giữ khoảng 1.000.000 viên thuốc tân dược giả thành phẩm cùng hàng chục máy móc, dây chuyền sản xuất, ép vỉ, đóng gói thuốc tân dược giả.

Mua bán thuốc online: Tiềm ẩn nguy cơ khó lường

Hiện nay, một số cơ sở sản xuất đã lợi dụng những sơ hở, buông lỏng hậu kiểm để qua mặt, lừa dối cơ quan quản lý, đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là hàng giả, hàng nhái.

Tại hội thảo “Thuốc - thực phẩm chức năng - giải pháp an toàn thực phẩm và bảo vệ thương hiệu nâng cao chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp” do Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM tổ chức ngày 20-7, PGS. TS. Lê Văn Truyền, Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch hội đồng tư vấn cấp phép lưu hành thuốc, cho biết dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm, sản phẩm vệ sinh và khử khuẩn… đều là những sản phẩm có liên quan đến sức khỏe người dùng.

Các tội phạm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đã sử dụng công nghệ thông tin để sản xuất và phân phối hàng giả đến người tiêu dùng thông qua nền tảng kết nối trực tuyến, mạng xã hội và dịch vụ tin nhắn.

Sức hút của thị trường dược phẩm làm cho số lượng các nhà thuốc sản xuất và kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe tăng vọt. Theo ông Truyền, ngay cả trước đại dịch Covid-19 đã bùng nổ tình trạng kinh doanh trực tuyến, quảng cáo qua mạng xã hội, tư vấn trực tiếp cho người dùng qua điện thoại, bán hàng đa cấp, chuyển hàng qua bưu điện hoặc qua người vận chuyển…

Đến khi dịch Covid-19 hoành hành, một số đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng có tác dụng tiêu diệt virus SARS-CoV-2. Thậm chí, để nâng cao uy tín cho sản phẩm, có những đơn vị đã sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế, nghệ sĩ nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm.

Nhiều quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội có nội dung “lập lờ đánh lận con đen”, gây hiểu nhầm. Không ít người vì tin lời quảng cáo nên đã chi rất nhiều tiền mua sản phẩm. Tuy nhiên, bệnh không thuyên giảm, mà bỏ lỡ quá trình điều trị, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng.

Lực lượng chức năng thu giữ các lô hàng ghi nhãn thuốc hỗ trợ điều tị Covid-19 nhưng không rõ nguồn gốc.

Giải pháp chống thuốc giả, thực phẩm chức năng kém chất lượng

Thông tin về thị trường ngành dược, Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, quy mô thị trường thuốc giả toàn cầu vào khoảng 80 tỉ đô la Mỹ. Trung Quốc, Ấn Độ, Hồng Kông và Singapore là những nơi sản xuất thuốc giả chủ yếu. Ngoài Trung Quốc và Ấn Độ là các quốc gia có nhiều tổ chức sản xuất thuốc giả, thì các Tiểu vương quốc Ả rập, Singapore, Hồng Kông, Yemen, Iran là những thị trường trung chuyển, từ đó thuốc giả có thể xâm nhập Châu Phi, Châu Âu và cả Hoa Kỳ.

Ở Việt nam, ngoài dược phẩm, thị trường sản phẩm bảo vệ sức khỏe cũng tăng vọt do mô hình bệnh tật của người Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình các bệnh mạn tính, do tuổi thọ tăng, do thu nhập của người dân tăng và khuynh hướng tăng cường bồi dưỡng, nâng cao sức khỏe để phòng chống dịch bệnh.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thói quen tích trữ thuốc men, thực phẩm, sản phẩm bảo vệ sức khỏe mức cần thiết, đặc biệt là thuốc điều trị các bệnh mạn tính… Vì vậy, các tổ chức tội phạm đã nhanh chóng tận dụng cơ hội và nhu cầu của người dân để bán dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong đại dịch.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, giới tội phạm đã sử dụng công nghệ cao trong sản xuất và buôn bán hàng giả, ông Truyền cho rằng các nhà quản lý và sản xuất cũng nên sử dụng các công nghệ tiên tiến khác nhau để tự bảo vệ sản phẩm.

Để quản lý tốt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, một số chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp nên áp dụng các công nghệ tiên tiến như công nghệ chuỗi khối truyền tải dữ liệu an toàn trên hệ thống mã hóa (blockchain), internet vạn vật (IoT), nhận dạng qua tần số vô tuyến, xử lý ảnh kỹ thuật số…

Đặc biệt RFID, sử dụng trường điện từ tự động nhận dạng và theo dõi các thẻ hỗ trợ được gắn vào sản phẩm để theo dõi sản phẩm từ khâu sản xuất và quá trình phân phối đến tận người tiêu dùng là hết sức có hiệu quả.

Khi giới tội phạm, với lợi nhuận kếch xù của các hoạt động buôn lậu và hàng giả, không ngần ngại đầu tư sử dụng công nghệ cao trong sản xuất và buôn bán hàng giả, nếu các nhà quản lý và doanh nghiệp chân chính không sử dụng các giải pháp công nghệ cao hơn thì cuộc chiến chống hàng giả khó giành được kết quả mong muốn để bảo vệ người tiêu dùng, PGS. TS. Lê Văn Truyền, Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

Cũng theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, những sai phạm xảy ra trong mua bán dược phẩm ngày càng tinh vi và nhanh. Khi phát hiện hàng gian, hàng giả, các cơ quan quản lý sẽ xử phạt. Tuy  nhiên, con số sản phẩm hàng giả, hàng gian lưu hành trên thị trường có thể gấp 9-10 lần so với thực tế. Vì vậy, để chống hàng giả một cách hiệu quả, các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm cần sớm đưa các giải pháp công nghệ vào quản lý, truy vết sản phẩm.

Để giải quyết bài toán hàng giả trong dược phẩm, cũng như các sản phẩm khác trên thị trường, ông Phạm Văn Thọ, Giám đốc Chi nhánh Trung tâm công nghệ chống hàng giả Việt Nam tại TPHCM, cho biết các cơ sở sản xuất và kinh doanh có thể sử dụng Truedata - giải pháp chống hàng giả thông qua truy vết sản phẩm. Theo đó, đường đi của sản phẩm song song với đường đi của dữ liệu. Với khả năng truy vết, Truedata giúp kết nối từ nhà sản xuất, nhà phân phối, đơn vị vận chuyển (logistics) cho đến cơ quan quản lý và người tiêu dùng.

Dữ liệu của sản phẩm được tạo ra tự động, nhưng khi sản phẩm được vận chuyển hay phân phối đến tay người tiêu dùng đều thông qua các trạm nhập - xuất được lắp đặt trên hành trình lưu thông của sản phẩm, ông Thọ cho biết thêm.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối