(SGTT) – Hơn 10 ngày qua, anh Khương Duy, chủ một quán cà phê ở TP Thủ Đức và các tình nguyện viên đã góp nguyên vật liệu, tiền bạc và sức lực để nấu và vận chuyển hàng trăm suất cơm đến các bác sĩ, nhân viên y tế đang làm việc tại Bệnh viện Bình Dân, TPHCM.
- Câu chuyện về những "đơn hàng đặc biệt" ấm áp tình người
- Tình nguyện viên chống dịch: Đón tuổi mới ở một nơi đặc biệt
Không thể ngồi yên được nữa
8:00 sáng, trong căn bếp nhỏ, không khí khẩn trương bao trùm gian bếp của anh Duy người đứng ra tổ chức bếp ăn thiện nguyện là chủ một quán cà phê ở TP Thủ Đức.
Trong gian bếp này, mỗi người một việc. Người sơ chế nguyên vật liệu, người nêm nếm, đảo bếp. Mọi người tỉ mỉ chuẩn bị các suất ăn tiếp sức các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch tại Bệnh viện Bình Dân, TPHCM.
Chia sẻ về cơ duyên nấu các suất ăn miễn phí cho các bác sĩ chống dịch, anh Duy cho hay, thời gian này các y bác sĩ của Bệnh viện Bình Dân ai nấy đều rất bận rộn, vất vả bởi trong việc điều trị, chăm sóc người nhập viện do Covid-19. Do đó, anh nảy ý tưởng định mượn bếp của các quán nghỉ để nấu ăn và chuyển vào cho y bác sĩ tuyến đầu.
“Đây là lần đầu tiên mình tự đứng ra tổ chức thiện nguyện, do thấy được sự khó khăn của các y bác sĩ tuyến đầu, muốn góp chút sức lực ủng hộ. Cảm giác hiện tại của mình là không thể ngồi yên được nữa, phải làm một điều gì đó để chung tay cùng cộng đồng”, anh Duy chia sẻ.
Mỗi ngày cung cấp 120 suất ăn miễn phí
Tận dụng bếp của một quán ăn đang tạm ngưng hoạt động trong khu kinh doanh phức hợp của bản thân, hằng ngày anh Duy cùng với các tình nguyện viên chuẩn bị suất ăn trưa cho các bác sĩ. Trung bình mỗi ngày, bếp anh Duy đảm nhận cung cấp 120 suất ăn miễn phí.
“Bên mình nấu 60 phần cơm cho buổi trưa. Và chiều thì nấu thêm 60 phần ăn là các món nước như bánh canh, nui, bún bò… để gửi tặng các y bác sĩ. Do mình nghĩ sau một ngày mệt mỏi thì ai cũng muốn ăn gì đó lạ miệng, kích thích vị giác hơn. Ngoài ra, khi có những phần ăn dư mình sẽ đi phát thêm cho các chốt gác và cư dân khó khăn ở xung quanh khu vực bếp”, anh Duy nói.
Hằng ngày, anh Duy thức dậy sớm đi mua nguyên liệu, lựa thịt cá, rau thịt tươi đã lên theo danh sách chuẩn bị trước. Sau đó, các anh em trong bếp hỗ trợ nhau cùng nấu, mỗi người một việc ủng hộ và thực đơn bữa ăn được thay đổi mỗi ngày.
Bình quân một ngày, anh Duy sử dụng trung bình 14kg thịt tùy loại, 5kg gạo cho buổi trưa, các loại rau củ quả, thực đơn chiều thì tuỳ món mà sẽ đặt mua bánh canh, nui, bún…
Anh Duy cho biết hiện tại các nguồn rau củ và cá chủ yếu được các mạnh thường quân và đội nhóm phản ứng nhanh hỗ trợ. Thịt heo hay gà thì sẽ xuất quỹ để mua quỹ thì do bạn bè người quen biết mình nấu bếp nên ủng hộ.
“Bếp bên mình hiện đang có 6 người, chủ yếu là nhân viên của các quán đang tạm nghỉ khi biết mình mượn bếp nấu từ thiện thì họ chung tay phụ giúp. Hầu hết cũng đang thất nghiệp không có lương nhưng đối với việc thiện nguyện đều hết mình”, anh tâm sự.
Đến khoảng 10:30, mọi người sẽ bắt đầu đóng hộp và chuyển vào bệnh viện và khoảng 11:00 các suất ăn đã được chuyển đến tận tay các lực lượng y tế.
Sau đó, nhóm của anh Duy sẽ tiếp tục chuẩn bị nguyên vật liệu để nấu tiếp các bữa ăn buổi chiều. Vì chiều chủ yếu là món nước nên mình phải hầm xương sớm, đến khoảng 5:30 chiều sẽ bắt đầu chuyển các suất ăn vào bệnh viện.
“Ngày đầu do mình chưa chuẩn bị kịp và còn bỡ ngỡ nên thời gian nấu nướng và chuẩn bị tốn khá nhiều thời gian, sau đó mình và mọi người đã rút kinh nghiệm và phân bố công việc phù hợp hơn để mọi thứ vận hành nhanh và ổn định nhất”, anh Duy nói.
Anh cho biết sau bữa ăn đầu tiên mình cũng hồi hộp không biết món bên anh nấu có vừa miệng không. Nhưng sau khi nhận được phản hồi tích cực từ mọi người, mình thấy vui và có thêm nhiều năng lượng để tiếp tục công việc.
Từ sau khi đứng ra tổ chức bếp ăn, anh Duy đã quyết định tự cách ly hẳn ở quán, hạn chế tiếp xúc với gia đình tối đa để an tâm trong việc nấu bếp.
Minh Hoàng