Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Để việc phòng chống dịch hiệu quả hơn dưới góc nhìn của một người giao hàng

(SGTT) – Cả thành phố đang căng mình phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị 16 của Chính phủ từ ngày 9-7. Càng khó khăn hơn khi cả Đông và Tây Nam bộ cùng chung cảnh ngộ từ 19-7.
Ảnh minh họa: Shutterstock

Việc làm này là cần thiết và cấp bách, được mọi người đồng tình, ủng hộ. Trong quá trình thực hiện, có chỗ này chỗ khác với những bất cập cần được thay đổi để cuộc chiến với Covid 19 và các biến thể ở Việt Nam đạt hiệu quả tốt hơn. Là nhân viên giao hàng (shipper) mùa dịch, đi giao hàng khắp thành phố, tôi mạo muội có mấy ý kiến chủ quan.

Hình ảnh dây thép gai rào chắn các khu vực phong tỏa tạo cảm giác bất an. Có thể thay bằng dây hoặc thanh chắn. Việc quản lý bên cạnh đội ngũ công an, dân phòng nên tận dụng lực lượng tình nguyện viên tại chỗ cùng với ban quản lý chung cư, khu phố, tổ dân phố… Một số người Việt chưa có ý thức nên dù có rào chắn cỡ nào cũng có thể chui hoặc leo qua được nếu không có người trực.

Các chốt chặn đường phố ban đầu rất nhiều và chặt. Sau dẹp bớt và lỏng dần, trừ các khu phong tỏa. Thay vào đó là tăng cường kiểm tra đột xuất. Phải nói là lực lượng chốt chặn kiểm tra rất vất vả, nhất là những lúc trời nóng như thiêu mà phải trực chiến trong lều bạt.

Khi thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội trước ngày 9-7, nơi chúng tôi ở bị phong tỏa vì block bên cạnh có F0. Sau khi test nhanh toàn bộ, không có ai dương tính nên 4 ngày sau được dỡ bỏ. Vừa qua, block tôi có F0 nhưng chỉ phong tỏa tầng có lây nhiễm. Cách làm này là hợp lý.

Nhà nước vận động người dân “Ai ở nhà nấy”. Buổi tối công an khu vực còn chạy xe đến từng nhà nhắc nhở, không tụ tập trước cửa. Ai cũng vui vẻ chấp hành. Ngược lại, trên một số cây cầu từ quận 1 qua quận 4 thuộc TPHCM, có hàng chục người vô gia cư ăn ở vật vã. Khách qua đường ghé cho tiền, tặng quà. Đây là nguồn lây nhiễm tiềm ẩn, rất khó kiểm soát.

Chỉ hạn chế (giãn cách xã hội) và buộc không ra ngoài (phong tỏa) với người dân, còn hàng hóa thiết yếu nên được lưu thông ưu tiên. Chỉ cần chủ phương tiện liên tỉnh có xét nghiệm âm tính. Hàng hóa qua tỉnh nào thì khử khuẩn là được. Do nhìn đâu cũng thấy Covid, sợ đủ thứ nên mỗi nơi làm một kiểu. Xe chở hàng bị hành đủ thứ thủ tục. Đường vắng mà thời gian chở hàng gấp đôi, gấp ba nên đội giá, khan hiếm không đáng có.

Việc khử khuẩn hàng hóa rất đơn giản, vậy mà trong 4 ngày phong tỏa, khu chung cư tôi ở không cho phép gởi hàng ra ngoài vì không có máy khử khuẩn. Thành phố thiếu rau và thực phẩm thiết yếu do ách tắc từ khâu vận chuyển. Làm sao đảm bảo an toàn nhưng thủ tục đơn giản và hiệu quả. Các shipper thiệt nhìn xe và người là biết.

Không cần đóng cửa toàn bộ chợ truyền thống. Chỉ đóng các quầy hàng không thiết yếu. Các quầy rau xanh, thực phẩm cần thiết vẫn hoạt động; giữ khoảng cách bằng cách bố trí sạp bán, sạp nghỉ theo ngày; qui định số lượng mỗi lần vào chợ thông qua phiếu. So với siêu thị bít bùng, máy lạnh thì chợ truyền thống thoáng mua bán, thanh toán đều nhanh hơn. Chưa kể việc có thêm thu nhập cho tiểu thương và gia đình của họ, giảm áp lực khan hiếm hàng thiết yếu.

Những ngày này, một số thợ sửa xe thụt thò sửa lén. Thế nên, có thể bố trí nơi bơm vá xe, thay nhớt tại các trạm xăng để dễ quản lý. Khuyến khích các thợ sửa xe cơ động theo khu vực và công bố số điện thoại để các shipper và xe công vụ nhờ hỗ trợ khi có sự cố. Tạo điều kiện cho các nhóm tình nguyện vận chuyển thực phẩm, rau xanh cho các điểm nóng phong tỏa.

Việc giăng dây và phong toả cần thống nhất. Có nơi chỉ giăng lơ lửng một sợi, xe gắn máy, người đi bộ vẫn thoải mái ra vào. Có chỗ phong tỏa đường chính, hẻm chính nhưng vẫn có các hẻm phụ ra vào, làm sao quản lý. Các shipper cũng cần được hướng dẫn đường tránh khi đường bị phong tỏa.

Khó khăn nhất là các khu nhà trọ công nhân, sinh viên và lao động tự do. Nhiều nơi không cho nấu ăn để phòng cháy. Công ty đóng cửa, nhà trường nghỉ học, hoạt động tạm dừng; công nhân, lao động và sinh viên các tỉnh vật vờ. Về quê không được, ở cũng chẳng xong, xoay xở thế nào giữa mùa phong tỏa. Bình thường đã khó, bị phong tỏa thì vô phương. Đây là những người cần được tiếp sức, ưu tiên hỗ trợ.

Cuộc chiến này chúng ta nhất định phải giành chiến thắng. Nhanh hay chậm tùy vào sự hợp lực và kiên quyết của toàn dân. Có thể những ngày tới sẽ gian nan hơn nhưng vấn đề là kịp thời điều chỉnh cả chiến thuật lẫn chiến lược, sửa sai những bất cập. Tất cả để chống dịch và vì sự an toàn của người dân.

Nguyễn Văn Mỹ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Những dấu ấn đáng nhớ của du lịch Việt Nam năm...

0
(SGTT) - Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến du lịch Việt Nam trong năm 2021. Hãy cùng Sài Gòn Tiếp Thị...

Doanh nghiệp du lịch mong ước gì trong năm 2022

0
(SGTT) - Đó là ước muốn của các đơn vị, doanh nghiệp thành viên của Sáng kiến Điểm đến an toàn, hoạt động trong...

“Thuyền trưởng” BenThanh Tourist: Đổi mới để vượt qua bão Covid

0
(SGTT) - Nhận vị trí "thuyền trưởng", chèo lái điều hành BenThanh Tourist ngay thời điểm dịch bệnh Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại...

Chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Mỹ: Trong thử thách tôi...

0
(SGTT) - Nhiều người bất ngờ khi ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt...

Bốn cấp độ “thích ứng an toàn” với Covid-19

0
(SGTT) - Ba tiêu chí để đánh giá cấp độ dịch, gồm số ca nhiễm mới tại cộng đồng, độ bao phủ tiêm vắc...

Phó chủ tịch UBND TPHCM: Thành phố sẽ hoàn thuế sớm...

0
(SGTT) - Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng, nếu doanh nghiệp đủ điều kiện được hoàn các khoản thuế theo quy...

Kết nối