(SGTT) – Tằm bì là món bánh đặc sắc của người dân miền Tây sông nước. Điều đó nằm ở cách làm nên từng sợi bánh, cách nêm nếm gia vị và chọn nguyên liệu để chế biến cùng.
- Bản đồ ẩm thực: Dé bò Tây Sơn, đặc sản Bình Định không phải ai cũng dám thưởng thức
- Bản đồ ẩm thực: Ngọt thanh gỏi bao tử cá ngừ Đại Dương đất biển Phú Yên
- Bản đồ ẩm thực: Một thoáng xứ Nẫu cùng tré rơm dân dã
Về hình dáng, từng sợi bánh trông như từng con tằm nên cái tên có lẽ vì thế mà ra đời. Rồi khi chúng theo chân những người con miền Tây lên Sài Gòn đã thực sự gây thương nhớ cho thực khách nơi đây.
Nhiều người lần đầu tiên thưởng thức bánh tằm bì cứ nghĩ là món ngọt bởi có nước cốt dừa, nhưng thực tế nó lại là món mặn dùng kèm bì heo, thịt nướng, chả giò. Rồi cuối cùng chan lên ít nước mắm chua ngọt để kết nối tất cả hương vị lại với nhau.
Qua tìm hiểu, sợi bánh tằm nhất định phải được làm từ bột gạo, gạo tẻ loại ngon. Cụ thể, người nấu đem ngâm vài ngày rồi xay, hồ thành bột, nhào thành từng viên lớn. Kỳ công nhất trong công đoạn làm bánh có lẽ nằm ở sự khéo léo của người se bánh thành từng sợi trắng nõn, mịn màng.
Rồi khi có sợi bánh, người bán chỉ việc chế biến các nguyên liệu còn lại và sẵn sàng đợi thực khách gọi món mà phục vụ. Tin chắc rằng, trong kho tàng văn hóa ẩm thực miền sông nước, bánh tằm bì đã có một vị trí nhất định để từ đó du khách trong và ngoài nước cứ mãi vấn vương “cái tình ẩm thực” người miền Tây.
Song Hậu