(SGTT) - Cù Lao Chàm được biết đến là khu dự trữ sinh quyển thế giới thuộc xã Tân Hiệp, thành phố Hội An. Nơi đây ngoài thiên nhiên hữu tình thì các loại hải sản rất được lòng thực khách. Theo đó, có một người phụ nữ ở Hội An với tình yêu hải sản đã quyết định thành lập nên thương hiệu mực một nắng mang tên mình.
- Đầu bếp bỏ phố về rừng làm TikToker triệu view: Nấu ăn không khó đâu, đừng sợ!
- TikToker “đồ bộ” Huyền Phi kiếm triệu view nhờ tình yêu ẩm thực quê nhà Trà Vinh
- Cô gái từ Đức về mở quán chay kiểu Âu, bình thường hóa việc ăn chay mỗi ngày
Có dịp trò chuyện với chị Cao Thị Phương (43 tuổi, trú ở thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp, Hội An), chủ thương hiệu Mực 1 nắng Cù Lao Chàm Cao Phương trong một dịp hội chợ gần đây, mới hay thương hiệu là tâm huyết của hai vợ chồng chị, bắt đầu từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng của hội phụ nữ thành phố Hội An, gần nhất là thêm 90 triệu đồng từ ngân hàng chính sách Hội An.
Kể về cơ duyên đến với công việc này, chị Phương cho biết, gia đình có truyền thống với nghề chế biến hải sản từ hơn 15 năm nay, trong đó, chị nhận thấy sản phẩm mực có lợi thế, tiềm năng nhất. Thật vậy, mực nơi đây được câu ở vùng biển Cù Lao Chàm cạn có độ mặn vừa phải, được ngư dân vận chuyển về trong ngày nên độ tươi rói hấp dẫn. Chính vì vậy, chị chọn sản phẩm này để làm nên thương hiệu Mực 1 nắng Cù Lao Chàm Cao Phương.
Chia sẻ về nguồn nguyên liệu, chị cho hay, từ sớm tinh mơ, chị đã có mặt ở chợ cá Cù Lao Chàm, đón những chuyến tàu chở mực về để chọn mua những con mực ưng ý nhất. Không những vậy, chị còn ký hợp đồng mua mực với hơn 20 chủ tàu ở Cù Lào Chàm. Theo đó, thời gian tập trung thu mua, chế biến vào giấc cao điểm là từ tháng 2-8 hằng năm. Các công đoạn chế biến mực 1 nắng cũng khá tỉ mỉ, vệ sinh, sạch sẽ… theo quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng.
Cụ thể, để sản phẩm đạt chất lượng, mẫu mã đẹp, cơ sở của chị chỉ chọn mua mực ống và mực ghim loại 1 (chiều dài khoảng 30cm), sau đó đem sơ chế và phơi trên các mành lưới. Dưới ánh nắng to nơi đây, khoảng 5 giờ sau phơi là mực đã đạt chất lượng 1 nắng (70-80%). Lúc đó, mực được cho vào túi, hút chân không rồi bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 15 độ C (trung bình 1kg mực tươi sau phơi sẽ còn khoảng 250g).
Nói là thế chứ những hôm trời trở gió, điều kiện thời tiết ánh sáng không bảo đảm (dưới 37 độ C) thì mực sẽ bị giảm độ ngon. Vì vậy, chị luôn cẩn thận quan sát thời tiết để từng mẻ mực phơi đều đạt chất lượng. Cộng thêm quá trình chế biến không dùng chất phụ gia, đóng gói kỹ lưỡng là yếu tố chị tự tin giới thiệu sản phẩm của mình ra thị trường.
Được biết, hiện sản phẩm Mực 1 nắng Cù Lao Chàm Cao Phương rất được người tiêu dùng ưa chuộng và đặt mua. Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh vào năm 2021 và xuất hiện ở các cửa hàng trên đảo, siêu thị, cửa hàng lân cận và cả ở những thành phố lớn như Đà Nẵng, TPHCM.
Về giá bán, chị cho hay hiện mực 1 nắng có giá bán tùy vào loại mực, kích thước và độ ẩm, dao động từ 650.000 – 1.200.000 triệu đồng/kg. Bình quân mỗi ngày, cơ sở bán ra khoảng 10kg sản phẩm mực, doanh thu mỗi năm hơn 300 triệu đồng, chưa kể tạo nên công ăn việc làm cho một số lao động địa phương.
Ngoài sản phẩm mực 1 nắng là chủ đạo, cơ sở chị Phương còn chế biến một số sản phẩm khác từ cá biển như cá hố vàng lớn, cá nhồng 1 nắng, cá trích khô… "Một số du khách khi ghé đến Cù Lao Chàm hay mua mực bên cơ sở mình, rồi đem nướng với lửa than hồng, chấm cùng tương ớt, thưởng thức tới đâu cứ ồ lên tới đó bởi độ tươi ngon", chị hài hước.
Cùng đồng hành với chị Phương từ những ngày đầu khởi nghiệp, chị Phan Thị Hiền (40 tuổi, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Bãi Làng), cho hay hội viên Cao Thị Phương đã có những thành tích tốt về việc quảng bá những sản phẩm của quê nhà đến mọi người. Bản thân chị Phương cũng từng nhận nhiều giấy khen của các cấp lãnh đạo, ban ngành.
Ở góc độ chính quyền, bà Phạm Thị Mỹ Hương, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, cho biết hiện nay xã đảo có 5-6 hộ sản xuất mực 1 nắng, nhưng quy mô và có tiếng nhất là cơ sở của chị Phương. Nhiều năm qua, sản phẩm của chị Phương đã tham gia nhiều hội chợ, phiên chợ trong và ngoài tỉnh, góp phần cho du khách khắp nơi biết đến một sản phẩm hải sản đặc trưng của tỉnh nhà.
Trò chuyện vội thêm vài câu trước khi tiếp tục công việc của mình, chị Phương cho rằng thời gian tới chị vẫn đẩy mạnh sản xuất, quảng bá thương hiệu mực thông qua các hội chợ, triển lãm OCOP hay về ngành hàng thực phẩm. Từ đó, định danh cho Cù Lao Chàm thêm một sản phẩm được chế biến từ hải sản tươi ngon nơi đây.
Hòa Vang