Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Hơn 50% doanh nghiệp tại TPHCM gặp khó khăn khi thưởng Tết cho người lao động

(SGTT) - Theo lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, hơn 50% doanh nghiệp đang gặp khó khăn về kế hoạch thưởng Tết cho người lao động; nguyên nhân là do đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, khiến hiệu quả lao động của các đơn vị bị giảm sút nghiêm trọng.
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, dù dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp nhưng sắp đến Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp đều cố gắng xoay xở thưởng Tết để giữ chân người lao động.

Thông tin về vấn đề thưởng Tết Nhâm Dần 2022 của người lao động, trong số phát sóng đầu tiên của chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” vào sáng ngày 9-1, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, cho biết qua số liệu báo cáo của các doanh nghiệp tại TPHCM, sở nhận thấy các doanh nghiệp có mức thưởng cao thường thuộc các ngành điện, điện tử, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, chế biến thực phẩm, lưu giữ kho bãi và công nghệ thông tin…

Các doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ hoặc sử dụng lao động đơn giản thường có mức thưởng thấp.

Theo ông Khiết, thông qua tổng hợp những báo báo của các doanh nghiệp gửi về, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM ghi nhận hơn 50% doanh nghiệp đang gặp khó khăn về kế hoạch thưởng Tết cho người lao động. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 suốt một năm qua, dẫn đến hiệu quả lao động giảm sút, cũng như ảnh hưởng đến hoạt động thưởng Tết của các đơn vị.

Nhiều doanh nghiệp đã rất cố gắng, vẫn đảm bảo thưởng Tết cho người lao động theo quy chế thưởng của doanh nghiệp và theo thỏa thuận lao động tập thể.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng hỗ trợ người lao động bằng nhiều hình thức thiết thực như xe đưa đón về quê ăn Tết; hỗ trợ tiền vé xe; thăm và tặng quà để giúp người lao động có Tết sum vầy, đầy đủ hơn; đồng thời giữ chân người lao động quay trở lại sau Tết để cùng các doanh nghiệp sản xuất trong năm 2022.

Về vấn đề kiểm soát giá cả thị trường vào dịp tết Nguyên đán năm 2022, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết hiện nay, công tác chuẩn bị lượng hàng trên địa bàn khá lớn với số vốn hơn 19.000 tỉ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường chiếm hơn 7.000 tỉ đồng.

Với các mặt hàng có lượng dự trữ chiếm tỷ trọng từ 20% đến hơn 54% thị phần, TPHCM hoàn toàn đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời và chi phối được giá cả thị trường.

Trong chương trình bình ổn thị trường cũng có kế hoạch thực hiện với các doanh nghiệp giữ ổn định giá một tháng trước và sau Tết. Hiện các mặt hàng quan trọng như thịt, trứng, gia súc, gia cầm… đã có mức giá ổn định trên thị trường.

Liên quan đến tình trạng của các mặt hàng rau củ tăng giá trong những tháng vừa qua, theo ông Phương, vì thời gian dịch bệnh Covid-19 kéo dài, chuỗi cung ứng bị đứt gãy nên nhiều đơn vị sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, vào thời điểm nhiều chợ truyền thống tạm dừng hoạt động, các nhà vườn, nhà cung ứng rau củ quả không có đầu ra nên những đơn vị này cũng tạm ngừng sản xuất, khiến nguồn rau củ bị khan hiếm.

Hiện nay, các nhà vườn đã có lượng sản phẩm để cung ứng ra thị trường. Như vậy, từ thời điểm này cho đến dịp Tết Nguyên đán 2022, người dân không cần quá lo lắng vì giá rau củ sẽ bắt đầu giảm dần.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối