(SGTT) – Hiện nay, sức mua tại các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM vẫn rất chậm khiến tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phục vụ nhu cầu tết như bánh mứt, kẹo, đồ khô… không dám trữ hàng nhiều.
- Dịch vụ ăn uống tại chỗ: người mua, người bán đều cẩn trọng với dịch
- Nhiều chợ truyền thống mở cửa trở lại, khách ít nhưng tiểu thương vui
Khác với mọi năm, không khí chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán 2022 ở các khu chợ như Bến Thành (quận 1), An Ðông (quận 5), Bình Tây (quận 6), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), hiện đang trong tình trạng im hơi lặng tiếng. Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng bánh kẹo, mứt cho biết chỉ mua vào một số lượng hàng tượng trưng để bán, thậm chí nhiều sạp kinh doanh chưa có kế hoạch mua hàng do lo ngại sức mua giảm trong dịp tết sắp tới.
Theo ghi nhận của phóng viên, dù chưa tới 16:00 nhưng chủ sạp 1189 – Liên Sài Gòn ở chợ Bến Thành đã dọn dẹp, đóng cửa sạp hàng để ra về thay vì 6:30 như trước đây. “Cả ngày hôm nay chỉ bán được cho ba người khách, hàng bán chỉ mua theo ký, bán hết lại đặt tiếp”, chủ sạp than thở.
Bà Dương Thị Thanh Thủy, 41 tuổi, kinh doanh tại chợ Bến Thành hơn 10 năm, cho biết vẫn đang nghe ngóng và chưa dám đặt hàng bán tết. Theo bà Thủy, đặc thù của chợ là bán cho khách du lịch là chính nhưng dù chợ đã mở cửa từ đầu tháng 10 nhưng lượng khách hầu như không có. Một số khách hàng cũng liên hệ để đặt mua các loại hạt như hạt điều, hạnh nhân, mắc ca…nhưng với số lượng không nhiều.
“Các cơ sở sản xuất kẹo mứt tết hiện nay cũng chỉ sản xuất cầm chừng theo đơn đặt dẫn đến các mặt hàng đều tăng giá từ 10-15% khiến tình hình kinh doanh trở nên khó khăn hơn. Bây giờ tôi chỉ mua tới đâu bán tới đó, nếu khách có nhu cầu thì mình sẽ liên hệ với lò để đặt hàng chứ không ôm hàng trước như mọi năm”, bà Thủy nói thêm.
Chủ sạp 949 – Hương Xuân, kinh doanh bánh kẹo tại chợ Bến Thành, chia sẻ hơn 20 năm kinh doanh ở chợ chưa bao giờ ế ẩm như năm nay. Sức mua dịp tết năm nay khó đoán nên nếu ôm hàng trong dịp tết này rủi ro rất cao.
Hiện nay, giá các mặt hàng bánh kẹo mứt tết tại chợ Bến Thành như hạt dưa, các loại mứt dừa, bưởi, gừng có giá 200.000-250.000 đồng/kg, còn với các loại trái cây sấy khô có giá 400.000 – 450.000 đồng/kg tùy loại.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chợ Bình Tây, khu chợ sỉ lớn nhất TPHCM những ngày này, các hoạt động buôn bán, chào hàng, đóng gói, chuyển hàng đi tỉnh không tất nập người mua kẻ bán mà thay vào đó là cảnh tượng vắng lặng. Các sạp hàng đã trưng bày các mặt hàng mứt tết tại sạp để khách hàng có thể thoải mái lựa chọn nhưng khách thì vẫn không thấy đâu.
Bà Ứng Thị Liên, tổ trưởng khu bánh mứt chợ Bình Tây, chia sẻ thông thường đến tháng 11 các bạn hàng lâu năm từ các khu vực miền Trung, miền Tây đến trực tiếp để mua hằng nhưng năm thì vẫn chưa thấy dù bà đã chủ động liên hệ với khách để giới thiệu, thông báo.
“Thời điểm này những năm trước người mua chật kín lối đi, tôi bán hàng không có thời gian nghỉ ngơi nhưng năm nay ngồi cả ngày chỉ bán được vài khách. Tình hình buôn bán năm nay giảm đến 70% so với những năm trước”, bà Liên kể.
Theo bà Liên, các công ty thường đến giới thiệu sản phẩm mới, hoặc mời nhập hàng về bán cũng chưa xuất hiện. Nguồn cung bánh, mứt từ Trung Quốc hay Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng trở nên khan. Nhiều cửa hàng không trụ nổi đã phải đóng sạp, bà nói.
Hoạt động cầm chừng, nghe ngóng thị trường và chờ đợi người tiêu dùng là cách mà các tiểu thương tại chợ truyền thống đang làm mặc dù đã vào mùa mua sắm cho Tết Nguyên đán 2022.
Minh Hoàng