Thứ Sáu, Tháng Mười 4, 2024

Giấy chuyển tuyến cho bệnh nhân, tại sao chưa thể bỏ dù gây phiền hà?

(SGTT) – Theo một số bác sĩ và lãnh đạo bệnh viện, giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh có thể vẫn còn gây phiền hà, khó khăn cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu hủy bỏ thủ tục giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh thì sẽ có nguy cơ bệnh nhân vượt tuyến, chuyển hết lên tuyến trên để khám chữa bệnh, dẫn đến quá tải.
Trước tình trạng này, các chuyên gia y tế cho rằng cần số hóa thủ tục chuyển tuyến để việc điều trị cho bệnh nhân được nhanh gọn, đồng thời cần nâng cao chất lượng đội ngũ y bác sĩ của tuyến cơ sở, tạo niềm tin để giữ chân người bệnh.

Người bệnh “vượt tuyến” vì thiếu sự tin tưởng

Kể về câu chuyện gặp khó khăn khi xin giấy chuyển từ tuyến tỉnh lên tuyến Trung ương, chị N.T.D (29 tuổi tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), cho biết ba của chị bị ung thư gan giai đoạn 4, được phát hiện vào năm 2022. Khi nhập viện để điều trị tại một bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, diễn tiến bệnh ba của chị đã trở nặng với triệu chứng chướng bụng, nặng tức vùng hạ sườn phải, nôn ói liên tục. Quá lo lắng vì mắc bệnh hiểm nghèo ở giai đoạn cuối, gia đình có nguyện vọng chuyển lên tuyến cao hơn – đưa bệnh nhân được điều trị tại một bệnh viện có các bác sĩ đầu ngành về ung thư ở TPHCM.

Tuy nhiên, các bác sĩ tại tuyến tỉnh lại gây khó khăn, không đồng ý chuyển tuyến, trong khi trang thiết bị y tế, liệu trình điều trị không có hiệu quả cao như tuyến Trung ương. Sau gần một tuần, ba của chị D. mới được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM). “Sau khi chuyển tuyến điều trị, một số triệu chứng đã thuyên giảm hơn so với thời điểm phát hiện bệnh. Như vậy, việc gây khó khăn, chậm trễ trong chuyển tuyến có thể khiến bệnh nhân bỏ lỡ cơ hội điều trị liệu trình tốt”, chị D. nói.

Không chỉ riêng chị D., nhiều trường hợp bệnh nhân đang điều trị ở các tuyến huyện, tỉnh cho rằng họ cảm thấy không yên tâm tâm và muốn được chuyển lên tuyến Trung ương nhưng bị bệnh viện gây khó khăn. Một số trường hợp khác muốn chuyển có khi phải nhờ các mối quan hệ với bác sĩ mới được chuyển tuyến. Nhiều gia đình vừa phải lo lắng về sức khỏe của bệnh nhân, vừa phải lo về kinh tế, đi lại nhiều lần, thậm chí mất tiền mới xin được giấy chuyển viện.

Bệnh nhân xếp hàng làm thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện Ung bướu ở TPHCM. Ảnh: Minh Thảo

Trước một số ý kiến của người dân cho rằng giấy chuyển viện là thủ tục hành chính rất nhiêu khê và phiền phức, ảnh hưởng đến cơ hội khám chữa bệnh của bệnh nhân, trao đổi với KTSG Online, bác sĩ Nguyễn Văn Hường, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân Y 175 – bệnh viện tuyến cuối của quân đội ở khu vực phía Nam, cho biết theo quy định hiện nay, bệnh nhân điều trị ở bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, muốn chuyển lên Trung ương thì phải xin giấy chuyển viện. Giấy chuyển viện chứa đựng thông tin liên quan đến diễn tiến của bệnh được điều trị từ tuyến trước, từ đó để bệnh viện tuyến sau tiếp tục có phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Vai trò của giấy chuyển tuyến rất cụ thể, nêu rõ tình trạng, lịch sử điều trị cũng như bệnh án.

Vấn đề nổi lên hiện nay là thủ tục làm giấy chuyển viện còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, bác sĩ Hường cho rằng cần làm rõ hai vấn đề là “bệnh nhân không được chuyển tuyến” hay “không được chuyển tuyến theo đúng ý bệnh nhân”. Đối với những ca bệnh nặng, vượt quá khả năng điều trị, đa số bác sĩ của bệnh viện tuyến dưới sẽ không dám giữ bệnh nhân lại vì an toàn người bệnh. Những trường hợp này, bác sĩ sẵn sàng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Thế nhưng, có trường hợp bệnh nhân chỉ xuất hiện khối u nhỏ ở cổ, có thể cắt ngay tại bệnh viện tuyến tỉnh nhưng vẫn muốn chuyển lên tuyến cao hơn. Việc để bệnh nhân bệnh nhẹ chuyển lên bệnh viện tuyến cuối là bất hợp lý.

Mặt khác của vấn đề này là do bệnh nhân không tin vào khả năng tay nghề của bác sĩ. Theo lãnh đạo của Bệnh viện Ung bướu tại TPHCM, nhiều bệnh nhân có tâm lý vừa muốn được bác sĩ giỏi tại bệnh viện lớn khám và điều trị, vừa không muốn mất tiền vì có thẻ Bảo hiểm y tế. Trên thực tế, nhiều người bệnh cũng chấp nhận vượt tuyến, tốn thêm chi phí khám chữa bệnh vì không tin tưởng tuyến dưới. Khi bệnh nhân không tin vào khả năng của bác sĩ, việc điều trị dễ thất bại vì người bệnh không hợp tác và không tuân thủ phác đồ điều trị.

Vị lãnh đạo này cho biết về mặt tổ chức, trường hợp bệnh nhẹ hoặc nặng đều đổ dồn lên tuyến trên, có thể khiến hệ thống y tế bị ‘rối loạn’. Các bệnh viện tuyến cuối đang chật kín bệnh nhân, nay lại càng quá tải hơn. Trong khi đó, bệnh viện tuyến huyện, tỉnh là nơi gần nhất mà người dân có thể nhờ cậy mỗi khi bị bệnh nhưng một số nơi luôn vắng bóng người bệnh. Vì vậy, ngành y tế cần nâng cao chất lượng tuyến cơ sở để giữ chân người bệnh; đồng thời cần số hóa thủ tục chuyển viện để việc điều trị cho bệnh nhân được nhanh gọn,

Số hóa cần đi cùng nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, cho biết giấy chuyển viện không chỉ là thủ tục hành chính mà còn có ý nghĩa quan trọng về mặt chuyên môn và quản lý chi phí của cơ sở khám chữa bệnh như quỹ Bảo hiểm y tế. Nếu không còn giấy chuyển viện, khó quản lý chi phí khám chữa bệnh. Vì vậy, trong tình hình hiện nay chưa thể bãi bỏ giấy chuyển tuyến.

Ngoài ra, nếu bỏ giấy chuyển tuyến, bệnh viện khó kiểm soát được người bệnh. Bởi bác sĩ ở tuyến trên không nắm rõ được tình hình của bệnh nhân, dẫn đến điều trị không hiệu quả. Đó là chưa kể bệnh nhân phải thực hiện lại một số xét nghiệm, gây tốn kém chi phí khám chữa bệnh.

“Việc bỏ giấy chuyển viện không chỉ dẫn đến tình trạng bệnh nhân ồ ạt chuyển lên tuyến trên, gây quá tải mà còn khiến chất lượng điều trị của bệnh viện bị ảnh hưởng. Sự quá tải này có thể là ‘quá tải giả tạo’ vì nơi không có bệnh nhân, chỗ khác lại quá đông người đến khám chữa bệnh”, bác Tiến nói và cho rằng nếu bỏ thủ tục chuyển viện bằng giấy, thông tin bệnh án phải được cập nhật trên hệ thống điện tử để bệnh viện tuyến sau tiếp cận.

Để giảm bớt tình trạng người bệnh khi xin giấy chuyển tuyến không cần thiết, ngành y tế cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở. Ảnh minh hoạ: Minh Thảo

Nói về việc số hóa thủ tục chuyển viện, bác sĩ Hường, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm thần thuộc Bệnh viện Quân Y 175, cho rằng để chuyển viện nhanh chóng và thuận tiện nhất cho bệnh nhân, các bệnh viện cần ứng dụng chuyển đổi số. Cụ thể thông qua hình thức hồ sơ điện tử, thủ tục hành chính được đơn giản hoá hơn, cũng như liên thông được thông tin giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Sự liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh sẽ cho phép bệnh viện xem được những thông tin của bệnh nhân như kết quả xét nghiệm, liều thuốc sử dụng, kỹ thuật điều trị cho bệnh nhân ở tuyến trước… từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Tuy nhiên, để triển khai liên thông, các bệnh viện cần phải có hệ thống hạ tầng về công nghệ thông tin đồng bộ giữa các cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo giữ gìn thông tin của bệnh nhân.

Bên cạnh đó, bác sĩ Hường cũng cho rằng cần tăng cường năng lực khám chữa bệnh từ tuyến cơ sở để người dân tin tưởng vào chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ, tránh tâm lý cứ bệnh là phải lên tuyến trên.

Tương tự, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết để bệnh nhân không còn phải xin giấy chuyển tuyến, tránh cho các cơ sở y tế tuyến trên không bị quá tải, giải pháp căn cơ là y tế tuyến dưới phải đảm bảo chuyên môn, tạo niềm tin cho người dân. Để có niềm tin, đây là cả một quá trình lâu dài.

Bác sĩ Thức đề xuất nên luân chuyển giữa bác sĩ tuyến Trung ương về tuyến tỉnh, huyện, xã và bác sĩ tuyến dưới chuyển ngược lên tuyến trên để học tập, tích luỹ thêm kinh nghiệm. Một mặt nhằm chuyển giao kỹ thuật, kiến thức cho đồng nghiệp; mặt khác là để bác sĩ tuyến trên học được nhiều kiến thức mà chỉ tuyến cơ sở mới có được. Khi đội ngũ y bác sĩ có tay nghề, trình độ đủ tốt thì tạo được niềm tin cho người dân đến tuyến cơ sở để khám chữa bệnh.

Để ‘số hoá’ giấy chuyển tuyến, theo cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, tại “Hội nghị đổi mới công tác đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi” do Bộ Y tế tổ chức vừa qua, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, cho biết theo đề án 06 về chuyển đổi số, Bộ Y tế đang xúc tiến chuẩn bị phối hợp với Bộ Công an để ứng dụng các giấy chuyển tuyến, khám lại vào hệ thống VssID hoặc VNeID. Người bệnh chỉ cần điện thoại, mã bảo hiểm y tế, mã giấy chuyển tuyến khi đến bất cứ cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên được chuyển đến là có thể khám chữa bệnh.Theo đó, thay vì sử dụng giấy chuyển tuyến, giấy hẹn tái khám như hiện nay, người bệnh chỉ cần điện thoại, mã bảo hiểm y tế, mã giấy chuyển tuyến được đồng bộ trên VNeID và VssID. Lúc này, khi đến bất cứ cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên, bệnh nhân chỉ cần xuất trình chuyển tuyến điện tử để làm thủ tục. Các bệnh viện thực hiện ký số thay cho ký giấy thông thường.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cần Thơ chú trọng an toàn thông tin trong chuyển đổi...

0
(SGTT) - Nhằm nâng cao nhận thức về bảo mật và an toàn thông tin trong chuyển đổi số cũng như tìm kiếm giải...

Chuyển đổi số để hiểu và phục vụ bạn đọc tốt...

0
(SGTT) - Thêm phiên bản thu phí với nội dung riêng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chatbot để tìm thông tin, đưa...

AI mở rộng cánh cửa thị trường cho sản phẩm số

0
(SGTT) - Các doanh nghiệp toàn cầu đã nhận ra sức mạnh của AI trong việc xây dựng và phát triển các sản phẩm...

TPHCM: Đưa toàn bộ hoạt động hành chính lên nền tảng...

0
(SGTT) - Để năm 2025 các thủ tục liên quan đến hành chính diễn ra được trên nền tảng số thì ngay từ bây...

TPHCM khai trương Trung tâm chuyển đổi số

0
(SGTT) - Chính thức thành lập Trung tâm chuyển đổi số, TPHCM sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong năm 2024 với mục tiêu...

Thử nghiệm giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám bệnh điện tử...

0
(SGTT) - Từ ngày 1-4 tới đây, Bộ Y tế sẽ triển khai thử nghiệm việc gửi và nhận dữ liệu điện tử giấy...

Kết nối